Những tuyên truyền viên tâm huyết

LÊ DIỄM 10/11/2020 18:04

Bằng trách nhiệm và tâm huyết, những tuyên truyền viên ở cơ sở giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc vận động người dân tham gia vào chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện hiệu quả.

Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thanh Danh tặng giải thưởng động viên cho đại lý thu xuất sắc Hồ Thị Dũng. Ảnh: D.L
Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thanh Danh tặng giải thưởng động viên cho đại lý thu xuất sắc Hồ Thị Dũng. Ảnh: D.L

Heo nhựa đổi lương hưu

Từ năm 2007, bà Hồ Thị Dũng (xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) bắt đầu trở thành tuyên truyền viên của BHXH thị xã Điện Bàn ở khu vực xã Điện Trung. Tham gia công việc này, trước hết bà Dũng vận động cha mẹ mình tham gia BHXH tự nguyện. Đến nay, hai ông bà đều đã được hưởng lương hưu và được khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Từ chính cha mẹ mình, bà Dũng đã tuyên truyền, giải thích rõ những chế độ mà người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng với người dân và mang lại nhiều kết quả.

Trong tháng 10.2020 - tháng thi đua cao điểm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, các đại lý thu trong toàn tỉnh đã vận động được hơn 1.900 người tham gia BHXH tự nguyện. Như vậy đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có 10.990 người tham gia BHXH tự nguyện. Nhiều địa phương thực hiện tốt như Điện Bàn, Thăng Bình, Tam Kỳ. Trong 2 tháng còn lại của năm 2020, các đại lý thu trong toàn tỉnh được khuyến khích phát triển người tham gia vào chế độ BHXH tự nguyện và BHXH tỉnh sẽ có những chính sách hỗ trợ, khen thưởng kịp thời đối với các đại lý vận động hiệu quả.

Bà Dũng kể: “Từ năm 2007 đến nay, việc tuyên truyền chế độ BHXH tự nguyện với người dân được tôi thực hiện thường xuyên, nhưng người dân vì chưa hiểu lợi ích lâu dài, chỉ thấy trước mắt chưa có quyền lợi gì thì không tham gia. Gần đây, người dân bắt đầu quan tâm hơn đến chính sách này. Tôi thử nghiệm bằng cách mua heo đất để giúp người dân tích lũy ngay từ đầu. Chỉ cần mỗi ngày tiết kiệm từ 5.000 - 10.000 đồng, là đủ số tiền hàng tháng đóng BHXH tự nguyện, sau này tuổi cao sức yếu sẽ thấy được sự hữu ích”. 

Ban đầu, bà Dũng phát 100 heo đất cho những người có khả năng tham gia chế độ BHXH tự nguyện, sau tăng dần lên con số hơn 300 con có dán logo, thông điệp của BHXH tự nguyện, số điện thoại của đại lý thu. Mỗi tháng, đội ngũ cộng tác viên của bà Dũng có 4 người đến từng nhà người dân được phát heo. Người nào đã tham gia thì cộng tác viên đến để thu tiền đóng hàng tháng, người nào chưa tham gia thì đến để thăm hỏi, vận động.

Cứ thế, bà Dũng cùng với các cộng tác viên kiên trì, giúp người dân hiểu rằng BHXH tự nguyện như một khoản tiết kiệm, giúp họ khi không làm việc được nữa có lương hưu, tham gia với khoản tối thiểu cũng giúp họ có được chi phí sinh hoạt hàng ngày. Sự kiên trì đã mang lại kết quả thiết thực, đến nay toàn xã Điện Trung đã có 184 người tham gia chế độ BHXH tự nguyện. Theo kế hoạch vào ngày đại đoàn kết toàn dân 18.11 sắp tới, bà Dũng cùng cộng tác viên sẽ đến tất cả khu dân cư trong xã để phát heo đất giúp người dân có khoản tiết kiệm để tham gia BHXH tự nguyện.

Không bỏ cuộc

Với người dân ở xã Bình Triều (huyện Thăng Bình), chế độ BHXH tự nguyện được xem là mới mẻ. Vì thế lúc bà Nguyễn Thị Thu Hằng bắt đầu tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào chính sách này, họ không mặn mà. Bởi chế độ BHXH hiện nay người dân đóng vào, nhưng đãi ngộ ngắn hạn chưa có, chỉ có lúc đủ điều kiện mới được hưởng lương hưu. Người dân chưa thấy được lợi ích trước mắt, mà thời gian chờ để hưởng lâu, nên ít quan tâm. Bà Hằng nhìn thấy được tâm lý e ngại của người dân, nên tìm cách tuyên truyền phù hợp.

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng gặp từng người dân để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: D.L
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng gặp từng người dân để tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện. Ảnh: D.L

Bà Hằng chia sẻ: “Khi tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện cho người dân, tôi xác định đây là công việc lâu dài theo kiểm “mưa dầm thấm lâu”, chứ không chỉ ngày một ngày hai. Trước tiên phải nói cho họ hiểu thế nào là BHXH tự nguyện, phân tích rõ những điểm ưu và cả những điểm khuyết trong tương lai sẽ được sửa đổi để họ có sự so sánh. Giải thích rõ giúp người dân hiểu rằng đây là chính sách an sinh của Nhà nước và có sự hỗ trợ nhất định. Tôi đến từng nhà, gặp từng người và để họ có thời gian suy nghĩ, chọn lựa. Không ngờ sau hơn một tháng đi vận động, người dân đã tìm đến để hỏi kỹ hơn, và nhiều người trong xã đã quyết định tham gia vào chính sách ngay trong tháng 10.2020”. 

Bà Hằng dựa vào hoàn cảnh của từng người, từng gia đình để vận động người dân tham gia ở mức nào cho phù hợp với điều kiện hiện có. Trong vòng một tháng, riêng bà Hằng đã vận động được 143 người tham gia vào chính sách BHXH tự nguyện. Và cũng còn nhiều người đã tiếp tục hỏi về chính sách này, hứa với bà Hằng sẽ tiết kiệm để trong 2 tháng còn lại của năm 2020 có thể tham gia vào chính sách, xem như một khoản tiết kiệm mỗi ngày để về già có được lương hưu.

Ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động

Từ ngày 10.11, ứng dụng BHXH số trên nền tảng thiết bị di động (ứng dụng VssID) sẽ bắt đầu được cung cấp thử nghiệm kho ứng dụng Google Play (cho thiết bị sử dụng hệ điều hành Android) và AppStore (cho thiết bị sử dụng hệ điều hành IOS của Apple). Đây là một tài khoản giao dịch điện tử với cơ quan BHXH của mỗi cá nhân. Do ứng dụng cung cấp các thông tin mang tính bảo mật cá nhân như thông tin về thẻ BHYT; quá trình tham gia, thụ hưởng chế độ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; lịch sử khám chữa bệnh BHYT... nên yêu cầu bắt buộc chỉ có bản thân chủ tài khoản mới có thể tra cứu, khai thác thông tin trên. Đồng thời BHXH Việt Nam tiến tới tích hợp các dịch vụ công, dịch vụ thanh toán trực tuyến dành cho cá nhân trên ứng dụng VssID, nên yêu cầu bắt buộc phải có tài khoản được xác thực tương tự như tài khoản ngân hàng mới có thể đăng nhập và sử dụng ứng dụng.

Cá nhân khi sử dụng ứng dụng VssID phải dùng mã số BHXH để đăng nhập. Ứng dụng chỉ cho phép đăng nhập một tài khoản trên một thiết bị ở cùng một thời điểm. Khi đăng nhập tài khoản vào thiết bị thứ hai, ứng dụng sẽ có cảnh báo, nếu người dùng lựa chọn tiếp tục đăng nhập ở thiết bị thứ hai, ứng dụng sẽ yêu cầu nhập mã OTP được gửi đến số điện thoại của người dùng đã đăng ký trước đó, đồng thời tài khoản này sẽ bị thoát khỏi ứng dụng trên thiết bị thứ nhất. Với chức năng này, sẽ giúp ngăn chặn việc cài đặt và sử dụng thẻ BHYT trên nhiều thiết bị cùng lúc. Ứng dụng VssID còn cung cấp các tiện ích tra cứu như mã số BHXH; cơ quan BHXH; cơ sở khám chữa bệnh cấp giấy nghỉ hưởng chế độ BHXH; cơ sở khám chữa bệnh ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT; đơn vị tham gia BHXH; điểm thu, đại lý thu… Ứng dụng sẽ bật chế độ hỗ trợ trực tuyến 24/7 (Chatbot, tổng đài hỗ trợ, email, câu hỏi thường gặp). Những tin tức hoạt động ngành BHXH, các video về chế độ, chính sách... Ứng dụng VssID sẽ hướng tới tích hợp: thẻ BHYT, sổ BHXH “điện tử”; dịch vụ công; tiện ích thanh toán trực tuyến. (D.LỆ)

Tặng thẻ BHYT cho người dân miền Trung

BHXH Việt Nam đã quyết định trích khoảng 2 tỷ đồng từ Quỹ hoạt động tình nghĩa của ngành BHXH để trao tặng thẻ BHYT cho người dân tại các vùng bị thiệt hại do bão, lũ ở miền Trung. Chương trình dự kiến tặng thẻ BHYT cho người thuộc diện tham gia BHYT hộ gia đình (mà chưa tham gia BHYT) tại 10 tỉnh, thành phố bị thiệt hại do bão lũ, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Kon Tum. Mỗi tỉnh, thành phố được tặng tối đa 250 thẻ BHYT, trong đó ưu tiên các địa phương bị thiệt hại nặng nhất. Phương thức là mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn 3 huyện, mỗi huyện lựa chọn tối đa 5 xã, mỗi xã lựa chọn từ 15 đến 30 người thuộc hộ gia đình bị thiệt hại nặng nhất để tiến hành tặng thẻ BHYT.

Đây là món quà ý nghĩa, thiết thực của ngành BHXH nhằm chung tay, đóng góp ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ. Đồng thời là dịp để lãnh đạo ngành BHXH Việt Nam thăm hỏi bà con vùng lũ và nắm bắt tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHYT tại các địa phương, từ đó có giải pháp hỗ trợ kịp thời cho hoạt động của BHXH đáp ứng nhu cầu của người dân, đảm bảo an sinh xã hội. (H.LINH)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những tuyên truyền viên tâm huyết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO