(VHQN) - Ba câu chuyện liên quan đến áo dài của một nhà hoạt động xã hội, một cô giáo và một chủ tiệm may sẽ chấm phá thêm cho bức tranh về chiếc áo dài ở bối cảnh hiện tại.
Áo dài ở Chợ Quê
Sài Gòn có một cái chợ phiên gọi là Chợ Quê, chỉ họp sáng Chủ nhật hàng tuần tại số 7 Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. Các “tiểu thương” ở đây đều mặc áo dài, khách đi chợ cũng thường xuyên mặc áo dài.
Người khởi xướng phiên chợ quê trong những tà áo dài là chị Nguyễn Thị Thanh Thúy - Hội trưởng Hội quán các bà mẹ. Thúy có lẽ là một trong những người mặc áo dài thường xuyên nhất của Sài Gòn. Hội quán các bà mẹ có mặt lâu đời ở Sài Gòn, bền bỉ vận động các chị em, không chỉ trong hội, mặc áo dài như một thói quen thường nhật.
Chị Thanh Thúy cũng là người khởi xướng chương trình Áo dài chuyền tay - dự án nhận và trao những bộ áo dài, giúp cho vòng đời của chiếc áo dài “sống” được lâu hơn. Dự án đã vận hành hơn 10 năm qua.
Áo dài chuyền tay lúc đầu đi xin hoặc nhận áo dài của những cô giáo về hưu, rồi tặng lại cho các cô giáo nghèo hoặc mới ra trường chưa có điều kiện sắm. Lâu dần, đối tượng áo dài được tặng mở rộng hơn cho nhiều cô dì đi làm sui, đi đám cưới...
Chị Thúy cho rằng, mặc áo dài còn góp phần thúc đẩy an sinh. Hội quán các bà mẹ cũng là nơi tiếp nhận, tiếp thị các sản phẩm của nhiều làng lụa, thổ cẩm; nhiều thợ may cắt, thêu áo dài là người khuyết tật và những người thợ thêu tay ngày càng ít đi ở đô thị.
Tình yêu áo dài có từ mẹ, một người thợ dệt ở khu Bảy Hiền những năm xưa truyền sang chị. Và nay, cô con gái đang lớn của chị Thúy cũng “lây” niềm yêu thích đó một cách rất tự nhiên. Với mẹ con chị Thúy, chiếc áo dài đã là trang phục thường ngày.
Chuyện cô giáo 27 năm mặc áo dài
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Duyên, giáo viên tiếng Anh - Trường THPT Nguyễn Hiền (huyện Duy Xuyên) vừa tổ chức một cuộc thăm dò bỏ túi với học trò của mình.
“Khi được hỏi về tà áo dài truyền thống, tất cả học sinh lớp 11/8 tôi chủ nhiệm đều đồng ý áo dài là trang phục đẹp nhất của phái nữ, các em thích nhìn các cô giáo mặc áo dài hơn mặc âu phục.
Hơn 50% nữ sinh cho biết các em thích mặc áo dài trong các dịp lễ, du xuân; nhưng thật bất ngờ, đến 95% nữ sinh lớp 11/8 cho biết các em không thích mặc áo dài đi học. Các em nêu những lý do như: không chạy nhảy được, không thoải mái khi cử động, khó khăn khi di chuyển, và áo dễ bị dơ” - cô Duyên nói.
Cũng những câu hỏi này, khi cô giáo Duyên mang hỏi các em học sinh lớp 10/1, nhận được câu trả lời tương tự. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến rằng rất vui khi được mặc áo dài lần đầu, nhưng khi mặc áo dài thêm những lần sau thật sự thấy bất tiện, vướng víu trong quá trình di chuyển. Học trò ấy còn cho rằng tuy áo dài giúp tôn hình thể, nhưng đồng thời áo dài cũng làm lộ rõ thêm khuyết điểm hình thể của một số bạn nữ.
“Khoảng hơn hai phần ba các cô giáo trường tôi cũng ngại mặc áo dài đi dạy hàng ngày, dù các cô đồng ý rằng các cô đẹp hơn khi mặc áo dài. Tôi là một trong số ít ưu tiên cho cái đẹp, chỉ cần đẹp là mình chịu khó. 27 năm đi dạy, tôi vẫn mặc áo dài suốt những buổi lên lớp. Áo dài là trang phục khiến tôi tự tin nhất khi xuất hiện trước mọi người” - cô Duyên chia sẻ.
Và cô giáo này nêu quan điểm, ai mặc áo dài cũng trở nên đẹp hơn, từ người già đến em bé. Tuy nhiên, không ít cô, chị thấy bất tiện khi mặc áo dài. Người mặc áo dài bước đi cũng phải chậm rãi, thong dong, nếu bước vội sẽ có khả năng vấp té do tà áo và ống quần rộng làm vướng víu.
“Để khắc phục, tôi thường chọn áo dài cách tân, tà áo ngắn hơn, ống quần nhỏ và ngắn hơn, may rộng rãi hơn, chọn chất liệu co giãn nhẹ để dễ cử động và phù hợp với công việc đi lại nhiều hàng ngày.
Hiện nay có trào lưu áo dài linen thêu tay, dáng áo không quá ôm, không chít eo, mặc thoải mái và có nét đẹp mộc mạc, dễ thương. Các cô tiếp viên hàng không hãng Vietnam Airlines chẳng phải vẫn rất năng động và xinh đẹp trong tà áo dài đó sao?” - cô Duyên chia sẻ thêm.
Chuyện một cửa hiệu thời trang cho du khách Nhật
Cửa hàng thời trang Mangrove trên đường Mạc Thị Bưởi, TP. Hồ Chí Minh gần 30 năm nay là nơi lui tới của du khách Nhật chọn may áo dài.
Ông Vắn Nhật Bíu, chủ tiệm, kể chuyện thường gặp: nếu du khách Nhật đến tiệm cùng với bạn người Việt thì y như rằng, người bạn Việt sẽ tư vấn cho bạn Nhật, yêu cầu tiệm cắt may đo theo kiểu áo dài truyền thống, nghĩa là chít eo, ôm tôn dáng, tà dài... Sau đó khi nhận áo, người khách Nhật sẽ mặc cho vui lòng bạn rồi sẽ một mình quay trở lại tiệm một lần nữa để yêu cầu may rộng ra hơn.
Du khách Nhật rất thích mặc áo dài nhưng phải thoải mái trong các hoạt động thường ngày. Họ thường chọn may áo dài cách tân, hoặc là dài quá gối nhưng không thích tà dài chạm gót, thích có cổ chứ không thích cổ thuyền, không chít eo.
Cách họ thử chiếc áo mới mặc vào có ưng ý hay không là... dang tay lên, vươn vai tới lui, khoác tay xem có bị vướng víu ở nách không. Hễ thấy thoải mái là được. Ông Bíu kể mình từng khá sốc khi thấy phụ nữ Nhật diện áo dài của tiệm mình với giày thể thao, nhưng nhìn riết cũng quen và thấy cũng đẹp.
Ông chủ tiệm cười, may riết cho khách Nhật nên thợ của tiệm không trở lại may theo kiểu áo dài thông thường được. Ông cho biết khách Nhật rất thích áo dài thêu tay, và lấy làm mừng vì giúp ổn định sinh kế cho những người thợ quen mấy chục năm qua. Một công việc đang mai một khi Sài Gòn ngày càng hiếm thợ thêu tay lành nghề.
“Nhìn người Nhật mặc chiếc áo truyền thống Việt đi lại tham quan, tôi vui lắm. Thử nghĩ xem, chiếc áo truyền thống kimono của họ có muốn cũng đâu thể mặc thoải mái trong đời sống được như áo dài. Tôi thích sự cách tân. Chừng nào người ta nhìn chiếc áo dài mà hỏi đó là áo gì, thì mới đáng lo” - ông Bíu nói.