Giảm dần hút thuốc lá đến việc cai/bỏ thuốc lá là cả một quá trình không dễ dàng đối với những người đã hút thuốc lá nhiều năm.
Ông N.V.H. (56 tuổi) ở Đại Lộc đã bỏ được thuốc lá với “thâm niên” 38 năm. Ông nói: “Cũng gian nan, vất vả lắm tôi mới bỏ được chứ không đơn giản tí nào. Muốn bỏ thuốc lá thì phải kiên trì và quyết tâm cao mới làm được”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam chia sẻ, những cảm giác khó chịu khi bắt đầu cai/bỏ thuốc lá thường bắt đầu vài giờ sau khi hút điếu thuốc lá cuối cùng, và tăng đến mực tối đa trong vòng 48 - 72 giờ đồng hồ sau và có thể kéo dài đến vài tuần. Khi các vấn đề này xảy ra với cơ thể, một số người quyết tâm và kiên trì thì vượt qua chúng, ngược lại nếu không quyết tâm sẽ hút thuốc trở lại, thậm chí có người lại còn hút nhiều hơn trước.
Thành phần chính trong khói thuốc lá là nicotine, một chất không mùi, không màu, không vị nên khi hít vào cơ thể không nhận ra sự có mặt của nó và chỉ mất 7 giây, nicotine vào phổi đã lên não của người hút.
Theo thời gian, nicotine sẽ tạo cảm giác hưng phấn và bộ não sẽ coi việc sử dụng nicotine có liên quan đến cảm giác thoải mái. Khi muốn cai thuốc lá nhưng não bộ đã quen với việc sử dụng nicotine thì việc cắt giảm nicotine hay ngưng hút thuốc đột ngột có thể gây ra sự thay đổi hay hội chứng cai nghiện khiến cho người hút gặp phải một số triệu chứng như lo lắng, khó chịu, căng thẳng, dễ nổi nóng, trầm cảm, nhức đầu, mệt mỏi,…
Sự thay đổi này xảy ra trong não bộ là kết quả của một quá trình được lặp đi lặp lại nhiều lần dẫn đến lệ thuộc vào nicotine, vì cơ thể người hút thuốc đang cảm thấy sự cần thiết của chất này trong hệ thống dẫn truyền thần kinh. Càng lệ thuộc bao nhiêu càng khó bỏ/cai bấy nhiêu.
Thậm chí, người hút thuốc lá còn nghiện những cảm giác phụ như đốt, ngậm điếu thuốc, hít, nhả khói, nhìn khói thuốc bay, ngửi mùi thuốc lá… Như vậy, thuốc lá không chỉ tác động lên não mà còn tác động đến tâm lý, ăn sâu vào tiềm thức của người hút bằng việc tạo ra một vòng tròn lẩn quẩn của việc sử dụng với những yếu tố tác động, làm người nghiện thuốc lá khó bỏ và tiếp tục nghiện thuốc lá.
Theo các chuyên gia y tế, để có một cơ thể khỏe mạnh thì tốt nhất là tránh xa thuốc lá. Nếu đã hút thì nên lên kế hoạch bỏ càng sớm càng tốt, ngay cả khi chưa có bệnh, chứ không đợi đến khi phát bệnh mới bỏ thuốc.
Mọi lý do từ môi trường, hoàn cảnh, bạn bè rủ rê… chỉ là những yếu tố tác động bên ngoài. Điều cốt yếu khiến việc bỏ thuốc lá thành công đó chính là ý chí quyết tâm và sự kiên trì của bản thân người hút. Một khi có quyết tâm, có ý chí kiên định thì việc từ bỏ thuốc lá hoàn toàn có thể thực hiện được.