Lâm nghiệp

Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho sâm Ngọc Linh

T.LÊ - S.LINH 09/10/2024 09:17

Nhằm tạo cơ sở dữ liệu khoa học cho các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, huyện Nam Trà My đã mời các nhà khoa học hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng tầm sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu.

LE HOI SAM
Sâm Ngọc Linh được trồng ở điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu đặc biệt tại Nam Trà My.

Hiện nay, huyện Nam Trà My đã quy hoạch vùng trồng sâm với diện tích hơn 15.000ha, thực hiện bảo tồn được khoảng 100ha. Đồng thời phát triển vùng nguyên liệu sâm hơn 1.650ha với hơn 1.500 hộ dân tham gia trồng, thu hút 18 doanh nghiệp đăng ký trồng sâm dưới tán rừng, với diện tích hơn 341,7ha.

Các nhà khoa học, doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm.

Để nâng tầm giá trị sâm Ngọc Linh và dược liệu, mới đây huyện Nam Trà My đã tổ chức buổi hội thảo với sự tham gia của các nhà khoa học và doanh nghiệp, hộ trồng sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện.

Thực tế hiện nay, người dùng sâm Ngọc Linh đều dùng ở dạng thô (dùng trực tiếp sâm củ hoặc ngâm mật ong) nên việc tiêu thụ sâm bị hạn chế vì giá thành quá cao.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Để thương mại hóa các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh và cây dược liệu đến với người dùng cần phải ứng dụng khoa học kỹ thuật để chế biến, chiết xuất phát triển các sản phẩm từ sâm.

Đặc biệt, đứng trước vấn nạn hàng nhái, hàng giả trên thị trường hiện nay, sự vào cuộc của các nhà khoa học sẽ giúp huyện Nam Trà My và người tiêu dùng tiếp cận với sâm Ngọc Linh hiệu quả hơn”.

Theo TS.Nguyễn Thị Vân Linh - Trưởng ngành Công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành - TP.Hồ Chí Minh), việc kiểm tra ngoại quan cũng chỉ xác định được là sâm Ngọc Linh chứ không xác định được nguồn gốc xuất xứ của từng sản phẩm được trồng ở vùng nào.

Hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới có rất nhiều loại sâm khác nhau, các hoạt chất trong sâm Ngọc Linh tại vùng núi Nam Trà My có hàm lượng saponin cao hơn các vùng khác. Đặc biệt là hợp chất MR2 có khả năng bào chế thuốc trị bệnh ung thư cao hơn các loại sâm khác trên thế giới.

z5888225586696_170da18b3696efd4ba51e8edd77fa59a.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Thị Vân Linh nêu quan điểm về việc xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho sâm Ngọc Linh.

Bà Linh phân tích: “Để biết được nguồn gốc của sản phẩm thì cần xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về thành phần hợp chất trong sâm Ngọc Linh, bộ tiêu chuẩn chất lượng cho từng sản phẩm. Trong đó, cần xây dựng phương pháp truy xuất nguồn gốc sản phẩm và phương pháp phân tích bằng cách lấy mẫu sản phẩm ở các địa điểm khác nhau qua từng mùa, từng độ tuổi.

Phương pháp này đặc trưng cho nguyên liệu tương ứng với điều kiện canh tác, khí hậu thổ nhưỡng ở từng vị trí địa lý nhất định của từng địa phương”.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về truy xuất nguồn gốc sản phẩm sâm Ngọc Linh là những cơ sở, tiền đề để sâm Ngọc Linh phát triển bền vững.

Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, nhà vườn trồng sâm khi có sự hỗ trợ từ các nhà khoa học, cung cấp mẫu sản phẩm để xây dựng cơ sở dữ liệu về thành phần, xây dựng nên bộ tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm sâm Ngọc Linh ở miền núi Nam Trà My.

Sự phối hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học và người trồng sâm, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ giúp sản phẩm sâm Ngọc Linh tiếp tục khẳng định giá trị trên thị trường, cùng nhau nâng tầm sản phẩm để đưa thương hiệu sâm Ngọc Linh vươn xa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học cho sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO