Huyện Nông Sơn dốc sức hoàn thành khối lượng công việc nhằm đưa huyện về đích nông thôn mới vào cuối năm 2024.
Dốc sức cán đích
Huyện Nông Sơn vào chặng nước rút, nỗ lực để hoàn thành mục tiêu huyện nông thôn mới (NTM) vào cuối năm 2024.
Theo báo cáo của UBND huyện, hiện tổng số tiêu chí đạt của các xã là 103 tiêu chí, bình quân 17,2 tiêu chí/xã. Có 4 xã đã về đích NTM gồm Quế Lộc, Quế Trung, Sơn Viên, Phước Ninh. Hai xã còn lại gồm Ninh Phước (14 tiêu chí), Quế Lâm (13 tiêu chí) đang gấp rút với chặng đường về đích xã NTM trong năm 2023 và 2024 trong bối cảnh đầy khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Toàn huyện đã có 5 khu dân cư NTM kiểu mẫu được công nhận gồm: Lộc Trung, Đại Bình, Trung Yên, Mậu Long và Bình Yên. Ba khu dân cư Lộc Tây (đạt 3/10 tiêu chí), Thạch Bích (đạt 3/10 tiêu chí), Phú Gia (đạt 2/10 tiêu chí) được định hướng hoàn thiện khu dân cư NTM kiểu mẫu trong giai đoạn 2023 - 2024.
Giai đoạn 2016 - 2021, huyện Nông Sơn có 174 công trình phục vụ chương trình xây dựng NTM được triển khai. Năm 2021, tổng vốn bố trí phục vụ chương trình hơn 13 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư phát triển khu dân cư NTM kiểu mẫu của huyện hơn 1 tỷ đồng. Năm 2022 - 2023, nhiệm vụ của huyện là phấn đấu đưa thêm 1 xã về đích NTM (Phước Ninh). Huyện duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đối với 3 xã đã đạt chuẩn NTM là Quế Lộc, Quế Trung và Sơn Viên.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, để đưa huyện cán đích NTM vào cuối năm 2024, cả hệ thống chính trị vào cuộc rất quyết liệt, đồng bộ. Khối lượng công việc rất lớn, bên cạnh những tiêu chí “cứng” đòi hỏi về nguồn lực đầu tư lớn (hạ tầng, thủy lợi, quy hoạch, đường giao thông nông thôn), cần nỗ lực để giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng trường chuẩn quốc gia...).
Bà Thủy cho biết, Quế Lâm và Ninh Phước có cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật không bằng các xã khác, nên cần phải tập trung đầu tư mạnh. Địa phương xác định các công trình bức thiết, huy động nguồn lực xã hội hóa, ưu tiên các nguồn lực quan trọng để đầu tư. Đồng thời huy động sức dân, phát huy vai trò của nhân dân - chủ thể của NTM, nâng cao ý thức trong việc hiến đất, hiến vật kiến trúc xây dựng đường, trường, vận động nhân dân xây dựng tường rào, cổng ngõ khang trang, sạch đẹp.
“Địa phương đẩy mạnh công tác đào tạo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Huyện tập trung phát triển trồng cây ăn quả, nhất là cây đặc sản bưởi trụ (đã được công nhận là sản phẩm OCOP), cải tạo những diện tích không chủ động tưới tiêu sang trồng cây ăn quả, những diện tích không trồng cây ăn quả được vận động nhân dân đào ao, thả cá, trồng sen, trồng dừa xiêm… phát triển nông nghiệp du và lịch” - bà Thủy chia sẻ.
Quế Lâm tăng tốc
Cuối năm 2021, xã Quế Lâm đạt 14/19 tiêu chí NTM và địa phương đang nỗ lực để về đích vào năm 2024. Ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm chia sẻ, xã tập trung xây dựng và hoàn thiện các khu dân cư NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu. Trong đó, mục tiêu xóa hộ nghèo, xóa nhà tạm, nâng cao thu nhập cho người dân là hết sức quan trọng.
“Năm 2022, địa phương phải xóa được 17 - 18 hộ có nhà dột nát, xóa từ 13 - 15 hộ nghèo. Hiện xã còn 129 hộ nghèo, hộ thuộc diện bảo trợ xã hội chiếm số đông (82 hộ), chỉ có 17 hộ có khả năng thoát nghèo. Với số hộ có khả năng thoát nghèo, địa phương sẽ huy động nhiều nguồn lực, sự quan tâm, hỗ trợ của cấp trên, nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ sinh kế, giúp người dân thoát nghèo” - ông Sang nói.
Để về đích NTM như kế hoạch, khối lượng công việc của địa phương rất lớn, cơ bản phải kịp các hạng mục, tiêu chí điện, đường, trường, trạm, phải đầu tư cho công tác giáo dục với cơ sở vật chất, thiết bị bên trong. Tiêu chí khó nhất hiện nay là thu nhập, hộ nghèo, y tế (Quế Lâm đã ra khỏi vùng 135).
Trong xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Thạch Bích được chọn để hoàn thành khu dân cư NTM kiểu mẫu vào năm 2023. Hiện Thạch Bích còn 7/10 tiêu chí chưa đạt. Ngoài 2 tiêu chí đạt trong năm 2021 chờ công nhận, xã phấn đấu trong năm 2022 phải đạt 2 tiêu chí và năm 2023 đạt 3 tiêu chí còn lại.
“Năm 2022, xã phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người lên 45 triệu đồng và năm 2023 là 48 triệu đồng. Bài toán giải quyết việc làm cho lao động, tăng cường các giải pháp sinh kế, xây dựng mô hình kinh tế nông lâm hiệu quả... là nhiệm vụ cấp bách đặt ra cho địa phương” - ông Sang nói.