Phước Sơn nỗ lực vượt nghèo

DIỄM LỆ 14/02/2023 06:45

“Đến năm 2025 Phước Sơn thoát khỏi huyện nghèo” là mục tiêu được địa phương đặt ra và phấn đấu thực hiện, quyết liệt hành động ngay từ giai đoạn đầu.

Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên muốn thoát nghèo, Phước Sơn phải nỗ lực rất lớn. Ảnh: D.L
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên muốn thoát nghèo, Phước Sơn phải nỗ lực rất lớn. Ảnh: D.L

Nâng mức sống nhân dân

Theo Quyết định số 880 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Phước Sơn là một trong 22 huyện nghèo thuộc 17 tỉnh trong toàn quốc phấn đấu thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022 - 2025. Đây được xem là mục tiêu chính trị hết sức quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phước Sơn trong giai đoạn này.

Năm 2022, theo chuẩn nghèo đa chiều, Phước Sơn còn 2.412 hộ nghèo (tỷ lệ 34,67%), mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo còn 22%; thu nhập bình quân đầu người phải đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm vào năm 2025; phấn đấu có thêm 4 xã về đích nông thôn mới (hiện nay chỉ có 1 xã nông thôn mới là Phước Xuân).

Tại cuộc làm việc với huyện Phước Sơn ngay sau kỳ nghỉ tết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu Phước Sơn vào cuộc với quyết tâm cao nhất để đạt được mục tiêu đến năm 2025 thoát khỏi huyện nghèo. Trong năm 2023, huyện tiếp tục phát huy kết quả đạt được, bám sát mục tiêu đề ra, triển khai các chương trình đồng bộ; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, nâng cao tỷ lệ giải ngân; tăng cường công tác kiểm tra giám sát dự án sản xuất, đảm bảo đi vào thực chất, đúng mục đích. Đến cuối tháng 6/2023, huyện phải giải ngân 100% vốn 2022 và 50% nguồn vốn năm 2023. Việc phân bổ nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, lựa chọn các danh mục đầu tư có tính hiệu quả, lan tỏa rộng rãi, hướng đến mục tiêu cuối cùng là sự thụ hưởng và phát triển của nhân dân.

Đối với một huyện nghèo, để đạt được mục tiêu trên là hành trình khá gian nan. Bằng mọi giải pháp, cách làm, thoát khỏi huyện nghèo không gì khác là tập trung nâng cao mức sống của nhân dân về mọi mặt theo tiêu chí đa chiều.

Ông Lê Quang Trung - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết: “Giảm nghèo bền vững hàng năm và thoát khỏi huyện nghèo là mục tiêu lớn nhất Phước Sơn phải đạt được đến năm 2025.

Giảm nghèo chính là làm sao để thay đổi một cách cụ thể nhất mọi mặt đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Phước Sơn có tiềm năng, dư địa để phát triển các vùng sản xuất tập trung, chăn nuôi. Nhưng quan trọng là phải thay đổi từ trong nhận thức của người dân về ý thức vươn lên, vượt khó, vượt nghèo. Điều này đòi hỏi phải tổng lực, tác động toàn diện”.

Cũng theo ông Trung, Phước Sơn đã có đề án hỗ trợ nhân dân chuyển đổi từ việc trồng cây keo sang trồng cây ăn quả, trồng cây rừng lâu năm, trồng cây dược liệu xen ghép dưới tán rừng, hình thành vùng chuyên canh trồng cỏ nuôi bò.

Đối với chuyện an cư của người dân, huyện đã vận động nhiều nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ hộ dân thêm mỗi hộ từ 10 - 15 triệu đồng, cùng với nguồn lực đầu tư từ các chính sách của Nhà nước về sắp xếp dân cư, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo để hộ nghèo đủ điều kiện xây dựng được một căn nhà đảm bảo “3 cứng”, an toàn.

Lồng ghép nguồn lực

Phước Sơn đang được đầu tư bởi 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gồm giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, xây dựng nông thôn mới. Ba chương trình này cùng hướng tới một điểm đích, chính là góp phần phát triển miền núi, giảm nghèo và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Để thực hiện thành công các chương trình MTQG với kết quả tốt nhất, việc lồng ghép nguồn vốn khi triển khai các chương trình là điều cần thiết và đang được huyện Phước Sơn thực hiện.

Phát triển miền núi chính là giảm nghèo trong nhân dân. Ảnh: D.L
Phát triển miền núi chính là giảm nghèo trong nhân dân. Ảnh: D.L

 Theo ông Hồ Công Điểm - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, các chương MTQG đã được huyện Phước Sơn tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện. Đối với xây dựng nông thôn mới, tổng kế hoạch vốn đầu tư năm 2022 hơn 26,6 tỷ đồng, huyện đã phân bổ cho các xã triển khai mới 38 công trình.

Các công trình đã triển khai thi công, giải ngân đạt tỷ lệ 83%. Vốn sự nghiệp hơn 5,8 tỷ đồng, giải ngân đạt hơn 34%. Riêng nguồn kinh phí tỉnh hỗ trợ 7,5 tỷ đồng, đầu tư cho 4 xã điểm Phước Chánh, Phước Công, Phước Năng, Phước Hiệp để đầu tư xây dựng mới 14 công trình, tỷ lệ giải ngân đạt gần 85%.

Ông Điểm cho biết: “Đối với chương trình giảm nghèo bền vững, tổng kế hoạch vốn Trung ương cấp năm 2022 hơn 67,4 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện đã triển khai xây dựng mới các công trình trọng điểm, đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, phát triển giáo dục nghề nghiệp và việc làm bền vững, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…

Phước Sơn đang đầu tư hạ tầng khu trồng cây ăn quả, dược liệu kết hợp bố trí dân Phước Năng, Phước Chánh để hỗ trợ người dân vừa tái định cư vừa chuyển đổi sinh kế hiệu quả hơn”.

Riêng chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, huyện Phước Sơn được phân bổ hơn 53,6 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư hơn 34 tỷ đồng để triển khai xây dựng mới 10 công trình cấp huyện và phân cấp 1 tỷ đồng/xã để đầu tư 15 công trình; tỷ lệ giải ngân đạt gần 53%. Vốn sự nghiệp hơn 19,4 tỷ đồng đã được huyện phân bổ cho các đơn vị triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án của chương trình.

Trong quá trình thực hiện và lồng ghép, giải ngân nguồn vốn từ các chương trình MTQG, Phước Sơn dù tiến độ đạt hơn các huyện miền núi khác, nhưng vẫn gặp một số vướng mắc, khó khăn.

Ông Điểm nêu: “Mục tiêu đã đặt ra nên huyện phấn đấu thực hiện hiệu quả nhất các nguồn lực đầu tư. Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí của các chương trình MTQG năm 2022 phân bổ chậm, ảnh hưởng tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn.

Một số chỉ tiêu mới yêu cầu cao, khó thực hiện đối với huyện miền núi như tiêu chí thu nhập xã nông thôn mới phải đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm, chỉ tiêu lao động qua đào tạo đạt trên 20%, tiêu chí nghèo đa chiều phải đạt tỷ lệ dưới 13%, tỷ lệ dân số có sổ khám bệnh điện tử hơn 50%...

Giảm nghèo xong hướng đến xây dựng nông thôn mới thì chất lượng cuộc sống người dân mới đảm bảo bền vững, nâng cao, nhưng yêu cầu cao sẽ là thách thức”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phước Sơn nỗ lực vượt nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO