Giáo dục - Việc làm

Áp lực tuyển sinh đầu cấp ở hai vùng đô thị Quảng Nam

XUÂN PHÚ - VĨNH LỘC - TƯỜNG VY 26/08/2024 08:33

Tuyển sinh đầu cấp ở một số địa bàn vùng Đông thị xã Điện Bàn hoặc trung tâm đô thị TP.Tam Kỳ thời gian qua đối mặt với áp lực rất lớn khiến cho trường lớp, đội ngũ không đáp ứng nhu cầu do tăng dân số cơ học quá nhanh, phá vỡ kế hoạch. Trong khi đó việc đưa ra giải pháp cũng cần lộ trình, không thể ngày một ngày hai...

nd.jpg

Quá tải...

Quá tải tuyển sinh, chật vật trong bố trí công tác dạy và học là thực trạng kéo dài ở hai ngôi trường trung tâm đô thị, vùng tập trung đông dân số là Trường THPT Lương Thế Vinh (Điện Bàn) và THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) và dự tính sẽ tiếp tục tăng trong năm học tới.

Áp lực lớn

Tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024 - 2025, dù có một lượng lớn học sinh (HS) trên địa bàn vùng Đông thị xã Điện Bàn (chủ yếu là phường Điện Dương) đã được khuyến khích về học tại các trường THPT ở Hội An nhưng Trường THPT Lương Thế Vinh (Điện Bàn) vẫn phải “gánh” hơn 800 HS đăng ký.

Theo đó, nhà trường tuyển 656 HS vào lớp 10 và được biên chế thành 16 lớp, tăng 1 lớp so với năm học 2023 - 2024. Như vậy, năm học này nhà trường có 1.856 HS với 46 lớp, so với năm học trước tăng 3 lớp và là trường học có quy mô, số lượng lớp nhiều nhất tỉnh.

Trường THPT Lương Thế Vinh không còn chỗ để tăng số lượng học sinh. Ảnh: X.P

Thầy Lê Văn Ngạt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết những năm qua luôn đối mặt với áp lực trong tuyển sinh lớp 10 khi số HS liên tục tăng, bình quân mỗi năm tăng 3-4 lớp. Để phục vụ yêu cầu giảng dạy, nhà trường phải sắp xếp, tận dụng hết mọi cơ sở vật chất và đội ngũ hiện có nhưng rất khó khăn, nhất là trong công tác nâng cao chất lượng.

Theo UBND thị xã Điện Bàn, dân số vùng Đông địa phương này thời gian qua phát triển rất nhanh do nhiều người ở các các nơi tập trung về làm việc ở khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc và các khu đô thị mới hình thành dẫn đến số lượng HS tăng nhanh chóng đã tạo áp lực rất lớn lên tất cả các cấp học.

Với THPT, toàn vùng chỉ có một trường THPT phục vụ nhu cầu học tập cho con em 5 phường phía đông thị xã. Chưa kể, nhiều người từ miền Nam trở về tránh dịch COVID-19 ở lại luôn để làm ăn, sinh sống nên con em chuyển về học tập làm gia tăng số lượng HS.

Do đó, Trường THPT Lương Thế Vinh không thể thu nhận hết số HS vào lớp 10 và địa phương phải đề xuất phương án phân tuyến, động viên một số em vùng giáp ranh có điều kiện thuận lợi trong việc đi lại đăng ký vào các trường THPT ở Hội An để học tập. Điều đó giúp giải quyết phần nào áp lực tuyển sinh cho Trường THPT Lương Thế Vinh.

Với việc số lượng HS tăng liên tục trong những năm gần đây song không theo kế hoạch do tăng dân số cơ học khiến cho cơ sở trường lớp, đội ngũ luôn phải “chạy theo”. Thầy Ngạt lo ngại, với số HS lớp 9 năm học này khá đông, dự kiến năm học 2025 - 2026, vùng Đông Điện Bàn sẽ tăng 9-10 lớp 10, nên nguy cơ vỡ trận trong tuyển sinh lớp 10 của trường là chắc chắn.

Chưa kể, năm học tới tổ chức thi tuyển sinh lớp 10, vì là trường có điểm chuẩn đầu vào thấp hơn các trường khác trên địa bàn nên nhiều khả năng số lượng HS đổ về đăng ký Trường THPT Lương Thế Vinh sẽ rất lớn, càng tạo áp lực hơn nữa.

Loay hoay

Trong khi các trường học khác trên địa bàn đã hoàn thành công tác tuyển sinh đầu cấp thì Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) đến cận ngày tựu trường vẫn còn rối bời. Dù đã biên chế lớp học nhưng một số trường hợp HS diện tạm trú nhà trường vẫn chưa nhận hồ sơ và động viên phụ huynh đăng ký tuyển sinh sang trường khác.

Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) vất vả trong tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Ảnh:X.P
Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) vất vả trong tuyển sinh năm học 2024 - 2025. Ảnh:X.P

Hiệu trưởng Lê Công Thông giải thích, trước khó khăn trong tuyển sinh lớp 6 của trường khi số lượng HS quá đông vượt khả năng đáp ứng, ngày 16/8, UBND TP.Tam Kỳ họp và thống nhất cho phép HS phường Hòa Thuận và Tân Thạnh nếu có nhu cầu học tại Trường THCS Lê Hồng Phong gần nhà được rút hồ sơ chuyển sang đăng ký học. Sau khi nhà trường thông báo, đã có một số trường hợp rút hồ sơ chuyển trường.

Theo kế hoạch tuyển sinh năm học 2024 - 2025, Trường THCS Nguyễn Du tuyển 11 lớp 6 với khoảng 500 HS. Thế nhưng thực tế có đến 580 trường hợp đăng ký; trong đó ngoài HS trong danh sách phổ cập của 2 địa phương Tân Thạnh và Hòa Thuận, còn có 140 HS ngoài danh sách phổ cập song cư trú tại địa phương.

Theo thầy Thông, đây là những trường hợp do điều tra phổ cập sót hoặc chuyển đến địa bàn cư trú sau thời điểm điều tra phổ cập (tháng 10/2023), hoặc tạm trú… Tất cả trường hợp này đều được Ban nhân dân khối phố, UBND phường Tân Thạnh và Hòa Thuận xác nhận thông tin cư trú hợp pháp trên địa bàn.

Trước việc số lượng HS đăng ký quá đông, thành phố quyết định cho phép trường tuyển 12 lớp, tăng 1 lớp so với kế hoạch. Thực tế, cũng không thể mở thêm lớp được nữa vì không còn phòng học, nhà trường phải lấy cả phòng bộ môn để dạy và các lớp cũng đã có sĩ số vượt quy định 45 HS/lớp.

Thầy Lê Công Thông - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du

Sau khi hoàn thành tuyển sinh 12 lớp 6 năm học 2024 - 2025, Trường THCS Nguyễn Du có tổng cộng 46 lớp với gần 2.300 HS. Tuy nhiên, trong năm học tới rất đáng lo khi số HS của trường sẽ tăng rất nhiều.

“Năm học vừa qua có 12 lớp 9 ra trường nên tuyển 12 lớp 6 coi như thay thế, vẫn có thể đáp ứng chỗ học dù phải xoay xở. Nhưng kế hoạch năm học tới, địa bàn tuyển sinh của trường lên đến 12 lớp 6 trong khi chỉ có 7 lớp 9 ra trường do đây là năm Dần nên người dân ít sinh con. Khi đó, tổng số số lớp toàn trường sẽ tăng lên con số 51, hoàn toàn không có chỗ để học” - thầy Thông nói.

Nan giải bài toán gia tăng học sinh

Vùng Đông thị xã Điện Bàn luôn là điểm nóng về tuyển sinh đầu cấp khi số lượng học sinh liên tục gia tăng qua từng năm khiến hạ tầng trường lớp không đáp ứng kịp.

Quá tải học sinh

Dự kiến, năm học 2024 - 2025 này, Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (phường Điện Ngọc, Điện Bàn) có 44 lớp học với 1.851 học sinh. Thầy Đào Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc cho biết, kế hoạch ban đầu sẽ phân chia số học sinh này thành 46 lớp nhưng do thiếu phòng học và giáo viên nên năm học 2024 - 2025 phải chia thành 44 lớp, bình quân 43-44 học sinh/lớp (quy định của Bộ GD-ĐT mỗi lớp khối THCS không quá 40 học sinh).

Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc đang đối diện áp lực quá tải học sinh. Ảnh: V.L

Trong vòng 5 năm trở lại đây, mỗi năm Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc tăng 2-5 lớp, riêng năm ngoái tăng 5 lớp (khoảng 250 học sinh), còn năm học 2024 - 2025 này tăng thêm 3 lớp (khoảng 130 học sinh).

Năm 2023, thị xã Điện Bàn có kế hoạch xây thêm 8 phòng học và 1 hội trường, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai thi công. Nhằm đáp ứng nhu cầu dạy học, năm học này nhà trường đã cải tạo, tận dụng các phòng bộ môn, chức năng mới để đủ phòng cho học sinh học.

Việc gia tăng học sinh kéo theo rất nhiều vấn đề, đó không chỉ là trường lớp mà còn là giáo viên, cơ sở vật chất, thậm chí, nhà trường phải đầu tư nâng cấp khu vệ sinh để đáp ứng nhu cầu gia tăng học sinh.

Thầy Đào Văn Quang - Hiệu trưởng Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc

Năm học này Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc phải hợp đồng thêm 12 giáo viên mới đủ đứng lớp.

Năm học 2024 - 2025, thị xã Điện Bàn có 69 trường công lập thuộc 3 cấp mẫu giáo, Tiểu học và THCS với 40.963 học sinh, được sắp xếp vào 1.216 lớp học. Riêng vùng Đông Điện Bàn (Điện Ngọc, Điện Dương, Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, Điện Nam Bắc) có 5 trường THCS, 5 trường tiểu học (TH) và 5 trường mẫu giáo, đây cũng là khu vực chịu áp lực nhất từ số lượng học sinh gia tăng hàng năm.

Cần nguồn lực lớn đầu tư xây trường

Áp lực gia tăng học sinh khu vực vùng Đông Điện Bàn không phải câu chuyện mới mà đã kéo dài hàng chục năm nay. Bà Trần Thị Thanh Vân - Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Điện Bàn thông tin, ngoài 2 trường TH là Phan Ngọc Nhân (phường Điện Nam Bắc) và Nguyễn Phan Vinh (Điện Nam Trung) tương đối quá tải, các trường TH còn lại có số lượng học sinh ổn định. Tuy nhiên, khối THCS vẫn đối diện áp tăng lớp, trong khi nguồn lực nhà nước chưa thể hỗ trợ đầu tư xây mới trường lớp được.

Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc phải sửa chữa, cải tạo lại phòng chuyên môn mới đủ phòng học cho học sinh. Ảnh: V.L

Theo lãnh đạo UBND thị xã Điện Bàn, thời gian qua việc đầu tư hạ tầng trường lớp luôn được địa phương quan tâm. Riêng giai đoạn 2021 - 2023, bằng nguồn kinh phí chi thường xuyên, Điện Bàn đã hỗ trợ nâng cấp, sửa chữa khá nhiều trường khu vực vùng Đông.

Điển hình, tại phương Điện Ngọc, trong các năm 2022 - 2023 thị xã đã đầu tư hàng tỷ đồng sửa chữa một số trường như Trường TH Phạm Như Xương (năm 2023), tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng. Đầu tư xây dựng Trường TH Lê Hồng Phong (năm 2022 và 2023), tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng. Thay mới, sửa chữa một số hạng mục THCS Dũng sĩ Điện Ngọc (năm 2023), tổng kinh phí 900 triệu đồng.

Đặc biệt, Trường THCS Dũng sĩ Điện Ngọc cũng đã được HĐND thị xã quyết nghị chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 33 ngày 5/12/2023 và bổ sung vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 (kinh phí 9 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thị xã).

Hiện, công trình đã được phê duyệt kinh tế kỹ thuật và tổ chức đấu thầu, nguồn vốn đã phân bổ để thực hiện dự án là 2,5 tỷ đồng. Dự kiến, công trình sẽ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng năm 2025.

Dù vậy, do nguồn thu ngân sách Điện Bàn năm 2024 dự kiến hụt khoảng 878 tỷ đồng nên việc đầu tư, xây dựng một số trường trên địa bàn sẽ gặp những khó khăn nhất định.

tr3.jpg
Trường THPT Lương Thế Vinh là ngôi trường cấp 3 duy nhất ở vùng Đông Điện Bàn. Ảnh: V.L

Bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thừa nhận, vấn đề cấp thiết nhất hiện nay chính là đầu tư xây dựng mới thêm một trường THPT tại vùng Đông nhằm giảm áp lực quá tải cho Trường THPT Lương Thế Vinh.

Thời gian qua, UBND thị xã cũng đã lập đề án trình UBND tỉnh, đề xuất xây thêm một trường THPT tại phường Điện Ngọc, tổng diện tích 9ha. Đề án đang được UBND tỉnh thẩm định, HĐND tỉnh cũng đã có thông báo thống nhất thành lập thêm một Trường THPT mới tại vùng Đông, hy vọng giai đoạn 2026 - 2030 sẽ triển khai thi công, qua đó góp phần giải tỏa bài toán gia tăng học sinh THPT khu vực vùng Đông trong những năm tới.

Cấp thiết mở thêm trường mới

Trước tình hình tuyển sinh gặp khó khăn của các trường, ngành GD-ĐT và các địa phương có giải pháp gì để khắc phục, vừa đảm bảo quyền lợi của học trò, vừa góp phần nâng cao chất lượng giáo dục?

Phân tuyến chỉ là giải pháp tạm thời

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giai đoạn vừa qua mạng lưới trường lớp cũng được sắp xếp, mở rộng, thành lập thêm nhiều trường học các cấp, nhất là trường THPT để đáp ứng nhu cầu.

Chẳng hạn, tại Tam Kỳ thành lập Trường THPT Duy Tân, huyện Núi Thành thêm THPT Nguyễn Huệ và mới nhất huyện Duy Xuyên có thêm Trường THPT Hồ Nghinh. Tuy nhiên, ở các địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển công nghiệp mạnh mẽ ở vùng Đông như Điện Bàn, Thăng Bình, đến thời điểm này việc tuyển sinh đầu cấp gặp nhiều khó khăn.

Do số lượng HS tăng quá nhiều nên sĩ số HS/lớp của Trường THCS Nguyễn Du vượt quy định. Ảnh: X.P

Tại Điện Bàn thật ra không phải năm nay mà nhiều năm gần đây, công tác tuyển sinh lớp 10 đối với Trường THPT Lương Thế Vinh đều gặp vướng mắc khiến Sở GD-ĐT phải vào cuộc giải quyết. Trường thành lập năm 1998 và sau đó liên tục mở rộng quy mô nhưng quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu do số lượng HS vùng Đông của thị xã tăng đột biến.

Theo ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD-ĐT, cứ đến mùa tuyển sinh lớp 10 sở phải làm việc với thị xã Điện Bàn và TP.Hội An để giải quyết chỗ học cho học trò bằng cách phân tuyến các em Điện Bàn ở vùng giáp ranh sang Hội An học tập. Nhưng sau đó vẫn còn giải quyết tuyển bổ sung cho Hội An, như mới đây có kiến nghị của phụ huynh và chính quyền Hội An.

Trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ xây dựng mới 1 trường THPT tại vùng Đông Điện Bàn để giảm tải bớt áp lực tuyển sinh lên Trường THPT Lương Thế Vinh và 1 trường tại khu vực Điện Thắng.

Huyện Duy Xuyên sẽ xây dựng mới 1 trường THPT tại vùng Duy Hải - Duy Nghĩa nơi đang phát triển trở thành đô thị. Về quy hoạch trường THPT vùng Đông Điện Bàn, UBND thị xã Điện Bàn đã lập đề án thành lập trường và Sở GD-ĐT thành lập hội đồng với sự tham gia của các ngành, tổ chức thẩm định, góp ý đề án.

“Hiện nay đang chờ Điện Bàn điều chỉnh đề án sau khi hội đồng thẩm định góp ý và giải quyết thêm vấn đề quy hoạch diện tích đất cho ngôi trường. Về đầu tư xây dựng sẽ đưa vào kế hoạch đầu tư công 2026 - 2031 và sớm nhất đến năm 2028 mới có trường” - ông Tường nói.

Bao giờ thành lập Trường THCS Hòa Thuận?

Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) đảm nhận tuyển sinh phường Tân Thạnh và Hòa Thuận, đây là địa bàn dân số thuộc loại đông nhất thành phố và có sự gia tăng dân số cơ học hàng năm rất lớn. Phường Tân Thạnh cũng là địa phương duy nhất của thành phố quy hoạch 2 trường tiểu học mới đáp ứng nhu cầu học tập của HS. Vì vậy, áp lực tuyển sinh lớp 6 lên Trường THCS Nguyễn Du trong thời gian qua là điều không ngạc nhiên.

Cần sớm thành lập trường THPT vùng Đông Điện Bàn để giải quyết nhu cầu học tập, không phải phân tuyến các em HS Điện Bàn vào Hội An để học. (Trường THPT Trần Quý Cáp - Hội An). Ảnh: X.P

Để giải quyết bài toán tuyển sinh cho Trường THCS Nguyễn Du, từ năm 2021 TP.Tam Kỳ đã có chủ trương và đưa vào nghị quyết Thành ủy về việc thành lập Trường THCS Hòa Thuận (tại phường Hòa Thuận) trong giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời chỉ đạo ngành GD-ĐT tính toán phân tuyến tuyển sinh HS của phường Hòa Thuận và Tân Thạnh về các phường lân cận phù hợp với kế hoạch mạng lưới trường lớp.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Ân - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ, các ngành chức năng triển khai quá chậm, đến nay vẫn chưa tham mưu cho thành phố địa điểm xây dựng trường. Hiện nay có 2 phương án, hoặc là sửa lại cơ sở cũ Trường Văn hóa nghệ thuật Quảng Nam tại đường Trần Dư, hoán đổi cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh (cơ sở cũ của Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm) để dùng làm Trường THCS Hòa Thuận; hoặc quy hoạch mới 5ha tại phường Hòa Thuận để xây dựng trường. Thành phố sẽ chỉ đạo quyết liệt, quyết tâm sớm thành lập Trường THCS Hòa Thuận để giảm sức ép trong tuyển sinh Trường THCS Nguyễn Du.

Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng Phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ cho biết, hiện nay các trường nội thị chịu rất nhiều áp lực về sĩ số HS/lớp do số lượng HS tăng và để đảm bảo yêu cầu về biên chế giáo viên nên phải bố trí tỷ lệ vượt mức quy định (tiểu học không quá 35 HS/lớp, THCS không quá 45 HS/lớp).

Riêng đối với Trường THCS Nguyễn Du, năm nay cơ bản đã ổn định còn năm học tới 2025 - 2026 tăng quá nhiều nhưng không đủ chỗ để dạy. Ngành đã tính đến phương án phân tuyến, một số khối phố ở phường Hòa Thuận nằm ở địa bàn thuận lợi HS chuyển sang học tại Trường THCS Lê Hồng Phong vì hiện nay nơi đây được đầu tư khang trang, đáp ứng nhu cầu 30 lớp nhưng hiện chỉ có 21 lớp. Còn kế hoạch thành lập Trường THCS Hòa Thuận và tổ chức giảng dạy sớm nhất cũng phải từ năm học 2026 - 2027 vì chờ bàn giao cơ sở Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh để thành phố thực hiện sửa chữa, nâng cấp cơ sở.

Nội dung: XUÂN PHÚ - VĨNH LỘC - TƯỜNG VY

Trình bày: MINH TẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Áp lực tuyển sinh đầu cấp ở hai vùng đô thị Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO