Những trái anh đào đắng trên chiếc bánh đại dịch

TƯỜNG MINH 24/09/2020 10:06

(QNO) - Năm nào đó ở Gruzia, lần đầu tiên trong đời tôi nếm trải hương vị tuyệt vời của một chiếc bánh ngọt tráng miệng được gắn kèm những trái anh đào muối mặn. Đó là lúc tôi biết anh đào là tên gọi khác của trái cherry sang chảnh với vị chua ngọt mê đắm và ngoại hình đẹp đến từng xen ti mét.

Ánh mắt đờ dại của Lò Văn Lý trong những ngày bị mắc kẹt ở tâm dịch Đà Nẵng Ảnh: Tường Minh
Ánh mắt đờ dại của Lò Văn Lý trong những ngày bị mắc kẹt ở tâm dịch Đà Nẵng. Ảnh: TƯỜNG MINH

Tôi nhớ chiếc bánh ngọt là bởi hôm nay Dmitry Buriak - một người thầy, người thân của gia đình tôi từ nước Nga xa xôi, không mấy lạc quan, đã ví cảm giác của những ngày tháng đang sống chung với dịch Covid-19 là “những trái anh đào đắng trên chiếc bánh đại dịch”.

Rằng trái anh đào đắng trên chiếc bánh đại dịch này là mặc dù, Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã công bố một số tin tức lạc quan về một “mầm xanh hy vọng”, mà họ đã nhìn thấy trong những sự kiện đang diễn ra hiện nay.

Tuy nhiên, rất tiếc rằng, các số liệu thống kê thực tế về tỷ lệ mắc Covid-19 trên toàn cầu, lại cho thấy điều ngược lại. Các thông tin về việc nghiên cứu và phát triển thuốc kháng vi rút và vắc xin cũng không mấy khả quan.

Và rằng, không phải tất cả người dân trên hành tinh đều có thể có cơ hội tiếp cận với một loại thuốc hiệu quả, ngay cả khi nó đã được nghiên cứu ra. Chưa nói đến sự thật là tất cả những gì đã được công bố về vắc xin và thuốc đều không tính đến thực tế là vi rút có thể dễ dàng đột biến, và chỉ qua một đêm có thể khiến mọi nghiên cứu trước đó trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Đó không phải là những gì chúng ta thấy hàng năm trên ví dụ về bệnh cúm hay sao?

Những trái anh đào đắng, là khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong kỳ họp Chính phủ thường kỳ mới đây đã thừa nhận đã đến lúc chúng ta “phải sống chung hòa bình với dịch”. Và các cấp chính quyền, đã và đang có nhiều động thái cũng như triển khai các giải pháp để người dân sống chung với dịch Covid-19.

Những trái anh đào đắng, là Đà Nẵng buộc phải triển khai lấy mẫu đại diện cho toàn dân để tầm soát. Và trong lúc chập choạng giữa cái sống và sự chết, vẫn còn có người ý thức về sự khác biệt giai cấp nên đòi đặc quyền qua lời tâm sự rớm nước mắt của chị Nguyễn Thị Hồng Nga - kỹ thuật viên Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng về những ngày đêm xa nhà đi lấy mẫu của mình: “Đừng khó chịu, đừng la ó, đừng nói những lời khó nghe... Vì chúng tôi cũng chỉ là những con người bằng xương bằng thịt, chúng tôi kiên cường nhưng chúng tôi cũng dễ bị tổn thương, đặc biệt trong tình trạng làm việc căng thẳng và mệt mỏi, rất khó kiểm soát cảm xúc của mình. Có thể trong xã hội, các bạn có những vị trí khác nhau, trình độ khác nhau. Nhưng với chúng tôi, các bạn đều là đối tượng cần tầm soát. Vậy nên, làm ơn, hãy hợp tác! Để chúng tôi sớm được về với gia đình...”.

Hôm nay tiết Thu, những chậu hồng trên ban công nhà tôi đồng loạt nở hoa thơm nức nở nhưng hít mãi cũng không gọi được chính xác tên gì bởi quá nhiều loài khác nhau. Chỉ biết đó là một thứ nồng nàng dịu ngọt mê đắm, kiểu như thứ hương thơm tho mà trong Cựu ước từng viết là “Ngay cả Đấng Tạo Hóa cũng có được những quyết định sáng suốt sau khi ngửi nó”.

Vậy nên chẳng có gì lạ khi tôi cứ rạo rực muốn bước ra khỏi căn nhà “giãn cách” chật hẹp của mình để làm một điều gì đó mà không biết là sẽ làm gì. Chợt nhớ về một khoảnh khắc nào đó trước hiên một căn nhà trọ rách nát dành cho lao động tự do ở mạn Ngũ Hành Sơn trong những ngày thành phố bị phong tỏa.

Lô Văn Lý - một lao động bị mắc kẹt đến từ tận Quỳnh Hợp, Nghệ An, ngồi chống cằm nhìn ra đường, ánh mắt đờ dại. Anh lẩm bẩm một mình điều gì đó, tôi nghe như “Hùm xám” Bayern Munich sẽ vô địch Champions League mùa này và sau đó mấy hôm đúng là Bayern Munich vô địch Champions League thật.

Rồi ánh mắt Lý lại xa xăm, miệng lại hát, nhịp điệu đều đều như dân ca, lần này là tiếng của dân tộc anh, không phải tiếng Việt. “Anh hát gì thế?”. Lý lại cười, nói một bài hát của quê nhà, đại ý nỗi nhớ gái trai có thể khiến người ta quên mất mạng sống để lội suối trèo đèo tìm nhau cho bằng được.

“Em buồn và nhớ quá anh ạ”, giọng Lý nghe nặng như đá tảng đè xuống ngực. “Nó nhớ người yêu quá nên phát khùng, nói lảm nhảm suốt ngày, đừng nghe nó” - Lê Văn Cường, một người bạn của Lý thanh minh cho bạn. Lý sinh năm 1978, có 3 con gái và vừa lên chức ông ngoại thì vợ bỏ đi theo người khác. Lý thừa nhận sắp có vợ mới và cô ấy ngoài quê, đang mỏi mòn chờ mình...

Có lẽ cũng như tôi, những Lò Văn Lý ở thành phố này, họ lỡ hít nhầm một loài hương hay ho nào đó sau thời gian dài nếm phải “những trái đào đắng trên chiếc bánh đại dịch”…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những trái anh đào đắng trên chiếc bánh đại dịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO