Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh: "Vừa chạy vừa xếp hàng" - Bài cuối: Nhập vào đường đua, không thể bỏ cuộc

TRUNG VIỆT 18/08/2023 07:52

Ngày 1/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định phê duyệt Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Nghĩa là, bây giờ không còn chuyện phát triển sâm của riêng Quảng Nam hay tỉnh nào nữa, mà là vấn đề quốc gia. Và như thế thì mục tiêu đi kèm nội dung để triển khai Chương trình phát triển sâm Việt Nam không chỉ là chuyện “trong nhà nói với nhau”…

>>Bài 2: Bài toán kiểm định sâm
>>Bài 1: Khó gỡ rối "hàng rào kỹ thuật"

Chăm sóc vườn sâm giống tại Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: D.K
Chăm sóc vườn sâm giống tại Trạm dược liệu Trà Linh. Ảnh: D.K

Mục tiêu lớn

Thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam, theo Sở NN&PTNT Quảng Nam, mục tiêu đến năm 2030 là tiếp tục đầu tư nâng cấp 2 khu vực bảo tồn nguồn giống gốc sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) tại Trạm dược liệu Trà Linh thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam và Trại sâm Tắk Ngo thuộc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My để sản xuất, cung ứng nguồn cây giống đảm bảo về số lượng và đạt tiêu chuẩn theo quy định.

Sản xuất được 500.000 cây giống/năm vào năm 2030. Hỗ trợ đầu tư, hình thành khoảng 80 vườn sâm Ngọc Linh có quy mô lớn cho hộ gia đình và doanh nghiệp...

Khó xử lý nạn sâm giả

Sâm giả, nếu bị phát hiện, thì vẫn xếp vào tội lưu hành, sử dụng hàng giả như nhiều tội khác, không phải là tội đặc biệt liên quan đến an ninh quốc gia như sử dụng tiền giả. Chế tài xử lý vi phạm này hiện vẫn chung chung, khi sâm Ngọc Linh không phải là hàng hóa đặc biệt.

Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Vấn đề này làm đau đầu chính quyền, phát hiện sâm giả khi người ta đưa vào hội chợ bán, thì chuyển cơ quan chức năng xử lý. Phải đưa ra Hà Nội xem xét, có kết quả, nếu giả thì mới xử lý được, mà chỉ là xử lý hành chính, bởi nó cũng chỉ là một loại hàng hóa. Huyện tốn kém lắm vì chuyện này. Đụng vào mới biết không dễ chặn sâm giả. Còn họ bán ngoài thị trường, trôi nổi, làm sao mình có cơ sở để bắt họ, nếu họ nói khác đi là tôi bán sâm, sâm thôi, vì giờ sâm nhiều loại, thì làm chi được họ? Khó vô cùng”.

Lâu nay, việc phát triển manh mún, không theo quy hoạch tập trung là một trong những nguyên nhân khiến khó khăn trong kiểm soát, giữ gìn lẫn áp dụng công nghệ trong chuyên canh tập trung.

Theo Sở NN&PTNT, mục tiêu của tỉnh là phát triển vùng nguyên liệu sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) với diện tích 8.400ha (trong đó diện tích dưới tán rừng phòng hộ 7.740ha và diện tích dưới tán rừng sản xuất 660ha).

Một trong những biện pháp để ngăn ngừa nạn sâm Ngọc Linh giả là quản lý, bảo vệ chặt chẽ tài nguyên rừng tại khu vực sản xuất; tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho các tổ chức, cá nhân trồng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam), tạo ra sản phẩm sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Ngoài ra, tăng cường kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn công tác sản xuất cây giống; sản xuất cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng đảm bảo theo quy định; quản lý, kiểm định chất lượng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đối với sản phẩm sâm củ và kể cả các sản phẩm đã qua chế biến; hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia thực hiện Chương trình phát triển sâm Việt Nam.

Bên cạnh đó là đầu tư, nâng cấp hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống thông tin liên lạc, kết nối từ trung tâm huyện đến các vùng trồng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam).

Một việc rất quan trọng nữa là xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam); xây dựng phát triển thương hiệu, thị trường, xúc tiến thương mại để hướng tới xuất khẩu.

Bảo tồn nguồn gen: chuyện sinh - tử

Để có nguồn giống tốt, chuẩn, kế hoạch được tỉnh Quảng Nam đặt ra là phải bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam); sản xuất cung ứng cây giống đảm bảo theo các tiêu chuẩn quy định.

Theo đó, bảo tồn, phát triển 2 vườn sâm giống gốc nhiều năm tuổi tại Trạm dược liệu Trà Linh và Trại sâm Tắk Ngo, tổng diện tích bảo tồn 50 - 100ha. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp 2 cơ sở chính sản xuất, cung ứng cây giống sâm Ngọc Linh (Trạm dược liệu Trà Linh và Trại sâm Tắk Ngo) và các tổ chức, cá nhân khác tham gia sản xuất cây giống.

Kiểm soát tốt nguồn cây giống sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam); xử lý nghiêm trường hợp du nhập, đưa cây giống sâm giả (hình thái giống sâm Ngọc Linh) vào sản xuất tại các khu vực trồng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam).

Lâu nay, dễ thấy, nhiều giống cây đặc hữu bản địa biến mất, đồng nghĩa nguồn gen quý không còn. Ngày 17/5/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1325 triển khai thực hiện Nghị quyết số 09 ngày 21/4/2022 của HĐND tỉnh Quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và cây dược liệu khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó quy định hỗ trợ chăm sóc, bảo vệ và phát triển vườn sâm gốc thuộc Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My.

Ngoài nội dung trên thì trong Quyết định số 1325 chủ yếu quy định việc hỗ trợ nguồn giống để mở rộng diện tích trồng. Tất nhiên, việc hỗ trợ giống cho người dân và doanh nghiệp cũng là một cách để bảo tồn nguồn giống gốc, song chưa phải là giải pháp chủ yếu.

Như đã đề cập, xét ở phương diện sinh học và di truyền thì cần làm rõ những yếu tố, đặc điểm để phân biệt loại cây cần bảo tồn với các loài cây khác cùng dòng để làm cơ sở phân biệt.

Thêm nữa, cần quy hoạch vùng bảo tồn giống gốc (chỉ trồng giống gốc, không trồng các loại cây khác) và bảo vệ nghiêm ngặt. Một số ý kiến cho rằng về quản lý thì khu vực bảo tồn này nên giao cho cơ quan nhà nước, không vì mục tiêu lợi nhuận (kinh nghiệm tại Hàn Quốc là giao vùng sâm gốc cho quân đội quản lý), chứ không nên giao cho người dân hay doanh nghiệp.

Bảo tổn nguồn gen là câu chuyện của khoa học và công nghệ. Mới đây, khi trao đổi với TS. Lê Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nông học (Trường Đại học Nông lâm Huế), người viết được ông cho biết, không thể trồng sâm Ngọc Linh bằng nuôi cấy mô, bởi điều kiện vùng Ngọc Linh rất khắc nghiệt, sức chịu đựng từ cây nuôi cấy mô không thể chịu nổi.

Cũng theo TS. Lê Tiến Dũng, không thể di thực cây sâm vùng này đi vùng khác, khi đã và đang có rất nhiều cá nhân đơn vị tuyên bố thực hiện thành công, nhưng tất cả ở dạng thử nghiệm. Chỉ người dân là giữ giống tốt nhất, nếu Nhà nước lơ là việc này, và giới khoa học đừng vì tiền mà làm cho có.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến rằng, việc biến đổi hệ gen gốc biết đâu sẽ cho ra loại sâm mới tốt hơn, năng suất hơn; di thực đến vùng có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu tương tự, nó cũng có thể sống và sinh trưởng tốt. Làm được việc này chỉ có giới khoa học vào cuộc thì mới được.

Lợi từ sâm rất lớn, nhưng hại cũng từ đây mà ra, khi thấy quá lợi sẽ dễ nảy sinh gian tham. Cho nên việc chế tài, xử lý vi phạm phải thật nghiêm mới giữ được giống gốc. Thực tế, nhiều người, nhiều doanh nghiệp vì cái lợi nhỏ trước mắt mà sẵn sàng quên đi cái lợi lớn lâu dài của cả địa phương.

Muốn bảo vệ nguồn giống gốc thì phải đẩy mạnh tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được cái lợi lâu dài mà tham gia gìn giữ nguồn giống gốc. Không xử lý nghiêm thì họ cứ vi phạm. Theo ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc xử lý nạn sâm giả, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan chức năng như công an, quản lý thị trường, ngành công thương...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh: "Vừa chạy vừa xếp hàng" - Bài cuối: Nhập vào đường đua, không thể bỏ cuộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO