Sinh kế từ nguồn vốn vay ưu đãi

TR.NHAN - NH.DUY 30/09/2022 08:27

Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đại Lộc, người nghèo trên địa bàn có thêm nhiều sinh kế cải thiện cuộc sống.

Người dân Đại Lộc phát triển sinh kế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. Ảnh: H.LIÊN
Người dân Đại Lộc phát triển sinh kế từ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện. Ảnh: H.LIÊN

Nhiều mô hình kinh tế hiệu quả

Ông Phan Văn Đông từng là hộ khó khăn của thôn Tây Lễ, xã Đại Thạnh. Nhiều năm trước, từ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Đại Lộc, ông Đông đã đầu tư 50 triệu đồng mua bò giống, mua dê chăn nuôi và từng bước gầy dựng đàn. Đàn dê, bò của gia đình ông Đông hiện đã lên đến vài chục con, mỗi năm cho doanh thu cả trăm triệu đồng.

Còn anh Nguyễn Yên (thôn Mỹ An, xã Đại Quang) từng bị tai nạn lao động mất đi một chân, cuộc sống hết sức khó khăn. Từ 90 triệu đồng vốn vay, anh Yên đầu tư, mua sắm thêm máy móc để làm nghề mộc dân dụng, cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng...

Qua 20 năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đại Lộc đã giảm từ 28,5% (năm 2006), đến nay còn 1,97%; tỷ lệ hộ cận nghèo đến nay còn 2,6%. Tổng doanh số cho vay Ngân hàng CSXH qua 20 năm (2003 - 2022) hơn 185,4 tỷ đồng, giải quyết cho 19.317 lượt hộ vay.

Tại Đại Lộc còn rất nhiều cá nhân, nhiều mô hình kinh tế có quy mô nhỏ và vừa được tiếp sức từ Ngân hàng CSXH huyện. Ví như hộ ông Ngô Chút (thôn Phú Phong, xã Đại Tân) được hỗ trợ vốn vay đầu tư trồng 3ha keo lá tràm; hộ ông Đinh Tý (thôn Tây Gia, xã Đại Minh) được hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư chăn nuôi bò và luôn duy trì tổng đàn 4 con, nhờ đó có của ăn của để. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ tại Đại Lộc có điều kiện để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Đơn cử như hộ bà Nguyễn Thị Phi Anh (thôn Tân Hà, xã Đại Lãnh), từ nguồn vốn vay ưu đãi 90 triệu đồng đầu tư trồng nấm, đến nay bà có điều kiện mua sắm thêm máy móc, thiết bị, mở rộng nhà xưởng...

Đảm bảo an sinh xã hội

Theo thống kê, trong 20 năm qua, có khoảng 6.604 hộ vay vốn Ngân hàng CSXH trên địa bàn Đại Lộc đã thoát nghèo. Bà Nguyễn Thị Trang - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho biết, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều hộ nghèo tại Đại Lộc có điều kiện thoát nghèo, chuyển biến nhận thức về phương cách thức làm ăn, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Nhiều hộ gia đình tiếp cận được nguồn vốn và đầu tư lớn để phát triển kinh tế khi thoát nghèo.

Cũng theo bà Trang, thời gian tới, Ngân hàng CSXH huyện tập trung triển khai công tác củng cố và nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực huy động các nguồn vốn để đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình. Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về các chính sách tín dụng của Đảng, Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác dưới nhiều hình thức.

Tăng cường phối hợp, triển khai thực hiện các nội dung ủy thác giữa các hội đoàn thể và Ngân hàng CSXH; thường xuyên củng cố và nâng cao chất lượng ủy thác. Phấn đấu đến năm 2030, có 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đủ điều kiện vay vốn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách.

Ông Đặng Văn Kỳ - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ, qua 20 năm triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78 ngày 10.4.2022 của Chính phủ, Đại Lộc đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách và đạt được kết quả khả quan, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu về xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Toàn huyện có 4 đơn vị ủy thác vốn vay gồm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Đoàn thanh niên. Thông qua hoạt động cho vay, ủy thác, các tổ chức chính trị - đoàn thể đã có điều kiện sâu sát cơ sở, gắn kết hoạt động kinh tế với nhiệm vụ chính trị của tổ chức mình...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sinh kế từ nguồn vốn vay ưu đãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO