Cảm xúc nghề y

BS. NGUYỄN THỊ KIỀU TRINH 27/02/2020 10:30

(QNO) - Đã bao năm trôi qua với cái nghề được cho là cao quý trong các nghề vì nó liên quan đến sức khỏe và tính mạng của con người, chúng tôi vẫn đong đầy cảm xúc khi đứng trước mỗi ca bệnh. Và không chỉ cảm xúc với bệnh nhân mà cả với những đồng nghiệp yêu quý của chúng tôi khi chứng kiến những cảnh cận kề sinh tử.

Niềm vui của sản phụ khi “mẹ tròn con vuông” cũng là niềm vui của y, bác sĩ. Ảnh: K.TRINH
Niềm vui của sản phụ khi “mẹ tròn con vuông” cũng là niềm vui của y, bác sĩ. Ảnh: K.TRINH

Tôi đã từng chứng kiến những đồng nghiệp giành giật mạng sống cho một đứa trẻ đã bị cắt cụt chi và bộ phận sinh dục. Họ đã phân công nhiều ekip để trong đó một bác sĩ cho máu, một bác sĩ phẫu thuật và cả một đội ngũ hồi sức tích cực giành lấy sự sống cho đứa trẻ sơ sinh ấy. Và cái kết thật có hậu cho sự cống hiến không ngần ngại ấy là một đứa trẻ mang tên Thiện Nhân đã lớn lên từng ngày.

Cậu bé thật sự may mắn ấy đã được bà mẹ Trần Mai Anh và những người bạn viết tiếp nên hành trình Thiện Nhân đầy ý nghĩa, nhân văn khi họ kết nối được các chuyên gia hàng đầu thế giới đến Việt Nam hằng năm để tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em khuyết tật. Và chuyện cổ tích giữa đời thường ấy cứ tiếp diễn, làm nên những kỳ tích lớn lao cho đời, cho người…

Tôi đã từng chứng kiến các sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam không ngần ngại đi dọc khu hành lang Khoa Huyết học trong đêm khuya thanh vắng để lấy máu chuyền cho sản phụ cắt tử cung từ tuyến dưới chuyển đến trong tình trạng băng huyết do đờ tử cung, mạch không, huyết áp không đo được.

Tôi biết trong số các bạn sinh viên ấy, có bạn chỉ có một ổ bánh mì cầm cự trong những buổi sáng vì gia đình không có điều kiện. Nhưng rồi, trước tính mạng của một sản phụ, giữa cận kề cửa sinh và cửa tử, họ đã không toan tính khi nghĩ đến “một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”.

Tôi đã từng chứng kiến một cảnh đầy cảm xúc khi các đồng nghiệp của tôi đã chiến thắng được tử thần để giành lại sự hồi sinh cho một sản phụ bị nhau tiền đạo ngưng tim trên bàn mổ. Người cho máu, kẻ xoa bóp tim ngoài lồng ngực để sau khi tiêm hơn 150 ống Adrenalin, sản phụ đã có tim trở lại và ba ngày sau đó sản phụ cai máy thở và vắt những giọt sữa quý giá của mình cho đứa trẻ đang nằm tại đơn nguyên sơ sinh bệnh viện. Chúng tôi đã từng lo lắng từng giờ, từng phút trong khoảng 30 giờ đồng hồ để chờ đợi sự trở lại các dấu hiệu sinh tồn và chức năng sống của sản phụ. Và những giọt nước mắt sung sướng xen lẫn nụ cười mãn nguyện của người thân sản phụ đã làm cho chúng tôi cảm thấy hạnh phúc trào dâng như thế nào trong ngày bình phục của sản phụ.

Tôi đã từng chứng kiến các đồng nghiệp của tôi cứ liên tục từ bàn sinh này đến bàn sinh khác, không ngơi nghỉ để cùng đồng hành với sản phụ trong hành trình vượt cạn. Mỗi tiếng khóc chào đời sau mỗi ca sinh là một niềm vui bất tận cho những cô mụ đỡ sinh. Ông bà ta ngày xưa thường bảo “chữa đẻ, cửa mả”, bởi vậy cứ mỗi lần đi trực là mỗi lần chúng tôi trông mong hai chữ “bình yên” cho những người làm nghề sản.

Nhưng cuộc đời hành nghề, mỗi cá nhân không ai là hoàn hảo và rồi đôi khi chúng tôi nhận lấy những đôi mắt oán trách của những người thân sản phụ khi thất bại một ca sinh, sự phẫn nộ của người nhà bệnh nhân khi thất bại một ca mổ. Và những stress của nghề cứ theo đuổi chúng tôi trong suốt năm tháng hành nghề… để rồi chúng tôi cảm thấy mình già trước tuổi so với bạn bè cùng trang lứa.

Mấy hôm nay, cả nước và cả thế giới rúng động về tình hình nhiễm Covid-19. Trong những ngày phòng chống dịch này, tôi lại thấy yêu thêm các thiên thần áo trắng là các đồng nghiệp của tôi trong trận địa phòng chống dịch. Họ đã phải hy sinh cả tính mạng, cả gia đình, cả hạnh phúc của bản thân để chăm sóc tận tình những người không may nhiễm bệnh. Họ phải sống cách ly với thế giới bên ngoài, phải chấp nhận sự may rủi để thực hiện sứ mệnh cao cả và thiêng liêng của mình trong khoảnh khắc cận kề sinh - tử ấy. Hình ảnh của bác sĩ trẻ Bành Ngân Hoa (Trung Quốc) cứ ám ảnh tôi khi nghĩ về những người khoác áo blouse trắng, chức năng thiên sứ của họ để rồi ra đi mãi mãi và lỗi hẹn với cô vợ xinh đẹp khi gác lại ngày cưới của mình.

Đâu đó, còn vài “con sâu làm rầu nồi canh” vì những tắc trách trong thăm khám và điều trị bệnh nhân, một số người còn thờ ơ với nỗi đau của người bệnh. Tuy nhiên, con số này rất ít so với những cống hiến mà các đồng nghiệp đã đóng góp cho sức khỏe của con người. Tôi vẫn luôn tự hào về sự dũng cảm và đức hy sinh của các đồng nghiệp của tôi, thông cảm cho những trăn trở và những nỗi đau chua chát sau những lần thất bại. Chúng tôi mong được nhìn nhận một cách khoan dung hơn khi có một rủi ro nào đó xảy ra ngoài ý muốn của những người thầy thuốc.

Chúng tôi luôn mong muốn một kết quả tốt đẹp khi người bệnh ra viện, một kết cục “mẹ tròn con vuông” khi cửa sinh kề cửa tử. Chúng tôi vẫn thật sự đam mê và nhiệt huyết với nghề, vẫn luôn cháy bỏng với những ước mơ giành lấy cuộc sống người bệnh trước những lưỡi hái của tử thần.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảm xúc nghề y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO