Không chỉ chấm điểm, xếp hạng, đánh giá năng lực cạnh tranh, Bộ chỉ số đánh giá năng lực điều hành cấp sở, ban, ngành và địa phương thuộc tỉnh (DDCI) 2021 sẽ chỉ ra ưu điểm, nhược điểm của đơn vị, địa phương để định hướng cải thiện. Đó là vấn đề được đề cập nhiều tại hội thảo “Lấy ý kiến hoàn thiện bộ chỉ số DDCI 2021” do Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam tổ chức hôm qua 10.3.
Đánh giá năng lực cạnh tranh
Bộ chỉ số DDCI gồm 9 chỉ số thành phần (Tính minh bạch, Tính năng động, Chi phí thời gian, Chi phí không chính thức, Cạnh tranh bình đẳng, Hỗ trợ doanh nghiệp (DN), Thiết chế pháp lý, Vai trò người đứng đầu, Tiếp cận đất đai) ban hành năm 2020 đánh giá cơ quan công quyền và chính quyền địa phương đã thay đổi đôi chút.
Cụ thể, thay thế tiêu chí “sự hướng dẫn đầy đủ, rõ ràng khi thực hiện các thủ tục hành chính hoặc công việc liên quan tới các sở, ban, ngành/địa phương” bằng “thái độ của cán bộ khi cung cấp thông tin” trong chỉ số Tính minh bạch. Tiêu chí “đánh giá sự phối hợp, hợp tác giải quyết công việc doanh nghiệp của các đơn vị” thay tiêu chí cũ “mục đích chính của các cuộc thanh tra, kiểm tra” trong chỉ số Chi phí thời gian.
Theo ông Hồ Anh Tuân - Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) - đơn vị tư vấn, bộ chỉ số DDCI 2021 khi hoàn thiện sẽ phản ánh được các chức năng, công việc thực tế các sở, ngành, địa phương đang chịu trách nhiệm đảm nhận. Kết quả đánh giá này hỗ trợ cho việc gắn kết trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, địa phương. Bộ chỉ số DDCI 2021 sẽ cho thấy những khác biệt về năng lực điều hành kinh tế, hiệu quả cải cách hành chính trong mối tương quan so sánh.
“Tính trung thực, khách quan, thể hiện tính đại diện và độ tin cậy phù hợp được đặt lên hàng đầu. Các kết quả rút ra từ cuộc khảo sát này phải thực sự có ý nghĩa với việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực điều hành kinh tế các cơ quan công quyền. Không chỉ xếp hạng, điểm số, kết quả phân tích sẽ giúp chỉ ra những ưu điểm, nhược điểm để các sở, ban, ngành, địa phương có định hướng cải thiện” - ông Tuân nói.
Cuộc khảo sát hơn 1.100 DN được lựa chọn xác suất theo phương thức phân tầng ngẫu nhiên theo tỷ lệ của các nhóm đơn vị kinh doanh thông qua phỏng vấn trực tiếp, gửi phiếu khảo sát qua đường bưu điện, email sẽ đưa ra một bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh của các sở, ngành và địa phương.
Ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN Quảng Nam cho rằng, không phải toàn bộ DN được khảo sát, nhưng lượng DN được điều tra vẫn có thể đánh giá toàn bộ cảm nhận và đủ tiếng nói đại diện cho cộng đồng DN Quảng Nam thông qua điều tra xã hội học, lấy mẫu theo loại hình, địa bàn, lĩnh vực hoạt động của DN có đủ độ chính xác, tin cậy.
Cần độ chính xác
Các đại biểu thống nhất quan điểm phương pháp hoàn thiện hệ thống chỉ số, tiêu chí đánh giá DDCI 2021 được lựa chọn tương tự các chỉ số thành phần PCI nhưng áp dụng linh hoạt, phù hợp thực tiễn Quảng Nam (có sự tham vấn của chuyên gia PCI trong suốt quá trình hoàn thiện và triển khai thực hiện). Hệ thống chỉ tiêu theo hướng dễ áp dụng, dễ hành động để các địa phương, đơn vị có thể dễ dàng tìm kiếm và lựa chọn giải pháp thực hiện. Tuy nhiên, vẫn có không ít băn khoăn về kết quả khảo sát, đánh giá công bố liệu có tính xác thực, đủ độ tin cậy?
Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL nói, các tiêu chí chỉ mang tính tương đối, cho phép sai số, không cầu toàn. Việc giải quyết các hạn chế, tồn tại trong năng lực điều hành kinh tế địa phương, cơ quan quản lý là chính. Tuy nhiên, cũng cần tính đến việc chia tiêu chí thêm các nhóm nhỏ, phù hợp với đặc thù của các ngành kinh tế, xã hội, nội chính và khu vực địa phương khác nhau (đồng bằng, miền núi, thành phố…) để cuộc khảo sát, đánh giá có thêm tính xác thực.
DDCI không còn mang tính chất chuyện của địa phương đơn lẻ. Từ con số 3 địa phương năm 2014 đã lên đến 54 địa phương thực hiện cuộc đánh giá này vào năm 2020. Tất cả thừa nhận bộ chỉ số cần có thời gian hoàn thiện. Song điều quan trọng cuộc đánh giá này mang lại điều gì mới là đích đến!
Ông Nguyễn Hữu Sáng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nói, quan trọng nhất là giúp chuyển tư duy quản lý sang phục vụ nên cần độ chính xác của đánh giá. Nếu không sẽ lệch. Cần khảo sát đúng đối tượng hay chủ thể khảo sát, đúng thời điểm và tính toán đến việc chia sẻ thông tin các bộ chỉ số để làm nền tảng cơ sở dữ liệu. Bà Trương Thị Yến Ngọc - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp cho rằng, điều quan trọng không kém là chọn mẫu đánh giá cụ thể từ những DN đã trải nghiệm thực hiện dịch vụ công từ các sở, ngành, địa phương sẽ xác thực hơn là những DN chưa thực sự trải nghiệm.
Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI chia sẻ, chính quyền địa phương rất khó đưa ra một chương trình thay đổi đúng trọng tâm, đúng điểm nóng nếu không có thông tin. Vì vậy, cuộc khảo sát phải nhận diện được nhu cầu thực tế DN, lấy được thông tin từ thực tiễn chất lượng, khách quan, chính xác, kịp thời… để có thể xử lý, thúc đẩy sự thay đổi, phục vụ tốt cho cải cách hành chính. Hiệu ứng của DDCI là sau khi công bố có tạo động lực thúc đẩy cải cách hành chính bằng những sáng kiến, giải pháp cụ thể và hiệu quả hơn; chất lượng thực thi có đáp ứng đúng mức yêu cầu của DN hay không.