Văn hóa - Văn nghệ

Băn khoăn với hệ thống trụ đỡ mái che tháp Chăm Chiên Đàn

VĨNH LỘC (locvanhoa@gmail.com) 10/05/2025 15:06

(QNO) – Nhiều ý kiến bày tỏ không đồng tình trước việc đơn vị thi công sử dụng hệ thống trụ sắt dựng trong lòng tháp Nam Chiên Đàn (xã Tam An, Phú Ninh) chống đỡ mái che đỉnh tháp gây mất mỹ quan công trình kiến trúc này.

cd3.jpg
Cụm tháp Chăm Chiên Đàn. Ảnh: VĨNH LỘC

Không phù hợp

TS. Hà Thị Sương – Ban Quản lý di tích và bảo tàng Quảng Nam tỏ rõ bức xúc khi lần đầu nhìn thấy những trụ sắt chống đỡ mái che tại công trình kiến trúc tháp Nam Chiên Đàn. “Thật sự tôi không biết nói gì luôn. Tại sao người ta có thể làm những cột sắt như vậy trong lòng tháp. Rõ ràng nó vừa mất mỹ quan vừa ảnh hưởng không gian chung, nhất là không gian tâm linh của tháp” – TS. Hà Thị Sương nói.

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi tháp Nam thuộc Khu di tích tháp Chăm Chiên Đàn do Sở VH-TT&DL làm chủ đầu tư; Trung tâm Kỹ thuật công nghệ bảo tồn di tích tư vấn thiết kế; Viện Bảo tồn di tích tư vấn giám sát; liên danh Công ty CP Kiến trúc và xây dựng công trình văn hóa Việt và Công ty TNHH MTV Thiết kế và xây dựng Mỹ Gia thi công, kinh phí khoảng 4 tỷ đồng (thời gian thi công 360 ngày).

Ngày 24/10/2022, dự án chính thức khởi công, sau gần 1 năm triển khai, dự án đã tiến hành thực hiện một số hạng mục công việc như tháo dỡ các khối xây gia cố trước đây sử dụng gạch cũ hoặc xây bằng vữa xi măng; thay thế những viên gạch mục, vỡ trên bề mặt đế và tường tháp; phục hồi bậc cấp và vai bậc theo hình thức phỏng dựng với các hình khối đơn giản; xây phục hồi bổ sung các phần bị đổ, mất hoặc mất ổn định trên đế và thân tường; phục hồi hình khối các khối ô hộc và trang trí (trên cơ sở các thành phần gốc còn lại); tái định vị các thanh đá trụ, ngưỡng và bậc cửa; phục hồi lát gạch trong lòng tháp...

cd2.jpg
Dàn giáo bằng sắt đặt bên trong lòng di tích để chống đỡ mái che thủy tinh trên đỉnh tháp. Ảnh: VĨNH LỘC

Đặc biệt, đơn vị thi công đã tiến hành tháo dỡ hệ mái che phần miệng hở đỉnh tháp (lợp tôn trước đây), thay thế bằng vật liệu kính cường lực (phân thành 2 lớp), đồng thời sử dụng 4 cột thép đặt 4 góc trong lòng tháp chống đỡ mái thủy tinh; nước mưa được dẫn theo đường ống nhựa (đường kính 60cm) ép theo trụ thoát ra ngoài bằng máy bơm cưỡng bức.

Cần tham vấn ý kiến chuyên gia

Ông Tô Chí Vinh – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thiết kế và xây dựng Mỹ Gia khẳng định, quá trình thi công đơn vị đã tuân thủ thiết kế ban đầu và được Bộ VH-TT&DL thẩm định.

“Tất nhiên, việc dựng giàn giáo trong lòng tháp cũng ảnh hưởng thẩm mỹ, nhưng nếu không muốn đụng vào tháp thì phải dùng các cấu kiện rời, còn muốn đẹp thì sẽ không đảm bảo yêu cầu. Do đó, cứ tạm như vậy, kiểu giống như tháp B3, D1, D2 Mỹ Sơn… sau này nếu trùng tu làm mái lại thì mình mở ra” – ông Vinh giải thích và cho biết, không thể đặt mái trùm lên trên đỉnh vì phải khoan neo vào tường nhằm giữ cố định, mà cách làm này thì ảnh hưởng đến công trình, nhưng cũng chưa chắc giữ vững trước gió bão.

[VIDEO] - Hệ mái che đỉnh tháp Nam Chiên Đàn:

Tuy nhiên, theo TS. Hà Thị Sương, không thể vì đỡ một tấm kính chống mưa mà có thể dựng hẳn một giàn trụ sắt trong lòng tháp, điều này không ổn, kể cả ngắn hạn chứ chưa nói đến để lâu dài trong tháp. “Không thể so sánh với các tháp khác bởi tình trạng tháp Nam Chiên Đàn còn quá đẹp, chưa kể các tháp ở Mỹ Sơn hiện trạng và cách làm cũng khác Chiên Đàn, nên phải tìm phương án hợp lý hơn” – TS. Hà Thị Sương chia sẻ.

KTS. Lê Trí Công, nhà nghiên cứu văn hóa Chăm cho rằng, việc dựng giàn sắt bên trong lòng tháp để chống tấm kính là không phù hợp. Ngoài mất thẩm mỹ còn ảnh hưởng đến tâm linh bởi lòng tháp được xem là không gian thờ cúng thần.

“Chúng ta có thể đặt tấm kính trên đỉnh tháp giống các công trình dân dụng che đậy “giếng trời”, nước mưa sẽ chảy tràn xuống tường tháp mà không cần giàn sắt chống bên trong. Cách neo giữ cũng không khó. Trước khi đậy tấm kính mình sẽ đục sẵn các lỗ rồi bắt bách vào, làm khung sắt, tận dụng những lỗ bắt tôn khi xưa bắt lại các bách. Nói chung, mình thay tấm tôn bằng tấm kính. Ngày xưa tấm tôn bắt thế nào thì bây giờ thay tấm kính vào đúng vị trí đó” – KTS. Lê Trí Công đề xuất.

ch4.jpg
Tháp Nam Chiên Đàn sau khi trùng tu. Ảnh: VĨNH LỘC

Quảng Nam sở hữu nhiều di tích kiến trúc Chăm, đa phần xuống cấp. Tuy nhiên, thời gian qua, công tác bảo tồn trùng tu kiến trúc Chăm liên tiếp nhận được ý kiến phản ứng trái chiều. Càng lo ngại hơn khi sắp tới một số công trình kiến trúc Chăm như Khương Mỹ, Bằng An, Đồng Dương… được triển khai tu bổ.

Theo TS. Hà Thị Sương, trước khi thông qua thiết kế hoặc trùng tu bất kỳ kiến trúc Chăm nào đơn vị liên quan cần tổ chức hội thảo khoa học hoặc chí ít tham vấn các chuyên gia đầu ngành về văn hóa Chăm trên các lĩnh vực văn hóa, điêu khắc, kiến trúc, khảo cổ… Phải có ý kiến phản biện để tìm giải pháp bảo tồn tốt nhất, tránh ý chí chủ quan của một số đơn vị thiết kế thi công, điều đã từng xảy ra tại một số dự án trên địa bàn tỉnh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Băn khoăn với hệ thống trụ đỡ mái che tháp Chăm Chiên Đàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO