Nông thôn mới

Xây dựng huyện nông thôn mới ở Đại Lộc: Khó khăn chặng cuối...

NHÃ PHƯƠNG 16/08/2024 11:09

Đại Lộc đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong công cuộc xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới vào năm 2025, vẫn còn nhiều thách thức.

a.jpg
Hiện nay, Đại Lộc chưa thực hiện hoàn thành tiêu chí về quy hoạch của bộ tiêu chí huyện NTM. Ảnh: PV

Chậm giải ngân vốn sự nghiệp

Trừ thị trấn Ái Nghĩa phát triển theo hướng đô thị, trên địa bàn Đại Lộc có 17 xã thực hiện chương trình nông thôn mới (NTM). Tính đến thời điểm này, có 15 xã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã Đại Quang đạt chuẩn NTM nâng cao và xã Đại Hiệp đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Theo kế hoạch đặt ra, năm 2024 này 2 xã cuối cùng của huyện Đại Lộc sẽ về đích NTM là Đại Chánh và Đại Tân.

Hiện nay, Đại Lộc đã có 30 thôn được UBND huyện công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu. Năm nay, địa phương tiếp tục chỉ đạo xây dựng thêm 5 thôn NTM kiểu mẫu ở 4 xã gồm: Đại Hưng, Đại Lãnh, Đại Quang, Đại Thắng. Cùng với đó, xây dựng thêm 6 xã NTM nâng cao là Đại Minh, Đại Nghĩa, Đại Cường, Đại Hòa, Đại Đồng, Đại Lãnh.

b.jpg
Muốn đạt tiêu chí về giao thông, thời gian tới Đại Lộc cần nguồn lực lớn để đầu tư nâng cấp, mở rộng nhiều tuyến đường. Ảnh: PV

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, tổng kế hoạch vốn phân bổ cho Đại Lộc thực hiện chương trình NTM năm 2024 gần 100,5 tỷ đồng, gồm vốn đầu tư xấp xỉ 81 tỷ đồng và vốn sự nghiệp hơn 19,5 tỷ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 hơn 95,5 tỷ đồng và vốn năm 2023 chuyển sang gần 5 tỷ đồng.

Trong số khoảng 81 tỷ đồng vốn đầu tư, tính đến đầu tháng 7/2024 Đại Lộc đã giải ngân được gần 40,7 tỷ đồng, đạt 50,27%.

“Do số lượng công trình huyện nhiều và phần lớn có quy mô nhỏ nên quá trình lập hồ sơ phê duyệt dự án và mở mã số dự án còn chậm; vốn phân bổ ít nên các chủ đầu tư thường đề nghị đơn vị thi công hoàn tất công tác quyết toán dự án hoàn thành mới giải ngân 100% kế hoạch vốn.

c.jpg
Thời gian qua, công tác quyết toán và giải ngân vốn đầu tư xây dựng NTM ở Đại Lộc còn nhiều hạn chế. Ảnh: PV

Trước tình trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khẩn trương hoàn thành phê duyệt dự án, phân bổ 100% kế hoạch vốn trong tháng 8/2024 và giải ngân 100% kế hoạch vốn theo đúng thời gian quy định” - ông Mẫn nói.

Còn đối với hơn 19,5 tỷ đồng vốn sự nghiệp năm 2024, đến nay huyện Đại Lộc mới chỉ giải ngân được hơn 2,2 tỷ đồng, đạt 11,53%. Ông Mẫn cho hay, các nguồn vốn đến nay chưa được giải ngân chủ yếu rơi vào kênh vốn duy trì xã NTM, hỗ trợ các thôn phấn đấu đạt chuẩn NTM và hỗ trợ các mô hình điển hình tiên tiến.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng mức đầu tư thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện Đại Lộc là gần 278,2 tỷ đồng. Đến nay đã xử lý 265,6 tỷ đồng; còn lại nợ đọng xây dựng cơ bản hơn 11,3 tỷ đồng của ngân sách cấp xã và các nguồn khác. Về nguyên nhân nợ đọng này, ông Hồ Ngọc Mẫn lý giải, văn bản quy phạm pháp luật quy định về công tác quyết toán có sự thay đổi theo các giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025, dẫn tới việc các chủ đầu tư không cập nhật kịp thời để thực hiện. Các công trình thực hiện theo cơ chế đặc thù có sự tham gia của cộng đồng, các tổ đội thi công nên chưa có kiến thức, hiểu biết về lập hồ sơ, thủ tục quyết toán…

Trở lực trên đường về đích

Theo lộ trình đặt ra, năm 2025 Đại Lộc sẽ đạt chuẩn huyện NTM. Thế nhưng, qua rà soát theo bộ tiêu chí quốc gia, đến nay địa phương mới đạt 26/36 chỉ tiêu; còn 10 chỉ tiêu chưa đạt thuộc 6 tiêu chí gồm: quy hoạch, giao thông, y tế - văn hóa - giáo dục, kinh tế, môi trường, chất lượng môi trường sống.

d.jpg
Trong xây dựng huyện NTM, Đại Lộc chú trọng hỗ trợ người dân phát triển mạnh các mô hình chuyên canh cây trồng cạn theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung để nâng cao nguồn thu nhập. Ảnh: PV

Vừa qua, UBND tỉnh dừng triển khai phân bổ vốn thực hiện kiên cố hóa đường huyện theo kế hoạch. Do đó, các tuyến đường còn lại trên địa bàn Đại Lộc như ĐH3, ĐH10, ĐH11, ĐH14 chưa hoàn thành đảm bảo tiêu chuẩn NTM theo quy định.

Mới đây, tại cuộc làm việc với Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng và lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan, ông Nguyễn Hảo - Bí thư Huyện ủy Đại Lộc nói: “Muốn đạt tiêu chí về giao thông của bộ tiêu chí huyện NTM, Đại Lộc cần ít nhất 160 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư xây dựng. Trong khả năng nguồn ngân sách huyện, Đại Lộc chỉ đối ứng được một nửa khoản kinh phí trên, còn một nửa mong tỉnh quan tâm hỗ trợ”.

Trong khi đó, ông Hồ Ngọc Mẫn thông tin, năm 2024 huyện Đại Lộc phấn đấu có 2 xã đạt chuẩn NTM là Đại Chánh và Đại Tân. Tuy nhiên, Đại Chánh đang vướng mặt bằng xây dựng nhà văn hóa xã. Nguyên nhân là Trạm Y tế xã Đại Chánh chưa được Sở Y tế và Sở Tài chính cho chủ trương thanh lý tài sản nên chưa có mặt bằng khởi công xây dựng nhà văn hóa.

e.jpg
Đại Lộc có thế mạnh trong liên kết sản xuất giống lúa và các loại cây trồng cạn chủ lực. Ảnh: PV

Xã Đại Tân có chợ nhưng người dân và tiểu thương không chịu vào buôn bán. Tuy nhiên, chợ Đại Tân lại nằm trong quy hoạch chung của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Theo ông Mẫn, để đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, huyện Đại Lộc đề nghị Sở Công Thương, UBND tỉnh đưa chợ Đại Tân ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2021 - 2025 và đăng ký xây dựng chợ mới tại vị trí khác trong giai đoạn 2025 - 2030 để bố trí vốn thực hiện.

Ông Hồ Ngọc Mẫn cũng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở GD-ĐT xây dựng kế hoạch triển khai các Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển, Lương Thúc Kỳ, Huỳnh Ngọc Huệ đạt chuẩn quốc gia và kiểm định chất lượng để đạt tiêu chí về trường học…

Đại Lộc khai giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng

Sáng 13/8, Trung tâm Chính trị huyện Đại Lộc tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho 162 học viên là quần chúng ưu tú của các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện.

Các học viên sẽ được truyền đạt các chuyên đề: khái quát lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam; nội dung cơ bản cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phấn đấu trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngoài ra, các báo cáo viên thông tin tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, của tỉnh 6 tháng đầu năm 2024. Lớp học sẽ bế giảng vào ngày 21/8/2024.

Bồi dưỡng chính trị hè cho hơn 1.800 cán bộ, giáo viên

Ngày 12/8, Ban Tuyên giáo Huyện ủy phối hợp với Phòng GD-ĐT huyện Đại Lộc triển khai bồi dưỡng chính trị hè năm 2024. Tham gia 12 lớp bồi dưỡng chính trị hè năm nay, toàn huyện có 1.863 cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục đến từ 51 trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện.

Chương trình bồi dưỡng chính trị hè năm 2024 của huyện Đại Lộc được tổ chức trong 4 đợt (từ ngày 12/8/2024 đến ngày 23/8/2024), mỗi đợt có 3 lớp, mỗi lớp tổ chức trong 2 ngày, gồm 1 ngày bồi dưỡng các chuyên đề chính trị và 1 ngày bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, triển khai nhiệm vụ năm học mới.

Cán bộ, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục huyện Đại Lộc sẽ được truyền đạt các nội dung: Chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người, góp phần xây dựng Quảng Nam thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030” năm 2024; những nội dung cốt lõi, những điểm mới trong các văn kiện Hội nghị lần thứ tám, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; Thông tin tình hình chính trị - kinh tế - xã hội thế giới và trong nước nổi bật trong những tháng đầu năm 2024; những vấn đề kinh tế - xã hội ở địa phương; các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2024- 2025.

Hội LHPN Đại Lộc vận động nhận đỡ đầu 112 trẻ em mồ côi

Sau 3 năm triển khai chương trình “Mẹ đỡ đầu”, Hội LHPN huyện Đại Lộc và các xã, thị trấn đã vận động nhận đỡ đầu 112 trẻ em mồ côi có hoàn cảnh khó khăn với mức hỗ trợ thường xuyên 200.000 - 1.000.000 đồng/em/tháng.

Các cấp hội LHPN toàn huyện tổ chức tuyên dương khen thưởng trẻ mồ côi vượt khó học tập, tổ chức cho các em vui chơi trong các dịp quốc tế thiếu nhi, tết trung thu, khai giảng năm học mới hằng năm. Tính đến nay, tổng kinh phí vận động tổ chức các hoạt động và đỡ đầu trẻ em thường xuyên của các cấp hội toàn huyện khoảng hơn 800 triệu đồng.

Tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Hội LHPN huyện tổ chức ngày 13/8, Hội LHPN huyện trao 20 suất quà cho trẻ em mồ côi vượt khó học giỏi với tổng trị giá 14 triệu đồng từ nguồn kinh phí hội và nguồn vận động từ quỹ Gia đình Thiện Nhân, xã Đại Lãnh. CHÂU NỮ (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng huyện nông thôn mới ở Đại Lộc: Khó khăn chặng cuối...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO