Chính quyền - đoàn thể

XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ: HÀI HÒA CƠ CẤU VÀ CHẤT LƯỢNG

ALĂNG NGƯỚC - NGUYÊN ĐOAN - HỮU PHÁT - ĐĂNG NGỌC - KHÁNH NGUYÊN - HOÀI AN27/10/2024 07:44

Cán bộ cơ sở, đặc biệt cán bộ người bản địa có vai trò rất lớn trong việc hiện thực hóa chủ trương, chính sách và phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi. Tại Quảng Nam, chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng.

z5962314700993_8135b5b62297dfd4b98584ebb17e361d.jpg

Đây là kết quả nhìn nhận qua 3 năm thực hiện Nghị quyết số 21 ngày 10/2/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khóa XXII) về xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2022 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Tuy nhiên, trong thực tế, lộ trình xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đang gặp không ít “rào cản”, nhất là trong công tác tuyển dụng, bố trí sử dụng và cơ chế chính sách thu hút cán bộ chất lượng “vừa hồng, vừa chuyên”...

“Cầu nối” từ cán bộ bản địa

Bằng trách nhiệm và tinh thần cống hiến, nhiều thế hệ cán bộ DTTS đã và đang phát huy vai trò cầu nối, cùng góp sức cho mục tiêu phát triển miền núi.

Phục vụ cho quê hương

Gần 10 năm hoạt động trong ngành y, bác sĩ Kring Trường - Phó trưởng Khoa cấp cứu Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My được biết đến như “người kết nối” trong hoạt động chuyên môn cơ sở. Ngoài công việc cơ quan, bác sĩ Kring Trường gần như có mặt trong các đoàn thăm khám chương trình thiện nguyện, tuyển quân hằng năm của địa phương miền núi. Không ngại khó, ngại khổ, nơi nào dân cần, anh luôn có mặt.

Bác sĩ Kring Trường khám bệnh cho đồng bào vùng cao Nam Trà My. Ảnh: NGƯỚC - ĐOAN

Bác sĩ Kring Trường (SN 1989) là người Ve - một nhánh của dân tộc Giẻ Triêng, quê ở tận xã biên giới Đắc Pring (Nam Giang). Năm 2017, sau gần 2 năm thực tập ở quê, Kring Trường tình nguyện khăn gói lên Nam Trà My theo diện thử việc. Phát huy năng lực làm việc sáng tạo, cộng với tinh thần nhiệt huyết, tận tâm với người bệnh, không lâu sau anh được đơn vị ký hợp đồng. Đầu năm 2019, Kring Trường đăng ký thi tuyển và đậu viên chức của Trung tâm Y tế huyện Nam Trà My.

Bác sĩ Kring Trường kể, làm việc ở điều kiện còn nhiều khó khăn như Nam Trà My, các bác sĩ trẻ không tránh khỏi những áp lực và khó khăn đặc thù. Đặc biệt là tình trạng thiếu nhân lực, buộc họ phải làm việc liên tục mà không có sự thay thế kịp thời.

Bác sĩ Kring Trường. Ảnh: NGƯỚC - ĐOAN

“Lịch làm việc dày đặc khiến thời gian nghỉ ngơi, phục hồi sức khỏe của đội ngũ y bác sĩ trở nên eo hẹp. Nhưng chúng tôi không bỏ cuộc. Anh em y, bác sĩ thường động viên nhau cố gắng vượt qua, bởi niềm vui lớn nhất của những cán bộ miền núi như mình là được trở về phục vụ đồng bào, bà con mình” - bác sĩ Kring Trường chia sẻ.

Câu chuyện của bác sĩ Kring Trường làm chúng tôi nhớ đến hành trình trở về của Riah Dung - Bí thư Đoàn xã Ga Ry (Tây Giang). Vài năm trước, sau thời gian làm việc tại huyện đoàn, Riah Dung bất ngờ xin chuyển về cơ sở, với ý nguyện góp sức vực dậy các phong trào đoàn và tập hợp thanh niên biên giới. Hành trang mang về của chàng trai Cơ Tu 32 tuổi này, là mô hình khởi nghiệp thuộc dự án “Du lịch sinh thái gắn kết cam bản địa Tây Giang”.

Gần 4 năm triển khai, Riah Dung nói, anh đã và đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm cam Ga Ry, hướng đến xây dựng thương hiệu đặc hữu ở vùng Đông Trường Sơn, thông qua mô hình sinh thái kết hợp. “Đây là điều mà tôi mong chờ nhất. Hy vọng với sự quyết tâm chung của thanh niên địa phương Ga Ry, mô hình sẽ tạo dựng được nét riêng biệt, mang sản phẩm đặc trưng của đồng bào Cơ Tu vùng biên giới Việt - Lào đến với mọi miền Tổ quốc” - Riah Dung tâm sự.

Riah Dung đang thành công với mô hình khởi nghiệp từ cây cam bản địa.

Với những đóng góp thiết thực cho quê hương, vài năm trở lại đây, Ríah Dung liên tục được vinh danh, trở thành gương mặt thanh niên tiêu biểu nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vào năm 2023. Mới đây nhất, Ríah Dung góp mặt tại buổi lễ tôn vinh “Những tấm gương đẹp của bản làng” và trao Giải thưởng Vừ A Dính vì có thành tích xuất sắc, đóng góp vào sự nghiệp phát triển dân tộc miền núi và vùng biển đảo, do Trung ương Đoàn tổ chức.

Tiên phong “thước đo” chất lượng

Bằng các chương trình đào tạo thực tiễn, nhiều cán bộ người DTTS của tỉnh đã và đang thoát khỏi ý niệm hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn như trước đây. Chừng hơn chục năm trở lại đây, qua đánh giá, hầu hết đội ngũ cán bộ miền núi được quan tâm bồi dưỡng và đào tạo, khỏa lấp những “khoảng trống” không còn phù hợp hiện nay.

Riah Dung nhận Giải thưởng Lý Tự Trọng của Trung ương Đoàn. Ảnh: NVCC

Theo ông Zơrâm Buôn - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang, xác định chất lượng là “thước đo” đánh giá năng lực cán bộ cơ sở, những năm qua, địa phương cử hàng trăm lượt cán bộ người DTTS đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quản lý nhà nước, nghiệp vụ tin học, ngoại ngữ… Công tác đào tạo này đều gắn với quy hoạch, bổ nhiệm chức danh, từng bước khắc phục tình trạng hụt nguồn cán bộ DTTS theo nhu cầu hiện nay. “Đội ngũ cán bộ người DTTS sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy được năng lực bản thân trong quá trình công tác” - ông Zơrâm Buôn cho biết thêm.

Tây Giang đã quy hoạch 175/178 cán bộ DTTS cấp xã và 42/73 cán bộ cấp huyện. Trên cơ sở này, Ban Thường vụ Huyện ủy chủ động đề xuất với tỉnh mở các lớp bồi dưỡng về lý luận chính trị, chuyên môn, cũng như các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ liên quan. Đồng thời cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh... Nhờ vậy, chất lượng đội ngũ cán bộ DTTS ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nguồn cán bộ tại chỗ để bố trí, đề bạt bổ nhiệm.

Quảng Nam hiện có 3.751 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS, chiếm tỷ lệ 10,5%; trong đó cấp tỉnh 34 người, cấp huyện 185 người và cấp xã 1.070 người, riêng viên chức có 2.462 người. Đến năm 2023, toàn tỉnh có 658 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS công tác tại các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh/10.215 biên chế được giao, đạt 6,4%. Cán bộ, công chức người DTTS là đại biểu HĐND các cấp 1.243 người, chiếm tỷ lệ 21%.

“Chăm lo công tác cán bộ tại chỗ người DTTS, thời gian qua, chúng tôi đăng ký với tỉnh để cử sinh viên đi học các lớp đại học chuyên môn theo nhu cầu. Trong số 177 người được cử theo học chế độ cử tuyển, đến nay có 157 sinh viên tốt nghiệp đại học. Qua các năm, chúng tôi bố trí công tác cho 100 sinh viên cử tuyển, trong đó cán bộ công chức cấp xã 11 người, cấp huyện 9 người, còn lại là bố trí giảng dạy và làm việc tại các đơn vị sự nghiệp trực thuộc huyện và các ngành dọc của tỉnh” - ông Zơrâm Buôn nói.

Những “cầu nối” đang dần lan tỏa. Miền núi ngày càng có thêm những “viên ngọc sáng” sau hành trình rèn giũa. Từ câu chuyện thực tiễn, từng diện mạo đổi thay ở miền núi, đâu đó người ta nhắc nhiều hơn về cán bộ bản địa - những trí thức của bản làng. Là Bhling Miên - Chủ tịch UBND xã Lăng (Tây Giang); Đinh Thị Ngơi - Chủ tịch UBND xã Sông Kôn (Đông Giang); Hồ Văn Phức - Chủ tịch UBND xã Phước Thành (Phước Sơn)... miệt mài với những đóng góp cho cộng đồng.

Bài toán khó về tuyển dụng

Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng cán bộ là người DTTS vẫn có tỷ lệ thấp, thậm chí thiếu vắng trong cấp ủy, hoặc tổ chức chính trị - xã hội.

Nhiều vướng mắc, khó khăn về công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ người DTTS tại các cơ quan cấp tỉnh và 6 huyện miền núi cao vừa được ghi nhận tại cuộc giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh mới đây.

Cấp tỉnh tuyển dụng thấp

Trong nhiều mục tiêu cụ thể đến năm 2025 đề ra tại Nghị quyết số 21, các cơ quan đơn vị cấp tỉnh đều phấn đấu có cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) là người DTTS. Thông tin từ Sở Nội vụ, đến nay, khối chính quyền tỉnh có 11/21 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 5/8 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh có CBCCVC người DTTS đang công tác. Đối với Ban Dân tộc tỉnh, hiện có 4 công chức người DTTS/20 biên chế được giao, đạt 20%, thấp hơn chỉ tiêu của nghị quyết.

Cán bộ miền núi đang trở thành “cầu nối” giữa chính sách với người dân địa phương. Ảnh: NGỌC - PHÁT

Nói về khó khăn trong công tác tuyển dụng cán bộ là người DTTS, ông Hà Ra Diêu - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho biết, 2 năm vừa qua, đơn vị đã 5 lần thông báo thi tuyển để bổ sung cán bộ người DTTS. Tuy nhiên, chỉ có một trường hợp con em người DTTS ở huyện Đông Giang trúng tuyển. Và Ban phải động viên nhiều lần thì em này mới chịu xuống Tam Kỳ công tác, vì tâm lý ngại đường xa, không quen môi trường sống ở thành phố.

“Ban Dân tộc tỉnh đang thiếu 2 cán bộ người DTTS nữa mới đủ 30% chỉ tiêu theo Nghị quyết số 21. Trong thời gian đến, Ban tiếp tục thi tuyển đảm bảo chỉ tiêu” - ông Diêu nói.

Quảng Nam cũng đã tiến hành rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức người DTTS trên địa bàn tỉnh và thực hiện đánh giá tình hình thừa - thiếu công chức, viên chức người DTTS của từng cơ quan, đơn vị, địa phương so với chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết số 21. Tính đến ngày 30/6, các sở, ban, ngành tuyển dụng 9 người/66 chỉ tiêu (đạt 13,6%); các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND tỉnh tuyển dụng 3 người/8 chỉ tiêu (đạt 37,5%); UBND các huyện miền núi cao tuyển dụng 172/248 chỉ tiêu (đạt 69,4%).

Bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng, để đảm bảo cho các sở, ban ngành của tỉnh có ít nhất 1 cán bộ, công chức người DTTS công tác, Sở đã “gác cổng” việc đăng ký tuyển dụng. Vị trí việc làm đó của sở, ban, ngành chỉ được tuyển dụng người DTTS nên Sở Nội vụ sẽ kiểm soát, nếu không đảm bảo được chỉ tiêu cán bộ người DTTS thì chỉ tiêu đó cũng để trống chứ không được tuyển dụng hoặc tiếp nhận đối với công chức không phải là người DTTS.

Phấn đấu để đạt chỉ tiêu

Sở Nội vụ khẳng định, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3161 ngày 21/11/2022 trên cơ sở khảo sát, căn cứ số biên chế được giao 2021 - 2022, số biên chế chưa sử dụng của các đơn vị, địa phương và dự kiến nghỉ hưu đúng tuổi đến năm 2025, chứ không áp đặt.

Đáng chú ý, thực hiện chính sách ưu tiên trong công tác tuyển dụng đối với người DTTS, năm 2023, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh tổ chức một kỳ thi tuyển công chức riêng đối với người DTTS. Các đơn vị, địa phương đăng ký 16 chỉ tiêu, có 84 hồ sơ dự tuyển. Kết quả tuyển được 13 chỉ tiêu, chưa đạt như kỳ vọng.

Theo ông Đinh Minh Nhớ - Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ), để tổ chức một kỳ thi như thế này rất tốn kém, Sở Nội vụ có đề nghị, nhưng nhu cầu đăng ký chỉ tiêu tuyển dụng của các đơn vị, địa phương rất ít. “Hiện nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho chủ trương tổ chức thi tuyển công chức năm 2024. UBND tỉnh ban hành kế hoạch thi tuyển 41 chỉ tiêu, tập trung ở các huyện miền núi cao, trong đó, có các chỉ tiêu tuyển dụng là người DTTS” - ông Nhớ cho biết.

Từ năm 2020 đến ngày 30/6/2024, Quảng Nam đã tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho khoảng hơn 2.500 lượt CBCCVC người DTTS. So với thời điểm trước ngày 10/2/2021, số lượng CBCCVC người DTTS khối chính quyền tỉnh đã tăng 944 người. Tính đến 30/6/2024, có 227 CBCCVC người DTTS giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ cấp huyện trở lên (trong đó, lãnh đạo cấp sở 3 người, lãnh đạo cấp huyện 14 người, lãnh đạo cấp phòng 210 người) và có 601 cán bộ cấp xã là người DTTS.

Đối với khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, từ tháng 2/2022 đến 6/2024 đã tuyển dụng 28 chỉ tiêu là người DTTS. Trong đó, xét tuyển hệ cử tuyển 9; thi tuyển 9 và tiếp nhận cán bộ cấp xã thành cấp huyện, viên chức sang công chức 10 chỉ tiêu.

Ông Cao Thanh Hải - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng, công tác tuyển dụng cán bộ là người DTTS đang gặp khó khăn vì quy định tăng tuổi nghỉ hưu, tinh giản biên chế, tinh gọn tổ chức bộ máy, giảm cấp phó. Số lượng người nghỉ hưu hằng năm ít dần, không còn nguồn biên chế dôi dư để khối Đảng, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tuyển dụng. Ở các sở, ngành bị hạn chế về chỉ tiêu, các em là người DTTS cũng ít có nhu cầu công tác tại tỉnh, do tập quán, điều kiện ăn ở, đi lại.

Nghị quyết 16 ngày 15/12/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đặt mục tiêu cho các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh phấn đấu có CBCCVC người DTTS nhưng không đạt được. Nhận thấy một số vấn đề khó khăn, nên đến Nghị quyết 21 tiếp tục định hướng phấn đấu đạt mục tiêu này vào năm 2025. Dù chưa có tính bắt buộc phải đạt, nhưng Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp với Sở Nội vụ nghiên cứu tham mưu cơ chế để mỗi cơ quan, sở ngành của tỉnh phải có cán bộ người DTTS.

“Chúng tôi sẽ quyết liệt phối hợp tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các ngành liên quan tập trung tuyển dụng để phấn đấu đạt chỉ tiêu này theo Nghị quyết 21” - ông Hải nói.

Luân chuyển, tiếp cận nhiệm vụ mới

Đã và đang có nhiều cán bộ DTTS được “trui rèn” bằng hình thức luân chuyển vị trí, môi trường công tác. Bên cạnh được tiếp cận nhiệm vụ đa dạng và mới mẻ, hầu hết cán bộ thuộc đối tượng điều động, luân chuyển cho thấy năng lực, hiệu quả công việc, tư duy sáng tạo cao...

Hình thức “trui rèn”

Sau thời gian giữ vị trí Chủ tịch UBND xã Trà Nam, Nguyễn Thành Phương - cán bộ trẻ người Xơ Đăng được Huyện ủy Nam Trà My điều động, luân chuyển làm Chủ tịch UBND xã Trà Vân. Đây là xã khó khăn nhất của huyện Nam Trà My, với tỷ lệ hộ nghèo còn khá cao.

106d70e93d8c85d2dc9d.jpg
Cán bộ DTTS sau khi được luân chuyển về cơ sở đã phát huy vai trò, định hướng người dân xây dựng đời sống. Ảnh: NGUYÊN - AN

Dù vậy, kinh nghiệm điều hành công việc của chủ tịch xã suốt gần 10 năm giúp Nguyễn Thành Phương tự tin khi tiếp nhận nhiệm vụ. Ông Phương nói, sau thời gian làm quen môi trường mới, nhận thấy Trà Vân cũng không khác gì mấy so với Trà Nam cách đây nhiều năm trước. Đó là điều kiện giao thông cách trở, hạ tầng chưa đồng bộ, cộng thêm tư duy trong lao động sản xuất của người dân chưa nhạy bén.

Để tháo gỡ những khó khăn này, bên cạnh tận dụng tối đa nguồn lực ưu tiên vùng DTTS và miền núi để đầu tư hạ tầng cơ sở, Trà Vân sẽ xây dựng đề án phát triển kinh tế - xã hội. “Đặc thù của miền núi, kinh tế nông nghiệp vẫn được xem là chủ lực. Vì thế, chúng tôi sẽ đầu tư mạnh vào nông nghiệp, cụ thể là trồng dược liệu dưới tán rừng kết hợp trồng sắn, chuối, quế và chăn nuôi tập trung. Hy vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp người dân thoát nghèo” - ông Phương chia sẻ.

Ông Nguyễn Thành Phương không phải trường hợp cá biệt. Thực hiện luân chuyển cán bộ xã là người DTTS lên huyện để đào tạo, tiếp cận nhiệm vụ; đồng thời, chuyển cán bộ huyện đi cơ sở để xây dựng, củng cố và phát triển bộ máy chính quyền cấp xã đáp ứng yêu cầu mới đang được nhiều huyện miền núi thực hiện.

Ông Briu Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang kể, giai đoạn 2014 - 2018, ông được huyện điều động, luân chuyển về làm Bí thư Đảng ủy xã A Vương và A Tiêng. Thời điểm đó, cả hai địa phương này thiếu cán bộ chủ chốt, lại chuẩn bị cho kiện toàn nhân sự Đại hội Đảng nên cần sự tăng cường từ huyện.

Ông Briu Quân (bên trái) lúc đương chức Bí thư Đảng ủy xã A Vương đến khảo sát và tuyên truyền người dân thôn Aur. Ảnh: NGUYÊN - AN

“Sau Đại hội Đảng bộ xã, tôi cùng tập thể lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Nhiều nghị quyết được ban hành, khuyến khích người dân mở rộng ao cá phát triển thủy sản, kết hợp chăn nuôi, trồng cây ăn quả. Đặc biệt là mở rộng trồng dược liệu dưới tán rừng như ba kích, quế và triển khai xây dựng mặt bằng bố trí dân cư, trung tâm hành chính xã...

Ngoài ra, chúng tôi cũng quan tâm đến công tác tổ chức cán bộ, đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo tại chỗ, tiếp tục phát huy, giữ gìn văn hóa Cơ Tu, thành lập tổ nhóm nói lý - hát lý... Nhờ vậy, hiện nay cả 2 Đảng bộ xã này đều có đội ngũ cán bộ mạnh, đạt chuẩn; có người học cao học, cao cấp lý luận chính trị, trở thành Huyện ủy viên, đại biểu HĐND huyện” - ông Briu Quân nói.

Tạo nguồn cán bộ tại chỗ

Ông Lalim Hậu - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nam Giang cho biết, đặc thù là địa phương miền núi, việc luân chuyển cán bộ DTTS từ cấp xã về huyện và ngược lại được xem là cơ hội để tăng cường hiệu quả công việc cho cán bộ cơ sở. Điều này vừa đảm bảo theo quy định của của trung ương, của tỉnh trong công tác cán bộ, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Để kiện toàn cán bộ cơ sở, ngay sau kỳ Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 và bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Nam Giang tập trung bố trí, sắp xếp cán bộ có trình độ, năng lực; đặc biệt là cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào các vị trí chủ chốt ở các ban, ngành cấp huyện.

Đồng thời tổ chức điều động, luân chuyển cán bộ DTTS từ huyện về cơ sở hoặc giữa các địa phương, cơ quan, đơn vị, giúp tăng cường nhân lực cho các địa bàn, lĩnh vực cần thiết, đáp ứng yêu cầu đào tạo cán bộ qua thực tiễn ở những nơi khó khăn.

Chủ tịch UBND xã Trà Vân - Nguyễn Thành Phương chủ trì cuộc họp ở xã. Ảnh: NGUYÊN - AN

“Đến nay, chúng tôi thực hiện điều động, luân chuyển 12 trường hợp cán bộ DTTS. Sau khi đề án vị trí việc làm được phê duyệt, UBND huyện cũng thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 34 trường hợp công chức, viên chức; trong đó có 17 cán bộ người DTTS.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, cán bộ người DTTS tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ huyện 24 người, chiếm tỷ lệ 61,54% và tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy 6 đồng chí, chiếm tỷ lệ 46,15%. Ngoài ra, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Nam Giang bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý là người DTTS 18 trường hợp, nâng đội ngũ lãnh đạo, quản lý cấp phòng lên 51 người” - ông Lalim Hậu cho biết thêm.

Tính đến cuối tháng 5/2024, Nam Giang có 1.058 cán bộ công chức, viên chức; trong đó, có 737 cán bộ người DTTS, chiếm tỷ lệ 69,66%. “Ở cấp huyện, có 501/813 cán bộ người DTTS, với 469/501 người có trình độ đại học và 11/501 người sau đại học. Ngoài ra, địa phương có 99/501 cán bộ DTTS có chuyên môn Trung cấp lý luận chính trị và 27/501 cán bộ Cao cấp lý luận chính trị. Riêng cấp xã, trong số 236 cán bộ DTTS, có 209 cán bộ có trình độ đại học và 1 cán bộ sau đại học.

Nhờ công tác luân chuyển đã giúp cán bộ, công chức người DTTS có điều kiện tiếp cận nhiệm vụ đa dạng, nhạy bén để thực thi nhiệm vụ hiệu quả hơn.

Cần có chính sách đặc thù

Cần một lộ trình cụ thể cũng như chính sách đặc thù để tạo nguồn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số trong thời gian tới.

Nhiều cán bộ miền núi dần trưởng thành từ chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng năng lực quản lý. Ảnh: GIANG - NGUYÊN

Bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh – Bí thư Huyện ủy Bắc Trà My: Ưu tiên quy hoạch cán bộ người DTTS

Đối với Bắc Trà My, công tác quy hoạch cán bộ người DTTS đang được quan tâm và thực hiện rất tốt. Trong 11 đồng chí Ban Thường vụ Huyện ủy có 5 đồng chí người DTTS. Nhưng vấn đề đặt ra là dù ở xã có 100% cán bộ người DTTS nhưng không thể bổ sung quy hoạch. Lý do là cán bộ người DTTS ở đó không ai học chuyên ngành địa chính, tài chính… không gắn với vị trí việc làm nên không thể đưa vào bổ sung quy hoạch.

So với mặt bằng chung các địa phương miền núi, chất lượng đội ngũ cán bộ người DTTS tại Bắc Trà My khá tốt. Nhưng khi luân chuyển cán bộ là người Kinh về vùng đồng bào DTTS thì thuận lợi, còn việc luân chuyển cán bộ người DTTS ở chiều ngược lại thì không đảm bảo yêu cầu chuyên môn gắn với vị trí việc làm.

Chúng tôi xác định cần nhiều thời gian hơn để cán bộ người DTTS đạt “độ chín”. Do đó, đối với cấp phó của phòng ban chuyên môn, huyện cố gắng tìm cán bộ người DTTS để bố trí, nhằm có sự phấn đấu rèn luyện, trưởng thành, phát triển lên vị trí cao hơn.

Bà ALăng Thị Tâm - Trưởng phòng Nội vụ huyện Nam Giang: Cần hướng dẫn ký kết hợp đồng đặt hàng đào tạo

UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học cho sinh viên, CBCCVC là người DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, giao UBND các huyện thụ hưởng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 căn cứ chuyên ngành đào tạo theo danh mục phê duyệt và nguồn kinh phí được phân bổ hằng năm thực hiện.

Thông tư 02 ngày 21/8/2023 của Ủy ban Dân tộc, quy định việc lựa chọn phương thức ký kết hợp đồng đặt hàng với cơ sở đào tạo do UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định. Nhưng hiện nay, UBND tỉnh chưa có các văn bản quy định, hướng dẫn cụ thể về phương thức hợp đồng. Vì vậy, huyện rất khó triển khai thực hiện ký hợp đồng đặt hàng đối với các cơ sở đào tạo. Cấp có thẩm quyền cần hướng dẫn, quy định cụ thể về phương thức ký kết hợp đồng với cơ sở đào tạo để địa phương có cơ sở thực hiện.

Tại cuộc làm việc với Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội vừa qua, Quảng Nam đã kiến nghị nên có cơ chế, quy định mở, thoáng hơn nhằm ưu tiên cho cán bộ người DTTS trong công tác tuyển dụng. “Để hoàn thành lộ trình, chỉ tiêu Nghị quyết 21 đề ra, xây dựng được đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay thì cần có những chính sách căn cơ, quyết liệt hơn từ Trung ương đến địa phương và có sự vào cuộc đồng bộ hơn của các ngành, các cấp” - đại diện Sở Nội vụ nêu ý kiến.

Ông Nguyễn Văn Mau – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh: Phải có cách làm phù hợp để tránh lãng phí

Về chế độ chính sách đối với cán bộ người DTTS, tỉnh ban hành rất kịp thời, đầy đủ, nhưng triển khai trong thực tiễn bộc lộ nhiều bất cập. Như Nghị quyết 09 ngày 12/7/2023 của HĐND tỉnh, các địa phương phản ánh việc áp dụng đối với trường hợp luân chuyển, điều động từ tỉnh về huyện không có vấn đề gì; song áp dụng đối với trường hợp từ huyện về xã và ngược lại, hoặc xã này sang xã kia thì địa phương gặp khó trong việc cân đối nguồn kinh phí, phải tính toán để chi thực hiện chính sách nếu không sẽ sinh so bì, khiếu nại.

Bây giờ bố trí theo vị trí việc làm, nên miền núi thiếu nhân sự giáo viên, y tế lại không tuyển dụng bố trí được đối với trường hợp sinh viên cử tuyển đã ra trường, đây là sự lãng phí rất lớn.

Việc xây dựng đội ngũ cán bộ người DTTS đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển của địa phương không phải nói và làm xong trong một sớm một chiều. Các địa phương đều muốn có chính sách đặc thù cho cán bộ người DTTS nhằm thu hút, giữ chân, xây dựng được nguồn cán bộ người tại chỗ như mục tiêu Nghị quyết 21 đề ra.

Ông Đặng Tấn Phương - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: Cần chính sách thu hút và giữ chân cán bộ

Thời gian qua, tỉnh ban hành nhiều cơ chế chính sách cho vùng miền núi, đồng bào DTTS nói chung, trong đó có chính sách về công tác cán bộ. Tuy nhiên, xét về mặt cơ chế riêng đối với đội ngũ cán bộ người DTTS chưa có sự rõ nét. Cụ thể, tại các Nghị quyết 11 và 09 của HĐND tỉnh, chỉ có quy định thêm mức hỗ trợ đối với người DTTS, chứ không có chính sách riêng.

Các địa phương miền núi nêu thực tế tuyển dụng CBCCVC là người đồng bằng, nhưng sau thời gian công tác vài năm, hoặc hưởng xong chính sách ưu đãi ở vùng đặc biệt khó khăn thì họ xin về xuôi. Bài toán thiếu nhân lực ở miền núi chưa được giải quyết căn cơ vì chưa có chính sách thu hút và giữ chân, nhất là đối với người tại chỗ. Kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo để có chính sách riêng về công tác cán bộ người DTTS, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ tại chỗ, tạo nguồn ổn định lâu dài.

Nội dung: ALĂNG NGƯỚC - NGUYÊN ĐOAN - HỮU PHÁT - ĐĂNG NGỌC - KHÁNH NGUYÊN - HOÀI AN - HÀN GIANG - ĐĂNG NGUYÊN

Trình bày: MINH TẠO

Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
XÂY DỰNG ĐỘI NGŨ CÁN BỘ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ: HÀI HÒA CƠ CẤU VÀ CHẤT LƯỢNG
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO