Vì sức khỏe người dân vùng cao - Bài 1: Đau, chỉ đến trạm xá

DIỄM LỆ 18/04/2022 06:29

Tiếp nối chính sách cấp bảo hiểm y tế cho người dân miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 04 ngày 12.1.2022, tiếp tục thực hiện giai đoạn 2022 - 2025. Bởi, khi đi vào đời sống, đây là quyết sách nhân văn, góp phần đảm bảo sức khỏe nhân dân.

Có chính sách bảo hiểm y tế, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, miền núi của tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh: D.L
Có chính sách bảo hiểm y tế, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, miền núi của tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh: D.L

BÀI 1: ĐAU, CHỈ ĐẾN TRẠM XÁ

Năm 2008 Luật Bảo hiểm y tế ra đời và có hiệu lực từ ngày 1.7.2009. Đến nay, hơn 136 nghìn người đã được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo chính sách của Nhà nước. Ở các xã vùng biên giới miền núi của tỉnh, triển khai chính sách cũng là cách từng bước thay đổi nhận thức người dân, họ biết chăm sóc sức khỏe một cách khoa học, thay vì cúng tế khi có bệnh như trước.

Thay đổi nhận thức

Chạy xe máy gần 20km từ nhà ở thôn Đắc Pênh (xã La Dêê, huyện Nam Giang), ông Brôl Hái chở vợ ẵm con đến Phòng khám Đa khoa Chà Val khám bệnh. Bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân, đo thân nhiệt, đưa vào phòng bệnh, bố trí giường cho mẹ con nghỉ. Những tưởng con nhiễm Covid-19, ông Hái rất lo lắng. Nhưng kết quả test nhanh cháu âm tính, chỉ bị bệnh cảm sốt thông thường.

"Ngày trước mỗi lần ốm đau thì tin thầy bói ở làng, hay cúng con ma rừng. Nhưng chừ đến bệnh viện mới hết đau được. Cả làng chúng tôi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế, cứ ốm đau là đi gặp bác sĩ thôi".

(Ông Brôl Hái ở thôn Đắc Pênh, xã La Dêê, huyện Nam Giang)

Ông Hải chia sẻ: "Nhà có nhiệt kế đo nhiệt độ, có dùng thuốc hạ sốt cho con nhưng không đỡ, nên hôm nay phải đưa con đến phòng khám. Dịch bệnh nhiều quá, lo lắm. Ngày trước mỗi lần ốm đau thì tin thầy bói ở làng, hay cúng con ma rừng. Nhưng chừ đến bệnh viện mới hết đau được. Cả làng chúng tôi đều được cấp thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), cứ ốm đau là đi gặp bác sĩ thôi”.

Trạm Y tế xã Đắc Tôi (huyện Nam Giang), mỗi ngày đều đón tiếp người dân đến khám bệnh. Như lời bà Hiên Thị Lá (thôn Đắc Tà Vâng, xã Đắc Tôi), từ khi có thẻ BHYT, bà hay đi khám bệnh ở bệnh viện, đau nhẹ hay cần cấp thuốc định kỳ thì đến Trạm Y tế xã Đắc Tôi.

"Bác sĩ bảo tôi bị bệnh máu đông, mùa nắng thì đỡ, mùa lạnh là máu không lưu thông được, nên đi khám bệnh để có thuốc uống. Sau khi thăm khám, bác sĩ còn cho thuốc mà không tốn kém chi cả.

Cả làng tôi dù có người còn tin vào con ma rừng, nhưng đã có thói quen đi khám bệnh mỗi lúc đau ốm. Có thẻ BHYT, được khám bệnh miễn phí nên không còn lo lắng nữa" - bà Lá nói.

Vợ chồng ông Brôl Hái chở con đến chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Chà Val. Ảnh: D.L
Vợ chồng ông Brôl Hái chở con đến chữa bệnh tại Phòng khám Đa khoa Chà Val. Ảnh: D.L

Cùng đi khám bệnh với bà Lá là bà Zơrum Thị Xuân. Bà Xuân bị bệnh dạ dày, trước kia mỗi lần đau hái lá rừng giã lấy nước uống nhưng không đỡ. Nghe lời con, bà đến bệnh viện siêu âm, biết chính xác bệnh và được bác sĩ cho thuốc uống. Bệnh thuyên giảm, bà Xuân ngày càng tin vào y bác sĩ. Hễ có bệnh là bà tìm đến cơ sở y tế. Bà Xuân cho hay: “Có thẻ BHYT lợi lắm, mà trước tôi không quan tâm, chừ dùng rồi mới thấy tốt. Đỡ đau thì có sức khỏe, đi làm được, con đi học xa cũng bớt lo cho mẹ. Đau ốm tôi không còn tự hái lá uống mà đi khám bệnh đàng hoàng, không chủ quan như trước".

Tin vào y bác sĩ

Phòng khám Quân - Dân y kết hợp xã biên giới A Xan (huyện Tây Giang) một ngày cuối tháng 3.2022, có khá đông người dân đến khám chữa bệnh. Khoảng thời gian này, dịch bệnh Covid-19 đã lan đến vùng biên giới, khiến người dân rất lo lắng.

Sau khi được y bác sĩ nơi đây tuyên truyền về dịch Covid-19, cách phòng tránh như thường xuyên đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, và được tiêm vắc xin phòng bệnh... nên người dân không còn sợ như trước.

Chị ALăng Thị Sợi mang theo thẻ BHYT và căn cước công dân, cùng giấy cách ly điều trị F0 tại nhà lên phòng khám để được test Covid-19 sau thời gian 10 ngày điều trị theo toa thuốc và hướng dẫn của bác sĩ.

Chị Sợi nói: “Dù đã biết thông tin về dịch bệnh nhưng khi bị nhiễm mình cũng rất lo lắng. Sau khi test nhanh cho kết quả dương tính, bác sĩ cho thuốc, dặn dò ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, uống nước cam hằng ngày... để tăng sức đề kháng. Đặc biệt, bác sĩ dặn mình đeo khẩu trang để tránh lây bệnh cho mọi người. Nhờ được bác sĩ chỉ dẫn, mình làm theo và sau 10 ngày thì khỏi bệnh và không lây nhiễm cho người khác”.

Có chính sách bảo hiểm y tế, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, miền núi của tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh: D.L
Có chính sách bảo hiểm y tế, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, miền núi của tỉnh được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Ảnh: D.L

Từ thôn Ga Ninl (xã A Xan, Tây Giang), ông Bríu Chinh chở mẹ là bà P’Long Thị Chim đến khám bệnh tại Phòng khám Quân - Dân y A Xan. Như lời ông Chinh, mẹ ông có nhiều bệnh, đau đại tràng, dạ dày, bị huyết áp thấp.

Ông Chinh kể: “Mỗi lần mẹ bị đau, tôi phải chở đến phòng khám, bởi bà chỉ muốn đi gặp bác sĩ, có thuốc của bác sĩ cho mới mau hết bệnh được. Không đi bác sĩ là bà không chịu. Hồi trước mẹ bị đau, chưa có phòng khám này thì chỉ khám ở trạm y tế xã, nhưng bệnh nặng bác sĩ phải chuyển lên bệnh viện ở huyện.

Ngày xưa chưa có đường đi xe máy thì đi bộ, khiêng người bệnh vượt rừng. Sau có đường rồi, mỗi lần đến huyện phải đi xe máy gần 50 cây số, chở người bị bệnh phải có người giữ phía sau. Vất vả lắm. Chừ thì có bác sĩ, khám được ở xã rồi, không đi xa nữa, khỏe cho bà con nhiều”.

Nhận thức đổi thay, người dân tin vào kỹ thuật khám chữa bệnh hiện đại, đẩy lùi dần những hủ tục lạc hậu như tục cúng con ma rừng, tự hái lá chữa khiến bệnh nặng hơn...

Bác sĩ Zơrâm Báo - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tây Giang cho biết: "Cùng với chính sách cấp BHYT cho tất cả người dân các xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cộng thêm niềm tin vào việc khám chữa bệnh của y bác sĩ trong nhân dân, giúp họ được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, góp phần nâng cao thể trạng, đời sống của người dân vùng núi, miền biên giới.

Đội ngũ y bác sĩ cũng không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để phục vụ nhân dân địa phương, vì hiểu rằng điều kiện xa xôi vận chuyển bệnh nhân đi xa rất vất vả. Ở miền núi, địa hình cách trở, dân cư thưa thớt, nên đội ngũ y bác sĩ cũng như nhân dân còn nhiều khó khăn trong khám chữa bệnh. Chúng tôi đều động viên nhau cố gắng vì nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân".

Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng chính sách BHYT

Ông Nguyễn Văn Văn - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, hoạt động y tế và chăm sóc sức khỏe ngày càng nâng cao chất lượng, với 309 cơ sở y tế trong toàn tỉnh (gấp 1,5 lần năm 1997, tăng thêm 96 cơ sở), với hơn 7.150 cán bộ (gấp 2,8 lần) và 6.745 giường bệnh (gấp 2,9 lần).

Số giường bệnh trên một vạn dân (không tính trạm y tế) tăng từ 10,1 giường (năm 1997) lên 44,6 giường (năm 2021); số bác sĩ trên một vạn dân tăng từ 3,2 bác sĩ lên 11,2 bác sĩ.

Tỷ lệ bao phủ BHYT toàn tỉnh năm 2021 đạt 95,5% (cả nước 91%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể từ 42% năm 1997 còn 9,5% năm 2021 (tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi năm 2021 là 21,6%). Cả 100 xã khu vực miền núi đã có trạm y tế, trong đó 58/100 trạm đạt chuẩn quốc gia; 8/9 trung tâm y tế huyện được xây dựng kiên cố.

Người dân được chăm sóc sức khỏe tốt hơn bằng chính sách BHYT từ sự đầu tư của các nguồn lực về cơ sở vật chất và nhân lực y bác sĩ được đào tạo đạt chuẩn. Nhận thức của người dân đã nâng cao trong việc tự chăm sóc sức khỏe của bản thân, gia đình; khi có bệnh đã đến trạm y tế, trung tâm y tế để được khám, điều trị.

___________________

Bài 2: Trách nhiệm với nhân dân

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Vì sức khỏe người dân vùng cao - Bài 1: Đau, chỉ đến trạm xá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO