Giáo dục - Việc làm

Xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Quảng Nam: Cần thực chất, tránh bệnh thành tích

XUÂN PHÚ 08/03/2024 09:36

Lãnh đạo ngành GD-ĐT Quảng Nam nhấn mạnh quan điểm phải nỗ lực để tăng nhanh số lượng trường đạt chuẩn quốc gia, song cần phải thực chất, tránh bệnh thành tích, chạy theo số lượng.

dsc_0552.jpg
Trường THPT Nguyễn Huệ (Núi Thành) sẽ được kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia trong năm 2024. Ảnh: X.PHÚ

79% trường đạt chuẩn

Thời gian qua, công tác xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia không chỉ tập trung ở các địa phương đồng bằng mà một số huyện miền núi cũng có được kết quả cao như Tiên Phước, Nam Giang.

Theo ông Châu Ngọc Vĩnh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Giang, hệ thống trường, lớp học của địa phương không ngừng phát triển với 24 trường, gồm 7 trường mầm non, 9 tiểu học, 7 THCS và 1 trường tiểu học & THCS; trong đó 14 trường tổ chức nội trú, bán trú.

Mô hình trường học liên xã phù hợp với vùng miền núi cao được phát triển và duy trì ổn định hơn 10 năm nay, giúp tiết kiệm biên chế, tăng cường việc sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nhà trường.

Bên cạnh đó, trường nội trú, bán trú tạo điều kiện cho học sinh ăn ở, sinh hoạt tại trường, góp phần huy động các em ra lớp, nâng cao chất lượng dạy và học.

“Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 17/24 trường học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 70%), đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 sớm trước 2 năm, trong đó có 4 trường đạt chuẩn mức độ 2.

So với các huyện đồng bằng thì lỷ lệ đạt chuẩn này còn thấp, nhưng với điều kiện các huyện miền núi cao thì đây là nỗ lực rất lớn của ngành GD-ĐT huyện Nam Giang” - ông Vĩnh chia sẻ.

Ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Kiểm định chất lượng Sở GD-ĐT khẳng định, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia mang lại kết quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, tạo được niềm tin đối với cha mẹ học sinh và các tầng lớp nhân dân. Vì vậy, những năm qua, công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia được các địa phương, trường học quan tâm.

Đến nay, trong tổng số 725 trường học cả tỉnh thì có 573 trường (tỷ lệ 79%) đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ cao thuộc tốp đầu khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Trong đó, tỷ lệ trường chuẩn bậc tiểu học dẫn đầu với 87% (198/227 trường), tiếp theo là mầm non 82% (186/226), THCS 76% (166/218) và thấp nhất THPT chỉ 42% (23/54). Kế hoạch trong năm 2024, Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra công nhận đạt chuẩn quốc gia đối với 20 trường mầm non, 60 trường tiểu học, 30 trường THCS và 10 trường THPT.

Nhiều băn khoăn

Theo ông Đỗ Quang Khôi, một trong những băn khoăn là quy định 5 năm sau khi đạt chuẩn phải công nhận lại nhưng thời gian qua có nhiều trường học vì các lý do khác nhau đã không lập hồ sơ đề nghị Sở GD-ĐT kiểm tra. Do đó, đương nhiên các trường rớt chuẩn do đã hết hạn công nhận đạt chuẩn.

“Đến thời điểm này, toàn tỉnh có đến 167 trường hợp như vậy, trong đó phần lớn là cơ sở vật chất xuống cấp. Như vậy, 573 trường được công nhận đạt chuẩn song thực tế cả tỉnh chỉ có 406 trường còn hạn đạt chuẩn (tỷ lệ 56%). Trong đó, mầm non 146 trường, tiểu học 130 trường, THCS 121 trường và THPT vỏn vẹn 9 trường” - ông Khôi thông tin.

Giám đốc Sở GD-ĐT Thái Viết Tường cho rằng, công tác xây dựng trường chuẩn đạt kết quả tốt, song so với yêu cầu nhiệm vụ vẫn chưa đáp ứng. Đáng lưu ý là xuất hiện tình trạng “đạt chuẩn xong rồi nghỉ”.

Vì vậy, lần thứ hai trong năm học 2023 - 2024 sở tổ chức hội nghị chuyên đề về công tác kiểm định chất lượng giáo dục và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia nhằm xốc lại tinh thần, xác định rõ đây là trách nhiệm của ngành, cụ thể của Sở GD-DT, phòng GD-ĐT đến từng hiệu trưởng nhà trường.

“Tỷ lệ trường đạt chuẩn của Quảng Nam hiện nay khá cao so với miền Trung, nhưng không ít người băn khoăn kết quả này có đúng thực chất? Trong khi đó, nhiều trường hết hạn nhưng không báo cáo, có những trường hết hạn từ năm 2015 song đến nay vẫn chưa được công nhận trở lại.

Tỷ lệ đạt chuẩn cả tỉnh từ 79% đến nay hạ xuống 56% và sắp tới còn kéo xuống thấp nữa vì nhiều trường đến hạn nhưng không kiểm tra công nhận lại. Có thể con số trường đạt chuẩn sắp tới còn giảm xuống hơn nữa nhưng phải thực chất, kiên quyết không chạy theo thành tích” - ông Tường bày tỏ.

Ngoài nguyên nhân khách quan như việc đầu tư xây dựng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, theo người đứng đầu ngành GD-ĐT, còn có lý do chủ quan của ngành và đó là điều phải suy nghĩ.

Ông Tường nhấn mạnh, phải xác định đây là công việc lâu dài, cần những giải pháp tổng hợp; trong đó trách nhiệm trước hết là của ngành. Lãnh đạo các trường học cần coi đây là nhiệm vụ chuyên môn rất quan trọng trong nhà trường; đồng thời tham mưu kịp thời cho lãnh đạo địa phương để có sự quan tâm hỗ trợ. Có như vậy, công tác xây dựng trường chuẩn mới đạt kết quả tốt.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Quảng Nam: Cần thực chất, tránh bệnh thành tích
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO