Di sản tư liệu sẽ được hoàn thiện bằng các quy định khi Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) có hiệu lực. Kỳ vọng một hành lang pháp lý rõ ràng để bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu đang được trông đợi...
Năm 2006, Việt Nam chính thức tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO. Thời điểm hiện tại, cả nước có 9 di sản tư liệu được vinh danh. Tuy nhiên, công cụ pháp lý để quản lý, bảo tồn và phát huy loại hình di sản này vẫn chưa hình thành.
Phong phú di sản Hán - Nôm
Tại Quảng Nam, di sản tư liệu tồn tại ở nhiều loại hình. Theo TS.Nguyễn Thị Hậu, thời kỳ vương quốc Champa, di sản tư liệu tại Quảng Nam thường là di vật tại đền tháp, các bi ký bằng đá, ít hơn là chữ viết trên vật dụng dùng trong nghi lễ như đồ đồng, vàng, bạc… Đến thế kỷ 15, khi Đạo Quảng Nam thừa tuyên ra đời và nối tiếp sau đó là các cuộc di dân, nhất là dưới thời các chúa Nguyễn, đã tạo dựng nhiều di sản Hán - Nôm phong phú.
Nhà nghiên cứu Phan Thanh Minh (Hội Di sản Văn hóa Việt Nam) cho biết, thống kê sơ bộ, hiện Quảng Nam có trên 500 di tích đình, chùa đền miếu, nhà thờ tộc họ lưu giữ di sản Hán - Nôm.
Khảo sát sơ bộ, di sản Hán - Nôm ở Quảng Nam hiện nay có số lượng rất phong phú, bước đầu đã kiểm kê, nhận diện được 450 văn bia, 1.200 sắc phong, 6.000 hoành phi liễn đối ở 10/18 địa phương.
Trong khi đó, tại Hội An, thông tin từ Trung tâm Quản lý và Bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, qua các chương trình điều tra, sưu tầm, nghiên cứu, Trung tâm đã thu thập, sao chụp được hơn 2.000 trang tư liệu gốc, hơn 4.500 trang tư liệu bản sao, 300 bản dập thác bản văn bia, 800 bản in mộc bản, 63 sắc phong... góp phần nhận diện các giá trị lịch sử - văn hóa Hội An, cũng phần nào phục hồi các giá trị văn hóa truyền thống đã bị mai một.
Hiện nay, tình trạng bảo quản di sản tư liệu Hán - Nôm chủ yếu phụ thuộc công tác bảo tồn di tích - nơi chứa đựng di sản Hán - Nôm. Dù nhiều năm qua, Quảng Nam đã tiến hành một số hoạt động sưu tầm cũng như có kế hoạch, biện pháp khôi phục tuy nhiên vẫn như “muối bỏ bể”.
Vẫn còn hàng trăm bản sắc phong, địa bạ... được lưu giữ tại các di tích, tư gia, từ đường dòng họ, trong đó có những di sản chưa được bảo quản đúng mức, nhiều tài liệu xuống cấp, mục nát.
Nhận diện và định danh bằng pháp lý
Một cán bộ Sở VH-TT&DL chia sẻ, Luật Di sản văn hóa hiện hành chưa có các quy định để định nghĩa, nhận diện, ghi danh cũng như các biện pháp bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản tư liệu. Do vậy, ngành văn hóa phải vận dụng các quy định về bảo vệ di vật, cổ vật tại các di tích, danh lam thắng cảnh nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các di sản tư liệu trên địa bàn tỉnh.
Trong khi đó, dù Việt Nam tham gia Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu từ năm 2006 nhưng đến nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về công tác bảo tồn di sản tư liệu.
Hiện tại, theo Bộ VH-TT&DL, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ dành một chương riêng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu. Trong đó sẽ có đầy đủ quy định, khái niệm loại hình, thuật ngữ, tiêu chí nhận diện, các hoạt động kiểm kê, lập hồ sơ khoa học, quy trình ghi danh và hủy bỏ quyết định ghi danh của di sản tư liệu.
Cạnh đó, Luật sẽ quy định các biện pháp tiếp nhận quản lý, trách nhiệm hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu sau khi được ghi danh; thẩm quyền thẩm định các dự án, đề án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di sản tư liệu; quy định về bản sao đối với di sản tư liệu...
Hiện tại, Việt Nam có 9 di sản tư liệu được UNESCO vinh danh, bao gồm 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương. UNESCO ghi danh 3 di sản tư liệu thế giới là: Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn, bia Tiến sĩ Văn Miếu Quốc Tử Giám. 6 di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm: Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm; Văn thơ trên kiến trúc cung đình Huế; Bia ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng; Mộc bản trường học Phúc Giang; Hoàng hoa sứ trình đồ; Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu, Hà Tĩnh (1689-1943).