Tập sách gồm cả thơ và tản văn mang tên “Dưới bóng quê nhà” (NXB Đà Nẵng 2024), là một tiếp nối thể hiện sự mạch lạc và bền bỉ của Nguyễn Đông Nhật.
“Dưới bóng quê nhà” ra đời sau khi ông đã có 6 tập thơ, 2 tập tản văn in riêng, tham gia nhiều công trình biên soạn đồ sộ và góp mặt trong khoảng 40 tuyển tập thơ, văn, nghiên cứu khác. Nguyễn Đông Nhật - một người con của quê làng Giao Thủy, Đại Hòa, Đại Lộc khởi sự sáng tác từ cách đây 55 năm (năm 1969). Ngoài sách, ông cũng đã công bố riêng lẻ tới hơn 1.400 bài thơ và chừng 1.000 bài viết khác nhau.
Quê nhà trong “tiểu tiết” đời thường
Đặc trưng nổi bật trong sáng tác của Nguyễn Đông Nhật là ở cả thơ và văn xuôi đều phảng phất vị thiền, mang tính triết luận, giàu liên tưởng. Song hành và ẩn sâu trong những mật ngôn văn chương của ông, bao giờ cũng có hình bóng quê nhà.
Với tập thơ và tản văn “Dưới bóng quê nhà” được xuất bản lần này, đó càng là tất yếu. Đơn giản, “bữa cơm có chén mắm cà” (Thư gửi em) đột ngột hiện về nhớ thương; Có khi chỉ một khoảng “Trời xanh xưa. Con đường cong mái phố” (Thầm trách tháng năm) cũng gây thảng thốt hoài niệm. Không chỉ một lần, Nguyễn Đông Nhật tự dặn mình, tự cảnh báo mình về những mất mát, lạc trôi đã, đang và có thể xảy ra: “tôi tìm thấy tôi/ qua giọng nói xa xôi/ đang tự xóa mình. đau đớn” (Tam khúc).
Sáng tác của Nguyễn Đông Nhật “mạnh ở tiết tấu” - như nhận định của nhà thơ Đặng Huy Giang. Và có lẽ, còn mạnh ở chi tiết.
Yêu quê, nhớ quê, ông nghĩ về các “tiểu tiết” đời thường, tưởng dễ bị vụt trôi, bị bỏ quên nhưng hóa ra lại được ghi nhớ đậm sâu: “Những năm đi xa, thường kể với nhiều người bạn chưa từng đến Hội An về những bầy chim làm tổ nơi đầu hồi những mái nhà thấp, về “ngã tư quốc tế”, nơi đêm đêm có gánh cơm gà nổi tiếng ngày xưa của chú Xây; về món cao lầu ông Cảnh mà không nơi nào trên đất nước này có được hay tô hoành thánh tôm lừng danh của bà Hai Huế...” (Ai xa phố Hội).
Những nhớ thương ngọt lịm, cả sự đau đáu về mất mát, chia lìa khi trở về đứng trước dòng sông Thu Bồn của quê mẹ dấu yêu: “Sông cứ trôi đi. Như đời người. Như tôi/ Không buồn không vui. Như đời sông. Sông ơi...” (Trước sông quê). Cũng có thể là một hình ảnh mơ hồ, không rõ hình hài, nhưng là cả một quê hương trong thẳm sâu ký ức: “Ấy là đêm sâu giữa mộng không tròn/ thức giấc nhìn nghiêng khung cửa/ Mùa lá cũ chập chờn bên trí nhớ” (Quê nhà)...
Không cố tả, không cố định nghĩa về quê nhà, nhưng rồi trên từng trang viết của Nguyễn Đông Nhật, quê nhà hiện lên trọn vẹn và được định vị xứng đáng bằng những hình ảnh thật nhất, gần nhất, quen nhất. Rằng, “Quê hương/ nơi mặt đất kết liên những bàn tay/ nơi cánh cửa không khép mắt trước hoàng hôn biển/ nếp nhà bình dị dưới vòm trời cô đơn/ in bóng những đời người/ lặng lẽ chứng minh lời hy vọng/ nơi dòng sông và tấm lòng em/ khi dẫn tôi đi xa/ còn hẹn về nhớ nhung mùi hương bưởi...” (Đôi mắt quê hương).
Những “cái bóng thơm”
Trong gia tài văn chương và biên khảo được công bố trước đây, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật đã có nhiều bài thơ, bài viết, tiểu luận nói về phẩm chất, khí chất con người xứ Quảng, nhất là về các bậc chí sĩ, danh nhân.
Lần này, ở “Dưới bóng quê nhà”, ông lại tiếp tục làm những cuộc “hành hương chữ”, tìm về với các hiền nhân xứ Quảng trong sự kính trọng, ngưỡng mộ và tự hào.
Sau một chuyến về dâng hương mộ và nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, ông phát hiện ra rằng cụ Huỳnh không chỉ là một con người lịch sử ở một thời đoạn lịch sử nhất định mà còn là một “cái bóng thơm” tỏa bóng đến muôn sau: “sau khi đã lìa bỏ xác thân hữu hạn, vẫn tiếp tục để lại - lan rộng cái bóng thơm của mình trên những thế hệ kế tiếp. Làm sao có thể nói đó là sự mất đi?” (Những nén nhang không tắt).
Cũng bằng sự ngưỡng vọng thành kính ấy, nhà thơ Nguyễn Đông Nhật đã có những ngẫm ngợi về thời cuộc, lẫn dấn thân của các danh sĩ Hoàng Diệu, Phan Thành Tài, Nguyễn Duy Hiệu, Trần Quý Cáp; nhận ra ở những con người kiệt xuất ấy, “cái chết không lấy đi tất cả”. Cùng với đó là niềm tin, rằng “những cây nhang đã cháy hết kia sẽ lại còn được thắp lên từ tâm tưởng của các thế hệ kế tiếp” (Bàn tay sẽ xa mà lòng không tắt).
Nhà thơ Nguyễn Đông Nhật dành nhiều trang viết giàu tình cảm về quê mẹ Đại Lộc, hay Hội An nơi ông có thời gian dài gắn bó. Vẫn chủ yếu là những “tiểu tiết” đời thường, nhưng sâu đậm. Ví như, “trong tất cả những gì đã giúp anh trở thành một con người, có thật đậm dấu ghi của những thầy cô giáo của mình” (Một ngày tết cũ).
Ví như, giữa thao thức trăn trở nghĩ không dứt suốt cuộc người, lại rưng rưng và mừng vui nhận ra gương mặt bạn bè, người quen... chính là “những dấu vết còn ghi lại trên đất này, sau khi vượt qua bao khổ đau”, và tất cả sẽ “nhập vào Thời Gian Không Mất” (Nhịp chảy thời gian).
“Bóng quê nhà”, cứ thế lại đầy lên, tỏa mát và mãi mãi không mất đi, dù đó có khi chỉ là giọt nắng mơ màng: “Một chút nắng chiều nào xa/ còn vương lại trên hàng mi ấm” (Trăng).