Văn hóa

Bóng dáng lịch sử trên một phiến đá

VÕ VĂN THẮNG 25/08/2024 09:30

Mỹ Sơn không chỉ có đền tháp rêu phong. Những phiến đá với các dòng văn khắc đang ẩn chứa quá khứ huyền bí của một vương quốc cổ từng góp mặt trong các biến cố thăng trầm của dải đất miền Trung Việt Nam.

453-202408202134391.jpg
Dòng chữ trên phiến đá theo bản dập lưu trữ của EFEO

1. Một số tấm bia đá lớn có văn khắc đã được chuyển về các bảo tàng ở Hà Nội, Đà Nẵng và gần đây được đưa vào bảo quản trong Nhà trưng bày của Ban quản lý di tích Mỹ Sơn.

Chúng tôi chú ý đến một phiến đá nhỏ vẫn còn nằm lại tại hiện trường di tích. Trên phiến đá có vài dòng chữ đã mòn mờ nhưng là dữ liệu cụ thể về một cột mốc lịch sử quan trọng.

Đó là phiến đá mang những dòng văn khắc được nhà nghiên cứu George Coedes thống kê từ năm 1908, ký hiệu C 75, và được Ban quản lý di tích Mỹ Sơn ghi số kiểm kê mới MSD350.

Văn khắc C 75 chỉ có 4 dòng chữ Chăm cổ, kế thừa kiểu chữ Brahmi (chữ Phạn, nguồn gốc Ấn Độ); đã được Louis Finot (1904) phiên ra La tinh, dịch tiếng Pháp, in trong bài nghiên cứu trên Tạp chí Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp và gần đây đã được Arlo Griffiths (2009) hiệu chỉnh bản phiên âm La tinh gồm 4 dòng:

(1) di śakarāja 913 huriy 5 vaṅun vulān 4 vr̥ haspativāra [ma]

(2)ghanakṣatravr̥ ścikalagna kāla yāṅ po ku vijaya śrī harivarmmadeva

(3) punaḥ yāṅ po ku śrī jaya īśānabhadreśvara karaṇa kīrtti yaśa di bhūmima

(4) ṇḍala niy

453-202408202134392.jpg
Phiến đá có 4 dòng văn khắc C 75 tại sân khu tháp D, Mỹ Sơn

Nội dung tạm dịch như sau: “Năm 913 của lịch Saka, ngày thứ 5, tháng 4, vào tuần trăng Maga, chòm sao Scorpio ở vào cung hoàng đạo, là lúc đức vua Yan Pu Ku Vijaya Śrī Harivarmadeva cho dựng lại hình tượng (ngôi đền hoặc linga) của thần Iśāna-Bhadreśvara nhằm đem lại vinh quang cho xứ sở”.

Iśāna-Bhadreśvara là một danh hiệu của thần Siva, gắn liền với tên của các vị vua đầu tiên của Champa, và được tôn vinh là vị thần bảo hộ cho vương quốc.

Năm 913 của lịch cổ Saka tương ứng với năm 991 dương lịch. Đây là thời điểm sau cuộc tấn công của vua Lê Hoàn (Đại Việt) vào kinh đô Champa.

Sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi sự kiện xảy ra vào năm 982: “Vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt sống được quân sĩ nhiều vô kể, cùng kỹ nữ trong cung trăm người và một nhà sư người Thiên Trúc, lấy các đồ quý đem về, thu được vàng bạc của báu kể hàng vạn, san phẳng thành trì, phá hủy tông miếu, vừa một năm thì trở về kinh sư.” Và năm 988, “Vua nước Chiêm Thành là Băng Vương La Duệ ở Phật thành tự đặt hiệu là 俱尸利呵呻排麻羅(Câu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La)”.

2. Đối chiếu với một bản văn khắc tìm thấy ở di tích Đồng Dương (huyện Thăng Bình) có ghi việc vua Champa lập đền thờ ở kinh đô Indrapura vào năm 875, các nhà nghiên cứu nhận định rằng cuộc tấn công của vua Lê Hoàn năm 982 đã diễn ra ở khu vực kinh đô Indrapura. Việc này dẫn đến vua Chiêm Thành chạy vào “Phật thành” (được hiểu là thành Vijaya ở Bình Định ngày nay).

Khu đền tháp Mỹ Sơn là điểm đến đang ứng dụng công nghệ số vào quảng bá và hỗ trợ du khách. Ảnh: M.H
Khu đền tháp Mỹ Sơn. Ảnh: M.H

Liên quan đến các sự kiện này, sử nhà Tống (Trung Hoa) cũng có ghi chép vào năm 990, vị tân vương của Chiêm Thành lên ngôi mới ở “nước Phật Thệ”, cử sứ sang báo việc Chiêm Thành bị Giao Châu (Đại Việt) tấn công.

Năm 1007, vua Chiêm Thành có tên là 楊普俱毗茶室離 (Dương Phổ Câu Bì Trà Thất Lợi) cử sứ sang nhà Tống, nói rằng vua đã chạy vào Phật Thệ, cách lỵ sở cũ ở phía bắc 700 dặm.

Trong văn khắc C 75 ở Mỹ Sơn có cụm từ chỉ vua Champa là “yāṅ po ku vijaya śrī harivarmmadeva”. Cụm từ này bao gồm cả từ xưng hô tôn kính (yāṅ po ku = Đức vua tối cao) vừa có mỹ từ ca ngợi (vijaya = chiến thắng lẫy lừng) vừa có tên hiệu bằng chữ Phạn (śrī harivarmmadeva = Ngài Harivarman thần thánh).

Trong khi đó, sử Trung Hoa và Đại Việt khi ghi chép danh xưng các vị vua Champa thường viết ngắn, dùng cách ghi âm (hoặc nghĩa) của một vài âm tiết.

453-202408202134393.jpg
Phiến đá có văn khắc.

Trường hợp sử nhà Tống ghi là 楊普俱毗茶室離, âm Hán Việt đọc Dương Phổ Câu Bì Trà Thất Lợi, nhưng đọc theo âm Hán là yang-pu-ju-bi-cha-she-li, có thể nhận ra phiên âm của yāṅ po ku vijaya.

Tương tự như vậy, sử Đại Việt ghi tên vị vua Champa thời kỳ này là 俱尸利呵呻排麻羅, âm Hán Việt đọc Câu Thi Lị Ha Thân Bài Ma La, âm Hán đọc ju-shi-li-a-shen-bei-ma-luo; có thể là cách ghi lại danh xưng Ku Śrī Harivarmadeva trong tiếng Chăm cổ của cùng một vị vua trong văn khắc C 75.

Việc đối chiếu các danh xưng bị khúc xạ qua 4 ngôn ngữ Ấn, Hoa, Chăm, Việt còn cần thêm nhiều nghiên cứu tỉ mỉ. Nhưng có nhiều khả năng, các dòng chữ còn lại trên phiến đá C 75 ở di tích Mỹ Sơn đã ghi lại một dấu mốc quan trong trong lịch sử Champa, đó là sau cuộc tấn công của vua Lê Hoàn năm 982, khu thánh địa ở Mỹ Sơn vẫn được trùng tu, xây dựng bởi vị vua Yāṅ po ku vijaya śrī Harivarmmadeva, mặc dù kinh đô của vua Champa lúc ấy đã chuyển vào Chà Bàn (Bình Định).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bóng dáng lịch sử trên một phiến đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO