Nhà nước và cử tri

Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Hàng rào bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số

HỒNG CHÂU 12/05/2025 16:56

(QNO) - Chiều 12/5, Quốc hội tổ chức góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền riêng tư trong môi trường số.

bao-trinh(1).png
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu tại tổ thảo luận. Ảnh: HỒNG CHÂU

Dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân gồm 7 chương, 68 điều, được xây dựng nhằm thể chế hóa các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân, quyền riêng tư, và sự bất khả xâm phạm về thân thể, nhà ở, thư tín, cũng như quyền bảo vệ bí mật cá nhân và gia đình.

Tham gia thảo luận để hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cho rằng, trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng, dữ liệu cá nhân trở thành tài sản quý giá, đồng thời cũng sẽ là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trước các hành vi khai thác lạm dụng. Việc xây dựng luật chuyên để bảo vệ quyền riêng tư, nhân phẩm và an toàn thông tin của công dân là hàng rào bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số.

Về sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 10), tại khoản 3 quy định các hình thức thể hiện sự đồng ý như văn bản, giọng nói, cú pháp, đánh dấu ô đồng ý… Nhiều website, ứng dụng được thiết kế theo hướng ô “opt - our” khiến người dùng không chú ý nhưng vẫn bị coi là đã đồng ý. Điều này trái với tinh thần tôn trọng sự tự nguyện, do đó đại biểu đề nghị cần đưa thêm yêu cầu “không sử dụng lựa chọn mặc định để lấy sự đồng ý” để ngăn ngừa việc lạm dụng.

Về xử lý dữ liệu không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu (Điều 19), dự thảo luật quy định 5 trường hợp không cần sự đồng ý, trong đó có trường hợp “phục vụ hoạt động quản lý nhà nước”, đại biểu cho rằng đây là quy định quan trọng nhưng lại khá rộng, dễ bị vận dụng theo cách linh động nên dễ bị lạm dụng nếu không có cơ chế kiểm soát.

Theo đó, đề nghị nên bổ sung yêu cầu “đánh giá tác động dữ liệu” bắt buộc trước khi triển khai mà không cần sự đồng ý. Quy định trách nhiệm giải trình cụ thể của bên xử lý nhằm đảm bảo sự minh bạch và tránh xâm phạm quyền công dân.

Về dữ liệu sinh trắc học (Điều 35) của dự thảo luật, dữ liệu sinh trắc học được phổ biến nhất hiện nay là hệ thống các ngân hàng và áp dụng bắt buộc đối với các khách hàng. Dữ liệu sinh trắc hạt như vân tay, nhận diện khuôn mặt… là loại dữ liệu đặc biệt nhạy cảm và không thể thay thế. Một khi bị rò rỉ thì chủ thể gần như là không thể khôi phục quyền riêng tư như trước.

Dự thảo luật mới dừng lại ở yêu cầu “áp dụng biện pháp bổ mặt vật lý và mã hóa mạnh mẽ” nhưng chưa nêu rõ tiêu chuẩn áp dụng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung giao cho cơ quan độc lập phê duyệt, có thể là Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Công an ban hành chuẩn mã hóa dữ liệu sinh trắc học bắt buộc. Việc tổ chức xử lý phải công khai chính sách mã hóa và lưu trữ để cơ quan có thẩm quyền giám sát những trường hợp này. Có như vậy mới khách quan, đảm bảo minh bạch tránh gây hoài nghi, phản ứng của người dân.

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự thảo Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025) và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Hàng rào bảo vệ quyền con người trong kỷ nguyên số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO