Xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân

NGUYỄN HỮU SÁNG 28/12/2020 07:08

Làm thế nào để đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII vào cuộc sống; các cấp, ngành cần làm gì để thúc đẩy năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; vì sao phải quyết tâm thực hiện quản trị nhà nước theo mô hình chính quyền điện tử, nâng cao sự hài lòng, chất lượng cuộc sống của người dân một cách bền vững; cải cách hay dừng lại; quản lý hay là phục vụ?...

Hội nghị trực tuyến cải cách hành chính toàn tỉnh. Ảnh: H.S
Hội nghị trực tuyến cải cách hành chính toàn tỉnh. Ảnh: H.S

Từ năm 2016, Tỉnh ủy (khóa XXI) ban hành Nghị quyết số 03 về đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu chung: “Đổi mới tư duy từ “nền hành chính quản lý” sang “nền hành chính phục vụ”; trong đó, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, năng động, trách nhiệm, phục vụ nhân dân; quyết tâm nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức, người dân và doanh nghiệp đối với bộ máy hành chính; xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất, năng lực và tính chuyên nghiệp cao…”.

Theo đó, một số chủ trương lớn như: rà soát, đơn giản hóa TTHC; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền gắn với sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bộ máy các cơ quan, đơn vị; xây dựng chính quyền điện tử, thành lập Trung tâm Hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh… đã được Tỉnh ủy chỉ đạo triển khai quyết liệt, có hiệu quả tích cực.

Đổi mới tư duy

Theo đánh giá của các doanh nghiệp từ báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những năm qua, Quảng Nam đã rất quyết tâm trong chỉ đạo điều hành về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thuận lợi cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Trong đó chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Sự năng động, sáng tạo của chính quyền tỉnh Quảng Nam được doanh nghiệp ghi nhận và đánh giá cao. Có thể khẳng định, nhờ thực hiện quyết liệt công tác cải cách hành chính nên các chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), chỉ số về cải cách hành chính (Par Index), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin cấp tỉnh (ICT INDEX) hàng năm đều có sự cải thiện tích cực.

Trung tâm Hành chính công có nhiệm vụ trọng tâm là tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, TTHC. Hiện nay, tổng số TTHC đưa vào tiếp nhận và trả kết quả tại trung tâm là 1.524 thủ tục. Riêng trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh có 698 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; trong đó cấp tỉnh có 622 dịch vụ công mức độ 3, 4; UBND cấp huyện có 66 dịch vụ công mức độ 3, 4; cấp xã có 10 dịch vụ công mức độ 3.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hành chính công tỉnh - ông Đinh Văn Vũ khẳng định việc giải quyết TTHC tại trung tâm là một cách làm mới trong việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông hiện đại tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức làm thước đo hiệu quả quản lý nhà nước.

“Hầu hết tổ chức, cá nhân hài lòng với việc tiếp nhận và giải quyết TTHC tại trung tâm; cán bộ và người dân giao dịch thân thiện, văn minh, lịch sự. Tất cả TTHC được niêm yết công khai, minh bạch và có thể truy cập trên hệ thống mạng để tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nắm bắt thông tin và giám sát việc giải quyết TTHC của các cơ quan liên quan” - ông Vũ nói.

Định kỳ hằng tháng, UBND tỉnh đã chủ trì nhiều buổi hội nghị đối thoại trực tiếp nhằm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động, tích cực triển khai với nhiều cách làm hay, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính. Như TP.Tam Kỳ trả kết quả giải quyết TTHC tại nhà cho công dân đối với các lĩnh vực tư pháp, LĐ-TB&XH. Huyện Đại Lộc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đường dây nóng tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân liên quan đến giải quyết TTHC. Phú Ninh ban hành Quy định trách nhiệm công khai xin lỗi trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức viên chức, hướng tới “3 nhất” (gương mẫu nhất, hiệu quả nhất, sâu sát cơ sở nhất). Bắc Trà My ban hành Quy định tiêu chí, đánh giá, phân loại chính quyền cơ sở hằng năm trên địa bàn huyện. Tiên Phước tổ chức thí điểm sát hạch công chức cấp xã hàng năm…

Hiện đại hóa nền hành chính

Chia sẻ những thông tin về nỗ lực 10 năm thực hiện chương trình tổng thể về cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh, Trưởng phòng Cải cách hành chính Sở Nội vụ - ông Trương Hồng Giang nói, cải cách TTHC và thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông được các cấp chính quyền xác định là khâu đột phá, tạo sự thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh, đảm bảo thực hiện mục tiêu 3 giảm: giảm thủ tục, giảm thời gian, giảm chi phí trong thực hiện thủ tục hành chính.

“Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy về công tác cải cách hành chính đã đi vào cuộc sống. Sự nỗ lực của các cấp chính quyền trong tỉnh được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thứ hạng PCI đã được cải thiện. Tuy nhiên còn nhiều việc phải làm, chúng ta tuyệt đối không thỏa mãn, phải quyết tâm phấn đấu ghi tên vào tốp 5 trên bản đồ PCI vào năm 2025. UBND tỉnh sẽ có giải pháp phân cấp, phân quyền mạnh hơn nữa đối với các địa phương đi liền với kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo mọi hoạt động đúng pháp luật hiện hành. Xúc tiến đề án truyền thông, quảng bá hình ảnh về Quảng Nam một cách hiệu quả; đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và có nhiều hình thức tương tác với doanh nghiệp”. (Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh)

Phân tích về hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Phạm Hồng Quảng nhận định: “Việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin đã hỗ trợ rất hiệu quả đối với công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền. Đặc biệt, đã cải tiến được môi trường và phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng hiện đại; tăng năng suất lao động và chất lượng giải quyết TTHC, góp phần nâng cao sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước. Hạ tầng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh đã được nâng cấp bước đầu đáp ứng nhu cầu phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo điều hành được an toàn, thông suốt”.

Nét nổi bật trong nhiệm vụ hiện đại hóa nền hành chính nhà nước phải kể đến đó là việc triển khai phần mềm một cửa điện tử. Phần mềm này đáp ứng yêu cầu tiếp nhận hồ sơ điện tử trực tuyến qua mạng internet ở mức độ 3 trở lên; quản lý toàn bộ quá trình, lưu chuyển hồ sơ điện tử trong nội bộ cơ quan hành chính và giữa các cơ quan hành chính; đồng thời tổng hợp, kết xuất báo cáo phục vụ kiểm soát hồ sơ trên toàn tỉnh.

Đặc biệt, ngành hải quan tiếp tục duy trì và triển khai hiệu quả Hệ thống thông quan điện tử tự động và cơ chế một cửa quốc gia (Vnaccs/ Vcis), hệ thống E-manifest tại các cảng biển, hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nộp thuế điện tử qua ngân hàng phối hợp thu và thông quan 24/7, cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển và cảng hàng không. Ngành thuế tỉnh tiếp tục đẩy mạnh kê khai thuế trực tuyến, nộp thuế điện tử trên toàn địa bàn tỉnh. Ngành công an tiếp tục khai thác, sử dụng hiệu quả phần mềm khai báo lưu trú dành cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú, Hệ thống khai báo tạm trú người nước ngoài.

Công tác quản lý thu ngân sách nhà nước qua kho bạc nhà nước được đổi mới, hiện đại hóa thông qua việc kết nối, trao đổi dữ liệu thu ngân sách nhà nước điện tử giữa kho bạc với cơ quan thuế, hải quan và các ngân hàng thương mại; mở rộng tài khoản chuyên thu; áp dụng các hình thức thanh toán điện tử trong thu nộp ngân sách nhà nước. Đến cuối tháng 9.2020, tất cả cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi giao dịch với hệ thống Kho bạc Nhà nước tỉnh.

Là cơ quan trực tiếp phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu công tác chỉ đạo, điều hành của Thường trực UBND tỉnh về công tác cải cách hành chính, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết: “Thời gian qua Văn phòng UBND tỉnh đã thực hiện kết nối, liên thông và trao đổi văn bản điện tử giữa Hệ thống quản lý văn bản và điều hành của tỉnh với hệ thống của Văn phòng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Bên cạnh đó, phần mềm nhắc việc được vận hành hiệu quả, giúp UBND tỉnh theo dõi, đôn đốc và nhắc việc trên phạm vi toàn tỉnh, hạn chế đến mức thấp nhất các công việc tồn đọng, trễ hạn”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO