(QNO) - Sáng ngày 4/8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Nam đã tổ chức buổi lễ trao tặng 20 chiếc xe lăn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND - Trưởng Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng dự và cùng trao quà.
Theo đó, 20 xe lăn do bà Trần Tố Nga kết nối kêu gọi từ cộng đồng người Việt tại Thụy Sĩ, tặng cho nạn nhân dioxin ở các huyện Thăng Bình, Tam Kỳ, Phú Ninh, Núi Thành.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng thay mặt chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng như những nạn nhân da cam/dioxin cảm ơn tấm lòng hảo
tâm của bà Trần Tố Nga và những Việt kiều tại Thụy Sĩ, dù đi xa vẫn luôn đồng hành, hướng về quê hương, góp sức xây dựng, hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn của tỉnh Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung. Đây là những phần quà vô cùng ý nghĩa đối với những nạn nhân da cam gặp khó khăn trong sinh hoạt, góp phần giúp họ vượt lên nghịch cảnh, sống có ích cho
xã hội.
Bà Trần Tố Nga cho biết, thời gian tới sẽ xem xét hỗ trợ Hội Nạn nhân da cam/dioxin tỉnh phát triển dự án xưởng làm hương của hội. Qua đó tạo việc làm cho các nạn nhân da cam, từng bước phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình.
Được biết, bà Trần Tố Nga trước đây là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, phục vụ ở các mặt trận nóng bỏng như Tây Ninh, Bình Dương, Sài Gòn - Gia Định.
Năm 1972, bà được cử vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn. Tháng 8/1974, bà bị địch bắt tù đày cho đến ngày 30/4/1975.
Năm 1993, bà sang sống ở Pháp, sau đó trở thành công dân Pháp. Bà cũng là nạn nhân của chất độc hóa học.
Bà Trần Tố Nga đã tham gia nhiều hoạt động từ thiện giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Với việc làm đó, bà đã được Nhà nước Pháp tặng Huân chương Bắc Đẩu bội tinh.
Tháng 5/2009, bà đã đứng ra làm chứng tại Tòa án lương tâm quốc tế ở Paris xét xử 37 công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất ra chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1971.
Năm 2014, bà Trần Tố Nga đã đệ đơn lên thành phố Evry, Cộng hòa Pháp, kiện các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, làm cho hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm và hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam.