Thế giới

ASEAN - điểm sáng thu hút đầu tư

QUỐC HƯNG 06/06/2024 17:22

(QNO) - Các nền kinh tế Hiệp hội Các quốc gia khu vực Đông Nam Á (ASEAN) thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ hơn khi các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

asean1.jpg
Cảng biển Singapore. Ảnh: S.T

Theo báo StraitsTimes của Singapore, dòng vốn FDI vào 5 nền kinh tế ASEAN gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan, Singapore và Việt Nam ngày càng gia tăng dù có một số khác biệt giữa các ngành và quốc gia.

Vốn FDI vào khu vực ASEAN đạt 236 tỷ USD năm ngoái, so với mức trung bình hằng năm là 190 tỷ USD từ năm 2020 và 2022.

Những nhà đầu tư lớn của ASEAN gồm Mỹ, Nhật Bản, châu Âu, Trung Quốc và Hồng Kông nhờ những cải cách mạnh mẽ của khu vực, dẫn đến cải thiện các nền tảng kinh tế vĩ mô.

Theo Phòng Thương mại Mỹ tại Thượng Hải (Trung Quốc), 40% số người được khảo sát năm ngoái đã chuyển hướng đầu tư hoặc có kế hoạch chuyển hướng đầu tư ban đầu dành cho Trung Quốc. Đối với các công ty này, Đông Nam Á là điểm đến ưa thích nhất.

Trong báo cáo mới nhất về ASEAN, các nhà kinh tế Lavanya Venkateswaran, Ahmad Enver và Jonathan Ng, Ngân hàng OCBC cho biết Singapore nhận được phần lớn dòng vốn FDI, tiếp theo là Indonesia, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Thái Lan.

Hầu hết khoản đầu tư vào khu vực đều đổ vào các lĩnh vực sản xuất, tài chính và bảo hiểm, vận tải, xây dựng và bán buôn.

Dòng vốn FDI từ Trung Quốc vào khu vực vốn sụt giảm trong đại dịch năm 2020, sau đó phục hồi trở lại. Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN chuyển từ cơ sở hạ tầng sang công nghiệp điện tử, tài nguyên và thực phẩm.

Trong đó, Indonesia chiếm gần 1/3 tổng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN năm 2022, chủ yếu đổ vào lĩnh vực sản xuất.

Tỷ trọng của Trung Quốc và Hồng Kông trong tổng vốn FDI vào Singapore tăng từ gần 52 tỷ USD năm 2015 lên 113,2 tỷ USD vào cuối năm 2022.

Những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba, Tencent và ByteDance thành lập văn phòng khu vực tại Singapore. Theo Enterprise Singapore, tính đến cuối năm 2022, có hơn 400 công ty Thượng Hải hoạt động tại Singapore.

hinrichfoundation.jpg
ASEAN là một trong những điểm sáng thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh: Hinrichfoundation

Tại Việt Nam, mối quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài chuyển từ sản xuất dệt may sang các lĩnh vực khác gồm ô tô, điện tử, tấm pin mặt trời, container vận chuyển và hóa chất.

"Trong số những nước dẫn đầu, chúng tôi cho rằng Việt Nam sẽ vẫn là nước hưởng lợi lớn. Ngược lại, do những hạn chế về cơ cấu, lợi ích đối với Thái Lan có thể sẽ chỉ giới hạn ở các lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp, ngoại trừ phân khúc xe điện, có thể thúc đẩy chuỗi cung ứng ô tô nội địa mạnh mẽ" - bà Sonal Varma - Nhà kinh tế trưởng của Nomura Holdings tại châu Á nói.

Ở Thái Lan, cơ hội được nhìn thấy ở các cổ phiếu liên quan đến điện tử, ô tô và bất động sản công nghiệp; trong khi ở Indonesia, cổ phiếu thuộc ngành kim loại và khai thác mỏ.

Tuy nhiên, bà Varma nhận định rằng các nhà đầu tư cổ phiếu muốn tận dụng sự thay đổi trong xu hướng chuỗi cung ứng phải kiên nhẫn vì quá trình chuyển đổi cần có thời gian.

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), trong 5 tháng đầu năm nay, tính đến ngày 20/5/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 11,07 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm 2023.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
ASEAN - điểm sáng thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO