Tại Quảng Nam, tư duy chiến lược về xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân đang được cụ thể hóa bằng những hành động thiết thực và bài bản.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp không chỉ là yêu cầu nội tại để doanh nghiệp phát triển bền vững mà còn là nền tảng quan trọng giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cốt lõi tạo nên bản sắc doanh nghiệp
TS. Võ Văn Lợi - Trưởng khoa Kinh tế chính trị Học viện Chính trị khu vực III cho rằng: "Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là tài sản tinh thần mà còn là một yếu tố vật chất sống động, chi phối lý trí, tình cảm, hành vi của các thành viên trong doanh nghiệp. Đó là yếu tố làm nên thương hiệu, bản sắc và sự khác biệt của mỗi doanh nghiệp".
Theo ông, văn hóa doanh nghiệp được cấu thành từ ba trụ cột chính: Văn hóa doanh nhân; văn hóa kinh doanh; văn hóa quản lý. Tại Quảng Nam, nhận thức này đã được hiện thực hóa thành nhiều mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn với đặc trưng vùng đất và con người nơi đây.
Theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch Tập đoàn Ô tô Trường Hải (THACO), tính đại diện của một doanh nghiệp không chỉ ở sản phẩm hay thương hiệu, mà còn thể hiện ở mỗi nhân sự thông qua cách ứng xử trong công việc và đời sống thường ngày với phương châm "Mỗi nhân sự là một đại sứ của thương hiệu".
Trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, văn hóa luôn được THACO đặt lên hàng đầu, là kim chỉ nam cho mọi hoạt động, song hành với sản xuất kinh doanh để phát triển văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc và nhân văn. Đây cũng là một trong những căn cơ để THACO phát triển vững mạnh.
Một ví dụ khác là Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Chu Lai (CIZIDCO). Doanh nghiệp này đã xây dựng mô hình văn hóa doanh nghiệp dựa trên triết lý: "Suy nghĩ và hành động đều hướng tới lợi nhuận nhưng không phải bằng mọi giá".
Lãnh đạo công ty cho biết đã hệ thống hóa thành 5 tiêu chí văn hóa nội bộ, đề cao yếu tố con người, sự minh bạch, trách nhiệm với cộng đồng và môi trường. Mỗi thành viên đều phải ứng xử văn minh từ nội bộ doanh nghiệp đến các hoạt động xã hội như trồng cây xanh, chăm sóc đời sống người lao động hay tổ chức các sự kiện thể thao nội bộ.
Các doanh nghiệp như Công ty TNHH MTV Sedo-Vinako, Công ty CP May Trường Giang… cũng đang tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng "Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa", gắn kết hoạt động sản xuất với các giá trị đạo đức và tinh thần cộng đồng.
Tạo dựng bản sắc Quảng Nam
Văn hóa doanh nghiệp cũng góp phần quan trọng trong xây dựng hình ảnh Quảng Nam là điểm đến đầu tư thân thiện và phát triển. Bằng việc tạo dựng niềm tin, uy tín và trách nhiệm, các doanh nghiệp tại đây không chỉ đóng góp lớn vào ngân sách địa phương mà còn là lực lượng tiên phong trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội.
Như tại Khu công nghiệp THACO Chu Lai (Quảng Nam) - nơi tập trung hoạt động sản xuất quy mô lớn, hình ảnh "con người công nghiệp" ngày càng được phát huy và nhân rộng ra các ngành nghề khác của THACO.
Ông Trần Bá Dương - Chủ tịch THACO cho rằng, những phẩm chất tốt đẹp của người dân xứ Quảng là tính cần cù, vượt khó, ham học hỏi, sáng tạo. Tư duy đổi mới, sáng tạo chính là một trong những tố chất quan trọng hàng đầu của "con người công nghiệp".
Đây chính là yếu tố giúp ông xây dựng tại Chu Lai trở thành khu công nghiệp đa ngành quy mô lớn, "biểu tượng công nghiệp" của tỉnh Quảng Nam và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương trở thành lực lượng lao động công nghiệp tiêu biểu.
THACO tập trung xây dựng con người công nghiệp. Đặc thù sản xuất công nghiệp đòi hỏi lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao, tư duy sáng tạo, tinh thần kỷ luật và làm việc tập thể. Do đó, tập đoàn luôn nỗ lực nâng chất, nâng tầm đội ngũ nhân sự theo tiêu chí, tiêu chuẩn "con người công nghiệp" trên toàn hệ thống.
Phát triển doanh nghiệp gắn với văn hóa là một phần của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc trong thời kỳ mới. Khi mỗi doanh nghiệp đều chú trọng văn hóa - từ ứng xử trong nội bộ, với khách hàng, đến trách nhiệm với xã hội thì
chính họ đang góp phần làm nên một Quảng Nam giàu mạnh, nhân văn và bền vững”.(TS. Võ Văn Lợi - Trưởng khoa Kinh tế chính trị Học viện Chính trị khu vực III)
Các doanh nghiệp như May Trường Giang hay CIZIDCO bên cạnh việc tạo công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động, còn là đại diện tiêu biểu của văn hóa lao động chăm chỉ, kỷ luật và sáng tạo - những phẩm chất đặc trưng của người Quảng Nam.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả xây dựng văn hóa doanh nghiệp, TS. Võ Văn Lợi cho rằng, cần nâng cao nhận thức từ lãnh đạo doanh nghiệp đến từng cán bộ, nhân viên về vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp. Đây không chỉ là công cụ quản lý mềm mà còn là đòn bẩy thúc đẩy năng suất và tạo dựng uy tín dài hạn.
Ông cũng cho rằng cần xây dựng xã hội có văn hóa tôn vinh doanh nhân, coi trọng sự đóng góp của họ như những “người anh hùng” trong công cuộc phát triển đất nước.