TP.Tam Kỳ xây dựng đô thị thông minh theo hướng bền vững, nhiều tiện ích, nâng cao chất lượng đời sống người dân.
Tháng 4.2021, TP.Tam Kỳ phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (Koica Việt Nam), cùng với các đơn vị tư vấn Viện nghiên cứu tái định cư Hàn Quốc - KRIHS, Công ty Jungdo UIT Việt Nam, Công ty ESE, Trường Đại học Anyang tổ chức hội thảo khởi động dự án xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM) TP.Tam Kỳ. Đây là dự án do Koica tài trợ với kinh phí 9 triệu USD, vốn đối ứng của Tam Kỳ 1 triệu USD, thực hiện trong giai đoạn năm 2021 - 2025.
Nhiều vấn đề cần giải quyết
Giữa tháng 6 vừa qua, hội thảo tham vấn hợp phần kế hoạch chiến lược vùng tỉnh Quảng Nam và quy hoạch chiến lược ĐTTM TP.Tam Kỳ thuộc dự án xây dựng ĐTTM TP.Tam Kỳ tiếp tục được tổ chức.
Không chỉ dừng lại ở ĐTTM Tam Kỳ, kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam còn bao gồm Hội An, Điện Bàn và Núi Thành. Theo GS. Yoo Seon Cheol (Trường Đại học Anyang), Quảng Nam cần xây dựng quy hoạch ĐTTM có tính tổng thể và mở rộng nhằm triển khai các ĐTTM tại các địa phương trong tỉnh, bởi không thể người dân sau khi ra khỏi ĐTTM mình đang sống không còn tiếp cận các dịch vụ ĐTTM ở nơi khác.
Ông Jeong Rae Kyung (đại diện Công ty Jungdo UIT) chia sẻ, quá trình đô thị hóa và tập trung dân số tăng nhanh dẫn đến nhiều phát sinh về vấn đề đô thị như giao thông, tội phạm, môi trường…
Để giải quyết các vấn đề này và tăng cường năng lực cạnh tranh đô thị, nhiều mô hình đô thị xuất hiện, trong đó có mô hình ĐTTM.
“ĐTTM là đô thị tạo, thu thập, phân tích, khai thác nhiều dữ liệu đô thị dựa trên công nghệ ICT để xây dựng một đô thị bền vững, nâng cao chất lượng đời sống người dân” - ông Jeong Rae Kyung nói.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, trong hơn một năm qua, với sự nỗ lực phối hợp của các bên liên quan, đến nay đơn vị tư vấn đã khảo sát hiện trạng, nhu cầu để đề xuất xây dựng dự thảo các hợp phần liên quan, gồm hợp phần xây dựng kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam và hợp phần xây dựng kế hoạch chiến lược ĐTTM TP.Tam Kỳ.
Bày tỏ băn khoăn về xây dựng ĐTTM khi mà Việt Nam chưa có luật ĐTTM như Hàn Quốc, TS. Hồ Tấn Quyền (Trường Đại học Đông Á) đặt câu hỏi: Vậy, các tiêu chí nào để đánh giá đô thị đạt ĐTTM? Cạnh đó, có thể định lượng những con số như nguồn kinh phí, quy mô đô thị, dân số để giúp địa phương thuận lợi trong xây dựng kế hoạch, giải pháp xây dựng ĐTTM?
Nguyên Bí thư Thành ủy Tam Kỳ - ông Nguyễn Văn Lúa cho rằng, nhu cầu bức thiết hiện nay của Việt Nam nói chung và Tam Kỳ nói riêng là xây dựng chính quyền số, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân.
Do đó, trong số các dịch vụ chung và dịch vụ đặc thù của ĐTTM cần phải xác định thứ tự ưu tiên để tính toán thực hiện theo lộ trình, bởi không thể cùng lúc triển khai trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng.
Ở khía cạnh khác, ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nêu vấn đề, kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam gồm Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ, Núi Thành. Trong khi đó, tỉnh đã có chủ trương sáp nhập Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh để hình thành đô thị loại 1 vào năm 2030. Vì vậy, nên nghiên cứu bổ sung thêm Phú Ninh vào dự án.
Xây dựng chiến lược phù hợp
Phân tích hiện trạng đô thị Tam Kỳ, các chuyên gia của đơn vị tư vấn đến từ Hàn Quốc nhận xét Tam Kỳ có tỷ lệ đô thị hóa cao (75,5% so với tỉnh 26% và cả nước 34%), tốc độ đô thị hóa nhanh. Tuy nhiên, điều kiện sử dụng cơ sở hạ tầng y tế, giao thông công cộng còn yếu; thiếu hạ tầng chia sẻ thông tin; chưa có giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại do ngập lụt ở đô thị tập trung đông dân cư.
Trên cơ sở đó, đơn vị tư vấn xác định tầm nhìn và mục tiêu xây dựng đô thị Tam Kỳ trở thành “thủ phủ thông minh”, kết nối đô thị và con người bằng dữ liệu với nhiều dịch vụ chung (wifi, camera giám sát giao thông, tội phạm, thông tin đất đai, giao thông, khám chữa bệnh) và dịch vụ đặc thù (thông tin ngập lụt, nguồn lực - hạ tầng du lịch, khu công nghiệp).
GS. Ahn Jong Wook (Trường Đại học Anyang) cho hay, tại Hàn Quốc có rất nhiều tiêu chí về ĐTTM và tùy theo từng giai đoạn 5 năm sẽ có những tiêu chí khác nhau, tương ứng với nguồn kinh phí cũng khác nhau.
Còn ông Jeong Rae Kyung (đại diện Công ty Jungdo UIT) cho rằng, Tam Kỳ cần lập quy hoạch ĐTTM phù hợp với chính sách phát triển ĐTTM của Việt Nam và chiến lược phát triển đô thị của tỉnh.
Hơn nữa, quá trình đô thị hóa ở TP.Tam Kỳ sẽ liên tục diễn ra do sự phát triển của Khu kinh tế mở Chu Lai và Khu công nghiệp Tam Thăng. Theo đó, cần xây dựng nền tảng vận hành đô thị hiệu quả, có thể ứng phó trước các vấn đề của đô thị có thể xảy ra nhiều trong tương lai như tai nạn giao thông và thiên tai tăng, nhu cầu phát triển kinh tế qua lĩnh vực du lịch và thu hút đầu tư tăng, thiếu nhân lực tay nghề cao có thể đáp ứng phát triển công nghiệp trong bối cảnh các khu công nghiệp tăng mạnh.
TP.Tam Kỳ quyết tâm xây dựng và thực hiện thành công các kế hoạch chiến lược vùng thông minh của tỉnh, từng bước hình thành ĐTTM, góp phần tạo năng lực cạnh tranh cho đô thị, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp người dân có cơ hội bình đẳng về tiếp cận dịch vụ, được thụ hưởng những tiến bộ do khoa học công nghệ mang lại.
“Thành phố cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với nhà tài trợ Koica Việt Nam cùng các đơn vị tư vấn để thực hiện dự án đảm bảo kế hoạch, chất lượng và hiệu quả đầu tư; đặc biệt đào tạo nhân lực, tổ chức bộ máy để vận hành trung tâm điều hành ĐTTM Tam Kỳ trong thời gian đến” - ông Ảnh nói.