Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người dân tộc thiểu số các cấp tỉnh Quảng Nam tiếp tục có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, ngày 10/2/2022, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXII).
Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng
Với tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm hơn 80%, Ban Thường vụ Huyện ủy Nam Giang coi việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS có ý nghĩa đặc biệt quan trọng; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn huyện.
Nam Giang được xem là điểm sáng của tỉnh trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 21, với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt như: Tỷ lệ cán bộ, công chức người DTTS tham gia cấp ủy cấp huyện đạt 60,52%; cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) cấp huyện là người DTTS đạt 61,62%. Hay cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng người DTTS đạt 45,45%; công chức người DTTS công tác tại Phòng Dân tộc huyện đạt 80%.
Theo ông Lê Văn Hường - Bí thư Huyện ủy Nam Giang, có được kết quả này là do Huyện ủy, UBND huyện chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng CBCCVC người DTTS.
Nhờ đó, tỷ lệ CBCCVC người DTTS tại các cơ quan, ban, ngành của huyện tăng lên hằng năm; trình độ, năng lực được nâng lên và phát huy được năng lực trong quá trình công tác.
“Hầu hết CBCCVC người DTTS đạt tiêu chuẩn ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức. Công tác quy hoạch cán bộ, quy hoạch nguồn người DTTS được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo quy trình quy định. Tỷ lệ CBCCVC được bố trí vào các chức danh lãnh đạo đạt tỷ lệ cao” - ông Hường chia sẻ.
Tại huyện Nam Trà My, địa phương ưu tiên bố trí biên chế dự phòng để tuyển dụng công chức, viên chức là người DTTS vào làm việc đảm bảo mục tiêu Nghị quyết số 21 đề ra. Từ năm 2022 đến nay địa phương này đã tuyển dụng 32 công chức, viên chức là người DTTS.
Gắn với chăm lo đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức, năng lực tham mưu, quản lý, kỹ năng điều hành, thực thi công vụ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức cho đội ngũ CBCCVC người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Trà My cho biết, những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy đã cử 97 lượt cán bộ tham gia đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và bồi dưỡng theo chức danh.
Cử 115 lượt cán bộ tham gia Đề án số 10-ĐA/TU, ngày 30/3/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc, xử lý tình huống đối với CBCCVC người DTTS.
Thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng cán bộ
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng số CBCCVC của tỉnh là 28.958 người (chưa bao gồm biên chế hưởng lương từ đơn vị sự nghiệp). Trong đó, CBCCVC người DTTS là 3.030 người (cấp tỉnh 746 người, cấp huyện 1.221 người, cấp xã 1.063 người), chiếm tỷ lệ 10,46%.
Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá, cấp ủy các cấp và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng đội ngũ CBCCVC người DTTS đạt kết quả quan trọng.
Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS từ tỉnh đến cơ sở có bước trưởng thành, phát triển về nhiều mặt, chất lượng ngày càng được nâng lên, bảo đảm tính kế thừa và sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.
Ông Nguyễn Hồng Hải - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, tỷ lệ người DTTS tham gia hệ thống chính trị ngày càng cao. Cán bộ người DTTS được quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý ở các cấp, ngành tăng cả về số lượng và nâng cao chất lượng.
Công tác tuyển dụng, bố trí, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ DTTS ngày càng đi vào nền nếp. Chính sách đối với cán bộ người DTTS được thực hiện đầy đủ, kịp thời, tạo động lực để cán bộ người DTTS yên tâm công tác.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tại hội nghị chuyên đề đánh giá sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21 diễn ra sáng 8/5, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra các hạn chế dẫn đến một số chỉ tiêu chưa đạt. Tỉnh chưa thực hiện được việc đưa cán bộ, công chức người DTTS về các sở, ban, ngành để đào tạo, bồi dưỡng.
Hiện chưa có chính sách riêng đối với CBCCVC người DTTS trên địa bàn tỉnh, mà chỉ đang dừng lại ở mức độ lồng ghép với chính sách về công tác cán bộ (đào tạo, bồi dưỡng, sinh hoạt phí khi luân chuyển…).
Thời gian đến, Quảng Nam tập trung thực hiện tốt công tác sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức là người DTTS tại các đơn vị hành chính cấp xã mới sau sáp nhập đảm bảo số lượng, chất lượng và cơ cấu theo quy định.
“Trong điều kiện tổ chức mô hình chính quyền địa phương hai cấp, công tác quy hoạch gắn với đào tạo, bồi dưỡng đối với CBCCVC người DTTS của tỉnh sẽ được đẩy mạnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Trong đó, chú trọng xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng riêng đối với cán bộ, công chức cấp xã là người DTTS để góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng xử lý công việc, xử lý tình huống… Gắn với thực hiện tốt việc bố trí, sử dụng cán bộ người DTTS nhằm phát huy được năng lực, sở trường vào sự phát triển của cơ sở” - đồng chí Nguyễn Đức Dũng nói.