(QNO) - Sáng nay 30/6, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh gồm các đại biểu: Lê Văn Dũng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Dương Văn Phước - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; Phan Thái Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Vương Quốc Thắng - Ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội có buổi tiếp xúc cử tri huyện Tây Giang.
Cử tri 2 xã A Tiêng, Lăng dự buổi tiếp xúc trực tiếp tại hội trường trung tâm huyện. Cử tri 8 xã còn lại dự trực tuyến ở điểm cầu xã.
Thay mặt Đoàn ĐBQH tỉnh, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn Phước thông tin đến cử tri huyện Tây Giang kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; những hoạt động sôi nổi, trách nhiệm, tích cực chuyển tải tiếng nói cử tri Quảng Nam đến nghị trường Quốc hội của Đoàn ĐBQH tỉnh tại kỳ họp lần này.
Nhiều kiến nghị
Nhiều đề xuất tâm huyết đối với sự phát triển chung và cả tâm tư, nguyện vọng của cử tri huyện Tây Giang đã được gửi tới ĐBQH tỉnh. Cử tri công tác trong ngành y tế cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại Trung tâm Y tế huyện. Cơ sở hạ tầng Trung tâm Y tế huyện đang xuống cấp, không đảm bảo quy chuẩn để thực hiện công tác khám chữa bệnh cho nhân dân. Ngành y tế huyện và xã đều thiếu thuốc chữa bệnh. Có ý kiến đề xuất tỉnh, Trung ương quan tâm đầu tư bệnh viện chung của 2 huyện Tây Giang và Đông Giang.
Liên quan đến chính sách cho cán bộ cơ sở, cử tri Blúp Ấm Lòng - Bí thư Đảng ủy xã A Tiêng cho biết, cơ sở đã nhiều lần kiến nghị Trung ương bố trí bổ sung chức danh công chức văn phòng đảng ủy cấp xã nhưng vẫn chưa được xem xét, giải quyết. Nêu ra những bất cập trong chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã, ông Blúp Ấm Lòng đề nghị Trung ương xem xét cho hưởng mức phụ cấp 30% cho cán bộ khối Đảng đối với cán bộ khối Đảng ở cấp xã.
Đồng thời, thực hiện chính sách cán bộ liên thông giữa các cấp, để cán bộ xã không phải thi chuyển lên công chức cấp huyện, được thi chuyên viên chính…
Còn theo cử tri Bling Miên - Chủ tịch UBND xã Lăng, hiện nay theo Nghị định 116 của Chính phủ, xã đạt chuẩn nông thôn mới được Nhà nước hỗ trợ tiền ăn, tiền ở và gạo cho học sinh còn thấp, ảnh hưởng đến thể chất của học sinh. Ông Miên kiến nghị Trung ương quan tâm nâng mức hỗ trợ này và thực hiện kéo dài thời gian được hưởng chính sách ít nhất 5 năm sau khi xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, cử tri địa phương đánh giá rất cao kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV; ghi nhận tâm huyết, trách nhiệm, sự thẳng thắn của ĐBQH tỉnh trong thảo luận, tranh luận, chất vấn tại kỳ họp lần này. Cử tri rất tin tưởng vào chất lượng các kỳ họp sắp tới của Quốc hội.
Thay mặt lãnh đạo huyện, ông Bhling Mia trao đổi làm rõ thêm các nội dung được cử tri địa phương kiến nghị về hạ tầng giao thông, vướng đền bù dự án đập ngăn dòng sông A Vương; công tác phối hợp giữa huyện với các sở ngành của tỉnh…
Với tư cách cử tri, ông Mia cho biết vấn đề bức xúc hiện nay là Tây Giang được UBND tỉnh cho phép tổ chức phi chính phủ nước ngoài là Công ty TNHH MTV InnovGreen Quảng Nam thuê hơn 1.160ha đất để trồng rừng nguyên liệu giấy tại các xã Lăng, Dang, A Tiêng, Bha Lêê, A Vương. Đến năm 2010, công ty đã trồng được 16,81ha (xã Dang 7,94ha, xã Lăng 8,87ha), diện tích còn lại công ty không triển khai trồng rừng.
Theo đó, ông Mia kiến nghị Đoàn ĐBQH tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện các thủ tục liên quan nhằm sớm thu hồi đất trả lại cho địa phương để có cơ sở đo đạc, cấp giấy chứng nhận cho người dân.
Ở lĩnh vực giáo dục, ông Bhling Mia kiến nghị: “Trường THPT Võ Chí Công được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư giai đoạn 2 nâng tổng vốn lên 58 tỷ đồng, kể cả việc xử lý sạt lở, nhưng đơn vị thi công thực hiện rất chậm. Địa phương kiến nghị tỉnh cần đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án”.
Ghi nhận dấu ấn phát triển
Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng ghi nhận các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của cử tri huyện Tây Giang. Đồng thời trao đổi, giải đáp cụ thể đối với từng nội dung được cử tri phát biểu, nhất là liên quan đến chính sách cán bộ cấp xã và cho biết, Đoàn ĐBQH tỉnh rất trăn trở đối với đội ngũ cán bộ cấp xã, đã có nhiều ý kiến đề xuất với Trung ương và sẽ tiếp tục có kiến nghị để giải quyết tốt các đòi hỏi từ thực tiễn cơ sở.
Nói chuyện với cử tri, cán bộ huyện Tây Giang, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng biểu dương, đánh giá cao thành tựu phát triển của huyện qua 20 năm thành lập. Trong các dấu ấn nổi bật, Tây Giang đã làm tốt công tác sắp xếp dân cư miền núi, nhờ đó, dù phải chịu thiệt hại lớn do thiên tai về hạ tầng cơ sở, nhưng đã không để xảy ra thiệt hại về người. Kết cấu hạ tầng đường sá, công trình dân sinh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, khớp nối rất tốt.
Một dấu ấn nữa là Tây Giang có nhiều cách làm mới, sáng tạo để đưa nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước đi vào đời sống. Đơn cử như việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng cây dược liệu; phát triển đưa sản phẩm OCOP vào thị trường. Từ đó, kinh tế - xã hội của huyện có điều kiện phát triển, đời sống nhân dân thay đổi đáng kể gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Tây Giang.
Cùng với đó, địa phương góp phần quan trọng vào việc bảo đảm quốc phòng - an ninh, vun đắp tình hữu nghị anh em với huyện kết nghĩa của tỉnh Sê Kông (Lào); bảo vệ an toàn đường biên, mốc giới, bình yên bản làng khu vực biên giới.
Theo đồng chí Lê Văn Dũng, đánh dấu 20 năm thành lập huyện, Tây Giang cần hướng đến mục tiêu cao hơn là phải tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được, lấy đó làm tiền đề cho việc xây dựng và phát triển Tây Giang lớn mạnh hơn nữa. Đặc biệt, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống nhân dân, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa. Xã A Tiêng phải lên thị trấn!
Trong chặng đường sắp tới, đồng chí Lê Văn Dũng cho rằng, Tây Giang chú trọng làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh. Chi bộ ở thôn phải thật sự là chi bộ mạnh, lãnh đạo toàn diện các mặt phát triển ở thôn. Lãnh đạo các xã quán triệt, tập trung xây dựng chi bộ ở thôn thật sự trong sạch vững mạnh. Phát huy vai trò già làng, người có uy tín ở thôn để cùng chăm lo tốt đời sống nhân dân.
“Huyện cần tập trung thực hiện hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Trọng tâm nhất là thực hiện sắp xếp dân cư, ổn định nơi ăn chốn ở cho người dân; quyết tâm xóa hết nhà tạm của 8 xã biên giới của huyện, để bà con có đời sống ổn định, khấm khá hơn. Cùng với đó, tiếp tục bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào.
Các xã phải nghiên cứu kỹ, sâu sát hơn và có báo cáo cùng huyện để nắm rõ hơn, từ đó kiến nghị với tỉnh để cùng tháo gỡ, thực hiện tốt hơn đối với một số tiểu dự án theo Nghị quyết 88 của Quốc hội” - đồng chí Lê Văn Dũng lưu ý.