Xây dựng chiến lược ứng phó thiên tai

VIỆT NGUYỄN 18/07/2021 07:38

Theo Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia, năm 2021, dự báo số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có xu hướng tương đương so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm khoảng 12 - 14 cơn, ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền từ 5 - 7 cơn). Khu vực Trung Bộ nắng nóng không gay gắt và kéo dài như trong năm 2020. Tuy nhiên, vẫn có khả năng xảy ra nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể đạt mức xấp xỉ 41 - 42 độ C. Các địa phương cần chủ động ứng phó với thiên tai dị thường.

Tại Quảng Nam, năm 2020 thiên tai để lại hậu quả nặng nề với 43 người chết, 17 người mất tích; cơ sở hạ tầng, các ngành kinh tế thiệt hại hàng chục nghìn tỷ đồng. Làm thế nào để phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, nhất là sạt lở, lũ quét, qua đó ổn định đời sống nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội luôn là bài toán cần sớm đưa ra các giải pháp tổng thể.

 

NÂNG CHẤT LƯỢNG DỰ BÁO

Diễn biến khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh ngày càng phức tạp, bất thường. Vì thế, rất cần nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo các hiện tượng thiên tai để chủ động ứng phó.

Đầu tư lớn

Công tác phòng chống thiên tai phụ thuộc việc theo dõi sát sao các bản tin dự báo, cảnh báo của ngành chức năng. Đến nay, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam đã đầu tư 2 trạm quan trắc khí tượng ở Bắc Trà My và TP.Tam Kỳ, 9 trạm quan trắc thủy văn ở Đại Lộc (2 trạm), Duy Xuyên (2 trạm) và Hiệp Đức, Nông Sơn, Hội An, Tam Kỳ, Nam Giang (mỗi nơi 1 trạm).

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam đã tổ chức đo đạc, quan trắc, thông tin dữ liệu, cảnh báo, dự báo, chủ động phục vụ công tác phòng chống thiên tai, góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Cụ thể, đơn vị thường xuyên theo dõi diễn biến của thời tiết, cảnh báo các loại thiên tai nguy hiểm như bão, áp thấp nhiệt đới, không khí lạnh, mưa lớn diện rộng, lũ lụt, dông sét, mưa đá, mưa lớn cục bộ, nắng nóng, hạn hán, xâm nhập mặn... Qua đó, đơn vị liên tục phát hành các bản tin để tham mưu tỉnh, các địa phương và cơ quan liên quan chủ động phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai. 

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam phân tích dữ liệu để có bản tin cảnh báo thiên tai. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam phân tích dữ liệu để có bản tin cảnh báo thiên tai. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên cho rằng, công tác dự báo về lũ quét và sạt lở đất rất khó bởi đây là loại hình thiên tai xảy ra do tổ hợp của nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, các yếu tố độ dốc, địa mạo, lượng mưa, địa chất công trình, thảm phủ thực vật rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng là các yếu tố chính. Trong thời gian tới, Quảng Nam cần có những tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn ở khu vực miền núi. Chẳng hạn những tiêu chuẩn liên quan đến nhà ở của người dân với những đánh giá về mức độ an toàn cao hơn trên cơ sở dữ liệu tin cậy dựa trên khảo sát địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn...

Ông Nguyễn Đình Huấn - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, đơn vị luôn chú trọng nâng cao chất lượng và kéo dài thời gian dự kiến của các bản tin cảnh báo, dự báo. Đài đã nỗ lực ứng dụng các phương tiện mới, công nghệ mới như ảnh mây vệ tinh, ra đa, các trạm tự động (ODA)... vào việc xây dựng các mô hình, phương án dự báo thời tiết, thủy văn.

Công tác thông tin liên lạc đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống nhờ hoạt động ổn định của hệ thống máy chủ, các hệ thống thông tin chuyên ngành. Đài thực hiện vi tính hóa toàn bộ công tác truyền tin, thu thập, xử lý, lưu trữ số liệu phục vụ chỉnh biên tài liệu và dự báo. Nhờ sử dụng phần mềm chuyên dụng truyền số liệu qua internet cho tất cả trạm nên thông tin luôn đạt chất lượng và kịp thời. 

Đối với công tác điều tra cơ bản về khí tượng, thủy văn, Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam đã ưu tiên đầu tư tu bổ, bảo dưỡng công trình đo, phương tiện đo, xây dựng các phương án quan trắc đo đạc bão to, lũ lớn phù hợp để đảm bảo quan trắc, thu thập số liệu trong mọi tình hình thời tiết thủy văn nguy hiểm.

Nhiều thách thức 

Hằng năm, người dân sinh sống ở khu vực ven biển Quảng Nam chịu ảnh hưởng nặng nề do thiên tai như bão, nước biển dâng, sóng lớn, triều cường, xói lở bờ biển, xâm nhập mặn. Ở khu vực duyên hải miền Trung, đã có các trạm quan trắc hải văn ở Cồn Cỏ (Quảng Trị), Sơn Trà (Đà Nẵng), Lý Sơn (Quảng Ngãi) giúp cơ quan chức năng theo dõi, dự báo thời tiết hải văn, có đánh giá, cảnh báo, bản tin dự báo thiên tai từ biển, góp phần đảm bảo an toàn cho các hoạt động trên biển cũng như công tác chỉ đạo phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại khu vực ven biển.

Riêng Quảng Nam chưa có trạm quan trắc hải văn. Các thông tin về thời tiết xấu, biến đổi khí hậu hay thiên tai từ biển đến với người dân từ các đài khí tượng thủy văn của miền Trung và trung ương. Ông Nguyễn Đình Huấn cho biết đang đề xuất với cấp trên đầu tư trạm quan trắc hải văn ở Cù Lao Chàm (Hội An) hoặc khu vực Kỳ Hà (Núi Thành) để chủ động dự báo, cảnh báo, hạn chế tác hại thiên tai từ biển. 

Đến nay, Quảng Nam chưa có hệ thống quan trắc, cảnh báo sạt lở đất, lũ quét ở các khu vực có nguy cơ cao như Bắc Trà My, Nam Trà My, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn. Ông Hồ Văn Huyện - Chủ tịch UBND xã Trà Vân (Nam Trà My) cho biết, đợt lũ quét, sạt lở đất xảy ra trên địa bàn trong năm 2020  đột ngột, không thể ứng phó, xử lý vì không hề có cảnh báo trước. “Chính quyền và người dân vùng cao chúng tôi rất mong muốn Quảng Nam xây dựng được hệ thống cảnh báo lũ quét, sạt lở đất để chủ động ứng phó chứ thiên tai rình rập, cướp đi nhiều sinh mạng của đồng bào” - ông Huyện nói.

ỨNG DỤNG KHOA HỌC ĐỂ GIẢM NHẸ THIÊN TAI

Để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ phục vụ dự báo, cảnh báo, ứng phó thiên tai là giải pháp quan trọng.

Quảng Nam đã ứng dụng công nghệ GIS để xây dựng bản đồ chỉ huy phòng tránh lũ lụt. Trên cơ sở ứng dụng các phần mềm MIKE và công nghệ GIS, đã xây dựng được bản đồ phòng tránh lũ lụt với mô hình dự báo hiện đại. Đồng thời đã xây dựng được các bản đồ số, các mức báo động lũ, bản đồ ngập lụt, các chương trình phần mềm quản lý lũ lụt…

Sở KH-CN đang phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng thực hiện đề tài khoa học “Đánh giá diễn biến ngập lụt và đề xuất giải pháp ứng phó ngập lụt TP.Tam Kỳ trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu”. Đề tài được các nhà chuyên môn đánh giá là thiết thực tuy nhiên triển khai chậm, tới nay mới chỉ tiến hành khảo sát, thu thập thông tin, dữ liệu để có cơ sở phân tích, đánh giá về hiện trạng chứ chưa đề xuất các giải pháp ứng phó.

Dự án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam - khu vực tỉnh Quảng Nam” do Viện Khoa học địa chất và khoáng sản (Bộ TN-MT) chuyển giao năm 2019 với sản phẩm xác lập được chỉ là bản đồ trượt lở đất đá với tỷ lệ 1/50.000.

Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, dự án quá chung chung vì vừa áp dụng cho các khu vực miền núi cả nước vừa phục vụ cho Quảng Nam. Bất cập là các điều kiện tự nhiên gây sạt lở ở Quảng Nam như địa hình có độ dốc cao, chia cắt mạnh, kết cấu đất bở rời, dễ sạt lở... khác xa các điều kiện, yếu tố gây sạt lở ở nhiều khu vực miền núi trong cả nước. Và cũng vì quá chung chung nên bản đồ có tỷ lệ quá lớn, rất khó phát huy hiệu quả trên thực tiễn.

Quảng Nam hiện hứng chịu 20/21 loại hình thiên tai, trừ sóng thần. Trong đó, bão, lũ, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, xói lở bờ sông, bờ biển… diễn ra khốc liệt, gây thiệt hại quá lớn về con người và kinh tế - xã hội.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, ứng dụng khoa học - công nghệ là điều kiện tối cần để cảnh báo, ứng phó thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét nhưng đây là điểm yếu của tỉnh. Quảng Nam vẫn chưa có hệ thống quan trắc, cảnh báo sớm cho vùng có nguy cơ cao như các huyện Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My...

“Chúng ta không thể chống chọi được sức mạnh của thiên nhiên mà chỉ có thể là phòng tránh, thích ứng. Tuy nhiên, phương pháp phòng tránh hiện nay còn khá thủ công, dẫn đến hiệu quả phòng ngừa, ứng phó hạn chế” - ông Bửu nói.

XÂY DỰNG BẢN ĐỒ CẢNH BÁO SẠT LỞ

Thiết kế, xác lập bản đồ cảnh báo sạt lở đất đá ở các khu vực nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh là hết sức cấp thiết để chủ động ứng phó, hạn chế tác hại của thiên tai.

CHỦ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, Quảng Nam cần xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất đá với tỷ lệ phù hợp. Vì thế, UBND tỉnh giao Sở KH-CN phối hợp với TS. Hoàng Ngọc Tuấn - Viện trưởng Viện Khoa học thủy lợi miền Trung & Tây Nguyên triển khai nghiên cứu một số giải pháp dự báo, cảnh báo sớm và phòng chống sạt lở đất phục vụ bố trí dân cư ở 3 huyện Nam Trà My, Phước Sơn và Bắc Trà My.

TS. Hoàng Ngọc Tuấn cho biết, công trình nghiên cứu này đang trong quá trình hoàn thiện, sẽ nghiệm thu, bàn giao và ứng dụng trong thực tiễn sớm nhất. Qua khảo sát thực địa và nghiên cứu ban đầu, đã có những nhận định cơ bản. Các khu vực sạt lở ở các huyện Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My có tổ hợp rất nhiều bất lợi về địa hình dốc, phân cắt mạnh, nền đất bở rời nên dễ gây sạt trượt.

Thời gian mưa ở miền núi kéo dài nên đất bị bão hòa và khi gặp trận mưa lớn khác thì đất như khối bùn lỏng sạt lở lao nhanh xuống phía dưới tạo ra một trận lũ quét thảm họa như đã thấy, nhất là ở Trà Leng (Nam Trà My). Trên thực tế, việc dự báo lũ quét, sạt lở đất rất khó, hiện nay chỉ có thể cảnh báo, xác định được các vùng, điểm có nguy cơ sạt lở, tuy nhiên để dự báo chính xác thời điểm xảy ra quá khó khăn.

Theo nghiên cứu của Viện Khoa học thủy lợi miền Trung & Tây Nguyên thì ở huyện Nam Trà My có khoảng 15 điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét cao, tập trung tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai, Trà Don...

Ở huyện Bắc Trà My có khoảng 30 điểm nguy cơ sạt lở, lũ quét cao tập trung tại thị trấn Trà My, các xã Trà Bui, Trà Sơn, Trà Giáp, Trà Giác. Còn ở huyện Phước Sơn có khoảng 13 điểm nguy cơ cao tập trung tại thị trấn Khâm Đức, xã Phước Lộc, Phước Thành, Phước Xuân... Bởi vậy, về giải pháp trước mắt, ngay trong mùa mưa bão năm nay, các địa phương cần rà soát ngay các khu vực có nguy cơ cao, theo dõi các bản tin dự báo mưa của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh để di dời dân đến nơi an toàn.

Về phía người dân, cần chủ động quan sát, khi thấy các dấu hiệu bất thường như nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu... thì phải báo ngay đến chính quyền địa phương và thực hiện theo các hướng dẫn. Về lâu dài, xây dựng bản đồ cảnh báo sạt lở đất đá với tỷ lệ 1/5.000 đối với cấp huyện và 1/2.000 đối với cấp xã.

ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP

Biến đổi khí hậu, các loại hình thiên tai ngày càng khó lường nên các chuyên gia, các ngành chức năng đang huy động các nguồn lực, áp dụng đồng bộ các giải pháp để thích ứng.

Quảng Nam di dời dân, bố trí khu tái định cư cho người dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. Ảnh: THÀNH CÔNG
Quảng Nam di dời dân, bố trí khu tái định cư cho người dân ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét. Ảnh: THÀNH CÔNG

Chiến lược của tỉnh

Việc giảm nhẹ thiên tai đặt ra rất nhiều thách thức cho các nhà khoa học, quản lý, yêu cầu sớm đưa ra các đề xuất, giải pháp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đang giao Sở NN&PTNT phối hợp với các đơn vị tư vấn xây dựng Chiến lược phòng chống thiên tai giai đoạn 2021 - 2025. Mục đích là điều chỉnh, lồng ghép các nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào kế hoạch, quy hoạch, chiến lược phát triển của tỉnh theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa việc gia tăng rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với đặc điểm tự nhiên, địa lý của từng vùng, nhất là khu vực miền núi có nguy cơ rất cao về lũ quét, sạt lở đất đá. 

UBND tỉnh yêu cầu các ngành của tỉnh phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà khoa học đề xuất, áp dụng những giải pháp công trình, phi công trình như bố trí sắp xếp lại dân cư, trường học, trạm xá, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội để làm sao tích hợp ứng phó thiên tai đi đôi với  trồng rừng, chuyển đổi rừng, nâng cao nhận thức của cộng đồng.

Các giải pháp thiết yếu trong Chiến lược phòng chống thiên tai của tỉnh là xây dựng hệ thống cảnh báo sạt lở đất, lũ quét tại các khu vực dân cư có nguy cơ cao; tăng mật độ trạm đo mưa tự động để cảnh báo chính xác hơn; rà soát, đánh giá tỷ lệ các loại rừng trồng, rừng tự nhiên, nâng cao chất lượng thảm phủ rừng, hạn chế tối đa các nguy cơ gia tăng lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét.

Ông Nguyễn Quảng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phước Sơn cho rằng, sạt lở đất đá, lũ quét đã gây thiệt hại khôn lường, phải tốn rất nhiều thời gian người dân vùng cao mới có thể khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống. Điều cần kíp là người dân cần được tập huấn, tiếp nhận các kỹ năng nhận biết và phòng chống thiên tai nói chung, sạt lở đất đá, lũ quét nói riêng từ các nhà khoa học, ngành chức năng.

Cần đưa các kiến thức về phòng chống thiên tai vào chương trình giáo dục phổ thông, dạy cho thế hệ trẻ được biết, hiểu rõ và sau này có thể nghiên cứu thêm giải pháp để áp dụng phù hợp với thực tiễn. Huyện đang rà soát, tính toán, đưa vào quy hoạch để bố trí lại dân cư, cơ sở hạ tầng nhưng thiếu nguồn lực, cần được hỗ trợ kinh phí đầu tư, nhất là giao thông, công trình phòng tránh lũ cộng đồng từ các chương trình, kế hoạch của tỉnh, trung ương, các nguồn lực tài trợ từ nước ngoài.  

Cùng vào cuộc

Trong tương lai gần, những rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu như bão, nước biển dâng, sóng lớn, triều cường, xâm nhập mặn ở khu vực ven biển được các nhà khoa học dự báo sẽ gia tăng. Để tăng khả năng chống chịu cho khu vực ven biển Quảng Nam, rất cần nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm từ biển.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam đề xuất với Tổng cục Khí tượng thủy văn từng bước đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống quan trắc hải văn, nâng cao tỷ lệ các trạm quan trắc tự động, hình thành hệ thống thông tin chuyên dùng, áp dụng công nghệ dự báo mang tính đột phá. Có vậy, sẽ hiệu quả hơn trong tổng hợp các cơ sở dữ liệu, đối chiếu, phân tích để bản tin dự báo chuyển biến sâu rộng, đáp ứng được nhu cầu, độ tin cậy, kịp thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam đang di dời, tái định cư, bố trí chỗ ở cho các hộ dân đã sinh sống trong những khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá, lũ quét. Ông Trương Xuân Tý cho biết, đang tham mưu UBND tỉnh đề xuất với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các bộ, ngành ban hành cơ chế chính sách, hỗ trợ kinh phí về bố trí, sắp xếp dân cư ở các vùng có nguy cơ cao giai đoạn 2021 - 2025. Sau khi địa phương đã bố trí, sắp xếp nơi ở mới của người dân bị tác động xấu của thiên tai ở nơi cao ráo, trung ương cần có chính sách đặc thù cho việc tái thiết sau thiên tai để người dân có sinh kế mới phù hợp, ổn định cuộc sống mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng chiến lược ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO