Thế giới

Ấn Độ và Đông Nam Á: Điểm đến của chuỗi cung ứng

NAM VIỆT 09/05/2024 16:55

(QNO) - Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á nổi lên như những điểm đến thay thế hấp dẫn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

chuoi-cung-ung.jpg
Nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô ở bang Rajasthan của Ấn Độ - nơi đang trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Asia.nikkei

Khảo sát của mạng lưới PwC cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu ngày càng tìm đến Ấn Độ và Đông Nam Á khi các công ty tìm cách quản lý chi phí cung ứng, giảm thiểu rủi ro cũng như đa dạng chuỗi cung ứng trên toàn cầu.

Cụ thể, trong thập kỷ tới, Ấn Độ sẽ trở thành mắt xích quan trọng thứ ba trong chuỗi cung ứng của các công ty, tăng từ vị trí thứ tư. Đông Nam Á cũng tăng một bậc trong thứ tự chuỗi cung ứng, lên vị trí thứ năm.

Nghiên cứu của PwC cho biết: "Đông Nam Á sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ việc tái cân bằng trong lĩnh vực sản xuất điện tử. Ấn Độ sẽ hưởng lợi trong lĩnh vực sản xuất điện tử, dược phẩm và thiết bị y tế".

Dù Trung Quốc và Mỹ có thể vẫn giữ vai trò quan trọng nhất nhì trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng các doanh nghiệp lớn đang thúc đẩy tái cân bằng hoạt động để tăng cường khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và tránh trở nên phụ thuộc quá mức vào một thị trường duy nhất.

Với việc các công ty đang tìm kiếm địa điểm thay thế, các địa điểm như Ấn Độ hay trong khu vực Đông Nam Á bao gồm Việt Nam sẽ có lợi.

Ngược lại, Nam Á và Đông Nam Á là nơi có dân số đông và nền kinh tế đang phát triển có thể mang lại cơ hội sinh lời cho các công ty đa quốc gia. Ấn Độ có hơn 1,4 tỷ dân, Đông Nam Á có hơn 650 triệu dân.

Tăng trưởng nhanh chóng tại khu vực Đông Nam Á tạo nên một thị trường nội địa rộng lớn. Tiêu dùng nội địa ở khu vực dự đoán đạt 4.000 tỷ USD vào năm 2031. Năm 2022, dòng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào khu vực đạt mức kỷ lục 224 tỷ USD - chiếm 17% vốn FDI toàn cầu và tăng gấp đôi so với 4 năm trước đó.

Trong khi đó, Ấn Độ thu hút trung bình 70 tỷ USD nguồn FDI mỗi năm trong vòng 5 năm qua. Quốc gia đông dân nhất hành tinh này đặt mục tiêu thu hút 100 tỷ USD vốn FDI mỗi năm trong vòng 5 năm tới.

s.jpg
Cảng Singapore - một trong những cảng biển bận rộn nhất thế giới. Ảnh: Blomberg

Theo khảo sát của PwC, gần 50% trong số 150 giám đốc điều hành cấp cao trên khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ cho biết việc tăng cường khả năng phục hồi cũng như tái cân bằng hoạt động của chuỗi cung ứng là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp nếu không muốn gặp nhiều rủi ro.

Ông Sidharta Sircar - đối tác của PwC Singapore tập trung vào tăng trưởng quốc tế, khẳng định: "Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp rõ ràng đang ưu tiên nhu cầu tái cân bằng chuỗi cung ứng và giúp công ty trở nên kiên cường hơn trước những áp lực bên ngoài.

Điều này cũng mang đến cơ hội tăng trưởng đáng kể cho các thị trường trọng điểm tận dụng bằng cách thu hút đầu tư và tăng cường sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu".

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ấn Độ và Đông Nam Á: Điểm đến của chuỗi cung ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO