Văn hóa - Văn nghệ

Ba biểu tượng bao dung ở xứ Quảng

LÝ ĐỢI 08/11/2024 13:54

(VHQN) - Về mặt tâm thức và tín lý dân gian, xứ Quảng (Quảng Nam - Đà Nẵng) từ xa xưa đã quen với các truyền thống mẫu hệ, đạo thờ bà, đề cao vị trí người nữ trong gia đình, xứ sở. Thời hiện đại, truyền thống này có biến chuyển nhưng không thay đổi quá nhiều về mặt tâm thức.

img_8543.jpg
Tượng Mẹ Âu Cơ.

Điều này có thể được nhìn thấy qua 3 tượng đài về 3 người mẹ bao dung ở xứ này, đó là Tượng đài mẹ Nhu (dựng năm 1985) của Phạm Văn Hạng, mẹ Âu Cơ (2007) của Lê Công Thành (1932-2019), mẹ Thứ (2015) của Đinh Gia Thắng. Họ chọn 3 cách tri ân người mẹ khác nhau về mặt hình thức, nhưng thái độ và tâm tình thì có nét giống nhau.

Chọn không súng đạn

Tượng đài mẹ Nhu (còn có tên: Mẹ dũng sĩ Thanh Khê) cao gần 12 mét, được nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng lấy hình tượng từ chính người mẹ anh hùng Lê Thị Dảnh (1914 - 1968) và 7 dũng sĩ Thanh Khê làm nhân vật bổ trợ.

Tượng dựng trên đường Điện Biên Phủ từ năm 1985, ngay cửa ngõ ra vào trung tâm TP.Đà Nẵng. Tại thời điểm khánh thành, đây là một trong vài tượng đài cao to nhất của Việt Nam. Nếu chỉ tính vật liệu đồng, tượng đài mẹ Nhu gần như to nhất nước.

Chịu ảnh hưởng từ quan niệm của điêu khắc hoành tráng (monumental sculpture) và chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, lại dựng nhân kỷ niệm 10 năm giải phóng quê hương, nhưng ngoài kích thước hoành tráng, Phạm Văn Hạng đã không nhấn mạnh đến các hành động phi thường, anh dũng như giương súng, ném lựu đạn...

img_8544.jpg
Tượng Mẹ Nhu.

Mẹ Nhu chỉ cần dang tay chở che, bảo bọc 7 dũng sĩ Thanh Khê đã quá đủ đầy ý nghĩa. Có lẽ do không quá nặng nề tính tuyên truyền nhất thời nên tượng mẹ Nhu vẫn đẹp qua thời gian.

Phạm Văn Hạng đã chọn vật liệu là đồng, lấy từ khoảng 7.000 vỏ đạn. Những người thợ cơ khí ở các xưởng ô tô phải làm trong vòng 6 tháng mới xong.

Mẹ Nhu bị địch bắn chết, vỏ đạn tại hiện trường là chứng cứ. Sau năm 1975, Phạm Văn Hạng dùng vỏ đạn của địch để dựng nên tượng đồng mẹ Nhu, nhưng mà mang một ý niệm sâu sắc, bao dung.

“Tượng mình làm chắc gì đã đẹp, nhưng chất liệu, ý tưởng và bố cục thì quả là quá lạ. Họ cho đây là tác phẩm siêu thực, bộ đội lại nép dưới cánh tay người mẹ, nhiều người bảo không ưng. Nhưng trong nghệ thuật phải để cho người thưởng lãm có quyền suy tư của họ” - Phạm Văn Hạng từng chia sẻ như vậy.

Ánh mắt và sự bao dung

Đúng 30 năm sau kể từ tượng mẹ Nhu, xứ Quảng lại khánh thành tượng đài mẹ Thứ (còn có tên: Mẹ Việt Nam anh hùng) dưới chân núi Cấm, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ. Đây là một điển hình của điêu khắc hoành tráng và hiện thực.

Thế nhưng, khác hẳn với đa số tượng đài Đinh Gia Thắng đã hoặc đang làm - vốn nặng về tinh thần chiến đấu, tấn công - tượng mẹ Thứ chú tâm vào ánh mắt xa xăm và sự bao bọc con cái, người thân. Cũng như 7 dũng sĩ Thanh Khê trong lòng mẹ Nhu, 11 chiến sĩ trong lòng mẹ Thứ như được trở về ngôi nhà ấu thơ, được vòng tay yêu thương che chở.

Làm tượng đài hoành tráng về người mẹ anh hùng, được đầu tư lớn bậc nhất, vậy mà chỉ tạc ánh mắt và sự bao dung, quả không hề đơn giản. Không phải khó về mặt kỹ thuật hoặc mỹ thuật, mà khó thuyết phục sự đồng thuận...

“Dung lượng chuyển tải nội dung cũng khá lớn vì những cảm xúc về mẹ hiền Tổ quốc là mênh mông, bất tận. Tôi đã lựa chọn hình thức biểu tượng như là mẹ mọc lên từ non sông đất nước. Tôi cố gắng thoát ra hình thức lâu nay mà tượng đài không thể thoát được đó là phải gắn liền với bệ tượng. Cách xây dựng hình thức mới này với mong muốn hình tượng mẹ có sức lan tỏa rộng” - Đinh Gia Thắng chia sẻ.

Xứ Quảng nhiều người mẹ anh hùng nhất cả nước - anh hùng không chỉ theo nghĩa biểu tượng, mà theo nghĩa hành động chiến đấu, hy sinh. Nếu tượng đài về người mẹ anh hùng mà có mang gươm đao, súng ống, cũng có thể hiểu được. Nhưng điều này đã không xảy ra với các tượng đài người mẹ, chỉ còn tập trung miêu tả tình yêu thương, sự bao dung, nếu so về diện rộng của các tượng đài tại nhiều tỉnh thành, đây quả là điều hiếm gặp.

img_8545.jpg
Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại TP.Tam Kỳ.

Và một biểu tượng triết lý

Tượng đài mẹ Âu Cơ (còn có tên: Mẹ trăm trứng) bằng đá trắng của Lê Công Thành đặt tại công viên Biển Đông ở Đà Nẵng, cạnh bờ biển xinh đẹp. Nếu không xét tượng tôn giáo, đây là một trong số rất ít tượng đài hoành tráng mà không lệ thuộc chủ nghĩa hiện thực, không dựng vì mục đích kỷ niệm nhân vật hoặc sự kiện. Âu Cơ là quốc mẫu trong truyền thuyết, người đã sinh ra bọc trứng tượng trưng cho giống nòi, cho trăm họ, cho đồng bào.

Lê Công Thành từng theo đuổi điêu khắc hoành tráng và chủ nghĩa hiện thực, trong đó tượng đài Chiến thắng Núi Thành là một ví dụ. Nhưng kể từ sau một tai nạn, Lê Công Thành đã thay đổi phương thức tư duy và sáng tác, mang hơi hướng phi Đông - Tây, kiểu của Henry Moore (1898-1986). Cả hai đều trở đi trở lại với triết lý về mẹ con, về phồn thực, về hình tượng nằm ngửa, đưa tinh thần trừu tượng vào điêu khắc. Cả hai đều hòa trộn tinh thần siêu thực, sinh học, nguyên thủy… vào trong tác phẩm.

Theo lời kể của vài người thân tín, từ khi tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc mới manh nha, trong một lần đi dạo ngắm biển quê nhà, Lê Công Thành đã nhận định nơi mà sau này thành công viên Biển Đông “là huyệt đạo, không phải của Đà Nẵng đâu, mà là của đất nước”. Ông đã có ước mơ đặt tượng mẹ Âu Cơ tại đây để giống nòi được trường tồn. Rất may ý tưởng này sau đó được Đà Nẵng thông qua, để mẹ Âu Cơ thành tượng đài 3 không: không xét duyệt thiết kế và kỹ thuật, không khởi công, không khánh thành.

Tất nhiên, một tượng đài theo tinh thần hiện đại như mẹ Âu Cơ khi thành hình sẽ nhận về nhiều lời bàn tán, thậm chí chê nhiều hơn khen. Tượng mẹ Nhu và tượng mẹ Thứ cũng đã nhận về vô số lời khen chê như vậy. Nhưng những lời đó sẽ sớm tàn phai, để lại cho thành phố những tác phẩm hiện đại tương xứng.

Trở lại với ý xứ Quảng vẫn còn giữ nhiều nét của các truyền thống mẫu hệ, ít nhất trong hình ảnh và lời ăn tiếng nói, nên việc xứ này có nhiều tượng đài người nữ như là biểu tượng cộng đồng cũng có thể lý giải được. Nếu nhìn rộng ra đời sống tâm linh và tín ngưỡng dân gian, còn có những hình tượng của các bà chúa xứ, vũ nữ Apsara, mẹ Thu Bồn, tượng Đức Mẹ Trà Kiệu, tượng Phật Quan Âm chùa Linh Ứng và các miếu/miếu bà đang tôn tạo... Tất cả làm nên một hệ thống kính ngưỡng, một triết lý rất đặc trưng của Quảng Nam - Đà Nẵng.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ba biểu tượng bao dung ở xứ Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO