Huyện Phước Sơn đang vươn mình mạnh mẽ nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Từ vùng đất miền núi còn nhiều khó khăn, Phước Sơn từng bước cải thiện hạ tầng, khai phá tiềm năng nông nghiệp, mang lại diện mạo mới và nâng cao đời sống người dân.
Diện mạo mới từ cơ sở hạ tầng
Thôn 2 (xã Phước Năng) là một trong những minh chứng sống động cho bước chuyển mình của các thôn, xã vùng cao Phước Sơn, nhờ vào sức bật nông thôn mới (NTM).
Với mục tiêu trở thành thôn NTM kiểu mẫu, người dân nơi đây đã cùng chính quyền đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng kinh tế - xã hội. Đường giao thông trục chính được cứng hóa, hệ thống điện lưới quốc gia phủ kín 100% hộ dân.
Mới đây, nhà văn hóa và khu thể thao thôn rộng 500m2 được trang bị đầy đủ âm thanh, ánh sáng, sóng wifi, kệ sách hơn 100 đầu sách. Đến nay, thôn 2 của xã Phước Năng đã đạt 10/10 tiêu chí NTM kiểu mẫu, cơ bản xóa được nhà tạm, nhà dột nát.
Hạ tầng giáo dục cũng được huyện Phước Sơn chú trọng đầu tư. Trường Mẫu giáo liên xã Năng - Mỹ được thành lập năm 2019 trên cơ sở sáp nhập hai trường mẫu giáo của hai xã cũng là dấu ấn của việc đầu tư có trọng tâm, trọng điểm từ các chương trình, dự án cho vùng cao.
Với diện tích hơn 900m2, trường có khu vườn cổ tích, khu vui chơi phát triển vận động, sân khấu ngoài trời, tạo môi trường học tập sáng tạo, bếp ăn đảm bảo vệ sinh, không có trẻ suy dinh dưỡng... Kết quả này giúp trường đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc và được UBND tỉnh tặng Bằng khen.
Tại xã Phước Công, điểm vui chơi, giải trí và thể thao có diện tích hơn 800m2 được quan tâm cải tạo năm 2024, kệ sách hơn 500 đầu sách, góp phần gắn kết cộng đồng.
Bí thư huyện ủy Phước Sơn - Đoàn Văn Thông cho biết, đầu tư cho NTM là một trong những chìa khóa giúp nâng cao diện mạo miền núi Phước Sơn. “Thời gian qua, địa phương đã bám sát các chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, chỉ đạo tập trung nguồn lực đầu tư, tìm kiếm các giải pháp để tối ưu hóa các nguồn đầu tư hạ tầng, sản xuất và giáo dục để phát triển bền vững, giúp người dân thoát nghèo, đời sống nhân dân được cải thiện” - ông Thông chia sẻ.
Sức bật từ nông nghiệp
Bên cạnh cải thiện hạ tầng, Phước Sơn tìm kiếm sức bật từ sản xuất nông nghiệp để nâng cao giá trị kinh tế và cải thiện đời sống. Ông Nguyễn Ngữ (ở thôn 1, xã Phước Công) với xuất phát điểm phụ thuộc vào cây keo, sau đó đã chuyển sang mô hình trồng cây ăn quả trên 3.000m2 đất vườn.
Trên đất vườn của mình, ông Ngữ trồng bưởi da xanh, cam Vinh, bơ Booth, ổi nữ hoàng, sầu riêng, măng cụt… kết hợp hệ thống tưới tự động và kỹ thuật hiện đại. Kết quả, vườn cây mang lại thu nhập ổn định, nguồn thu khoảng 30 triệu đồng từ bưởi, 20 triệu đồng từ ổi, 15 triệu đồng/tháng từ cam và rau củ.
Ông Ngữ chia sẻ đã học hỏi kỹ thuật mới, dùng bao bì tự hủy để tạo sản phẩm sạch, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mô hình này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn là hướng đi tiềm năng cho nhiều hộ dân, góp phần tạo cảnh quan nông thôn xanh, sạch.
Tại thôn 2 (xã Phước Năng), người dân cũng được khuyến khích mở rộng mô hình kinh tế vườn, trồng cây ăn quả để nâng cao thu nhập. Nhờ chính sách hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề, thu nhập bình quân đầu người nơi đây đạt gần 50 triệu đồng/năm - con số ấn tượng với một vùng miền núi.
Ông Phạm Văn Phước - Phó Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Phước Sơn chia sẻ, thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương HND Việt Nam và Chỉ thị của Huyện ủy Phước Sơn, huyện Phước Sơn hiện có 15 tổ HND nghề nghiệp với hơn 150 thành viên.
Đặc biệt, mô hình “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm” tại 3 chi hội nông dân ở 3 xã đã thực hiện rất hiệu quả. Các mô hình hoạt động dựa trên nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng thụ) đã mang lại nhiều sản phẩm và thu nhập, giúp nông dân cải thiện đời sống, thoát nghèo bền vững. Nhờ thấy rõ quyền lợi và tính cộng đồng, người dân hưởng ứng nhiệt tình, tham gia sôi nổi.
“Thời gian tới, Huyện ủy Phước Sơn tập trung chỉ đạo tiếp tục đầu tư cho NTM, khai thác những hướng đi mới từ nông nghiệp, giúp người dân định vị được các sản phẩm hàng hóa chủ lực để có thể vươn lên, tìm thêm nhiều hướng đi, sinh kế mới.
Sự kết hợp giữa phát triển hạ tầng và đầu tư nông nghiệp, nông thôn đã giúp Phước Sơn thay đổi vượt bậc, thể hiện khát vọng vươn lên của cộng đồng miền núi. Hành trình này sẽ giúp cho người dân Phước Sơn nâng cao đời sống, phát triển sản xuất, từng bước xây dựng diện mạo mới cho miền núi” - ông Đoàn Văn Thông chia sẻ.