"Bóng pơmu" tỏa mát đại ngàn

ALĂNG NGƯỚC 15/09/2023 07:55

Một chặng đường phát triển của Tây Giang, sẽ rất thiếu nếu không nhắc đến vai trò của các già làng vùng cao. Họ được ví như những bóng cây pơmu sừng sững, tỏa mát cộng đồng bằng nhiều việc làm hữu ích trong hành trình nêu gương…

Như bóng cây pơmu trên ngàn, các già làng Cơ Tu có vai trò quan trọng giúp cộng đồng Tây Giang phát triển. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Như bóng cây pơmu trên ngàn, các già làng Cơ Tu có vai trò quan trọng giúp cộng đồng Tây Giang phát triển. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Chuyện của nghệ nhân già

Vẫn dáng người khỏe khoắn, già Clâu Blao bước ra từ căn nhà bếp, nơi ông trưng bày rất nhiều tượng gỗ điêu khắc truyền thống. Không đợi khách lên tiếng, vừa gặp đã thấy ông vồn vã mời chúng tôi vào nhà.

“Mấy hôm nay mưa quá, không lên rẫy được, bố ở nhà làm mấy việc linh tinh. Cũng không biết các cháu lên. Ở lại nhé!” - già Blao cất giọng, rồi sai người vợ nấu cơm, mời khách.

“Chuyện ông Clâu Blao tìm đường dù đã qua hàng chục năm, nhưng vẫn luôn mới mẻ với cộng đồng người Cơ Tu ở Tây Giang. Đó là năm tháng gian khó nhất khi địa phương chưa có đường đi thuận lợi. Sau này, nhờ có sự tìm tòi, nghiên cứu của ông Clâu Blao và các cộng sự mà người dân các xã biên giới Tây Giang có được đường lớn, rộng thoáng như hôm nay”.

(Bí thư Huyện ủy Tây Giang - Bhling Mia)

Đó là lần chúng tôi ghé thăm, khi Tây Giang chuẩn bị cho kỷ niệm 20 năm tái lập. Hỏi già Blao, ở tuổi của ông, sao không nghỉ ngơi mà vẫn miệt mài đục đẽo, chế tác nhạc cụ và các tượng điêu khắc gỗ? Già xua tay, bảo đã quen với công việc này rồi nên… ở yên không được.

Mà thật. Lần nào tiện đường ghé thăm, cũng thấy ông cần mẫn, lúc thì đục đẽo tượng, khi thì bào mặt gỗ làm thân cây đàn. “Ôi dào, chẳng có gì to tát, mình làm là để vui thôi” - già Blao cười hiền.

Tôi không lạ gì già Blao, hàng chục năm nay, hễ có sự kiện gì trọng đại của địa phương, ông có mặt như một “nhân chứng sống”, miệt mài góp sức cho công tác bảo tồn văn hóa.

Nhớ hồi Tây Giang tổ chức chương trình chào đón năm mới 2023, cùng với các nghệ nhân Cơ Tu khác, già Blao tham gia hoạt động chế tác tượng gỗ và trình diễn nhạc cụ truyền thống.

Ở một góc quảng trường trung tâm huyện, không gian trình diễn ấy luôn đông đúc du khách tìm đến, cùng trải nghiệm văn hóa cộng đồng Cơ Tu. Sự kết hợp giữa điệu khèn, nhịp trống và sáo tạo nên âm sắc đầy ấn tượng, độc đáo.

Hôm nọ, tôi lên Tây Giang đúng dịp địa phương tổ chức vinh danh già Blao và cộng sự sau hành trình góp sức tìm ra con đường mới từ xã Lăng lên các xã biên giới. Thời điểm đó, các xã biên giới của Tây Giang chưa có đường ô tô như bây giờ.

Cám cảnh sau nhiều lần ngược núi, già Blao làm một việc mà ai nhắc đến cũng phải… “lắc đầu”, đó là tìm đường đi cho đồng bào. Bằng kinh nghiệm của người ở núi, sau thời gian nghiên cứu, già Blao đã tìm ra cung đường ngắn nhất, giúp cộng đồng Cơ Tu thuận tiện đi lại.

Cung đường ấy, bây giờ trở thành tuyến huyết mạch đi lên các xã biên giới Tây Giang, tiến sát giáp với nước bạn Lào, tạo cơ hội cho phát triển của quê hương miền rừng nắng gió.

Xây dựng cộng đồng phát triển

Nhiều già làng ở Tây Giang thành thạo việc chế tác và chơi nhạc cụ truyền thống. Có người đảm nhiệm nhiều vai trò một lúc, từ già làng kiểu mẫu, nghệ nhân chế tác cho đến người tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội, góp sức giữ gìn quốc phòng - an ninh trên địa bàn.

Tuổi tác chừng như không khiến ông Bhriu Pố “già” đi. Ông vẫn rắn rỏi như thân cây pơmu phía ngàn. Tôi theo chân đoàn làm phim ở TP.Đà Nẵng tìm đến chòi duông sâu trong rừng già, nơi này hoang sơ nhưng rất đẹp mắt.

Giữa trưa, từ chòi duông, ông Bhriu Pố thổi một bản nhạc Cơ Tu bằng sáo, rồi bắt chước tiếng của các loài chim rừng. Sau thời gian chăm sóc vườn sâm ba kích, ông nói đó là cách để mình thư giãn, sống trong âm hưởng của đại ngàn.

Cũng già Pố, mới đây, trong chương trình gặp mặt các già làng nhân hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội đại đoàn kết toàn dân do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức, bằng nghệ thuật giả tiếng chim rừng, ông khiến nhiều người có mặt thán phục và ngưỡng mộ.

Nhưng, ông Pố không chỉ giỏi việc... giải trí, ở Tây Giang này, ông còn được xem như “vua ba kích” với hàng nghìn gốc được trồng, chăm sóc. Ba kích sau quá trình nhân giống và mở rộng quy mô phát triển của ông Pố đã trở thành sản vật quý của địa phương và đang tiếp tục nhân rộng trong cộng đồng, tạo cơ hội làm giàu cho người dân Cơ Tu Tây Giang.

Tại buổi gặp mặt các già làng, người có uy tín nhân kỷ niệm 20 năm tái lập huyện Tây Giang mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, sự phát triển của Tây Giang hôm nay luôn có bàn tay, khối óc đóng góp, hy sinh của các đồng chí lão thành cách mạng, nguyên lãnh đạo huyện qua các thời kỳ và đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết, giúp đỡ nhau vượt qua gian khó của cộng đồng người Cơ Tu địa phương.

“Sau khi nghỉ hưu, các cán bộ chủ chốt của huyện, của xã trở thành già làng, có tiếng nói và rất uy tín trong cộng đồng. Bằng vai trò trách nhiệm của mình, các già làng và người có uy tín đã có nhiều việc làm ý nghĩa, góp sức cho sự phát triển chung của cộng đồng. Đây là việc làm hết sức cao cả” - đồng chí Phan Việt Cường nhấn mạnh.

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường mong muốn các già làng tiếp tục duy trì và phát huy tinh thần nêu gương, góp tiếng nói xây dựng vùng cao phát triển, nhất là về kinh tế và bảo tồn văn hóa truyền thống.

Đồng thời chuyển tải kịp thời những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khuyến khích đồng bào phát triển sản xuất, vận động con em đến trường, góp phần xóa đói giảm nghèo và nâng cao chất lượng cuộc sống…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Bóng pơmu" tỏa mát đại ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO