Đời sống

Nguồn điện "chập chờn" trên vùng cao Tây Giang

PHAN VINH - HỒ QUÂN 17/05/2025 18:42

(QNO) - Tình trạng mất điện xảy ra như “cơm bữa” vào mỗi buổi chiều, đặc biệt vào mùa mưa giông, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân vùng cao Tây Giang. Đã đến lúc cần có lời giải cho bài toán về hạ tầng điện tại đây.

2(1).jpg
Thực trạng mất điện thường xuyên khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh ở Tây Giang bị ảnh hưởng. Ảnh: PHAN VINH

Sản xuất đình trệ vì điện chập chờn

Từ nhiều năm nay, cứ mỗi khi mùa mưa giông đến, anh Nguyễn Đông - chủ một gara sửa chữa ô tô tại xã Lăng (Tây Giang) lại không dám nhận khách vào buổi chiều. Gara của anh nằm ngay tuyến đường chính dẫn về trung tâm huyện Tây Giang, vốn là điểm dừng chân quen thuộc của nhiều phương tiện vận tải qua lại, nhưng công việc của anh Đông lại thường xuyên ngưng trệ vì điện chập chờn, mất liên tục.

“Gara của tôi phụ thuộc hoàn toàn vào các thiết bị điện như máy hơi, máy ép thủy lực, máy chuẩn đoán lỗi… nên cứ mất điện là coi như nghỉ làm. Mỗi ngày nếu có điện ổn định thì tôi có thể làm từ 5-6 xe, còn như hiện nay thì chỉ dám làm nửa ngày. Khách hàng chờ sửa xe mà không có điện cũng đành phải quay về hoặc tìm nơi khác. Vậy là mình vừa mất khách, vừa ảnh hưởng đến uy tín, chưa kể máy móc cũng nhanh hỏng vì hay bị ngắt điện đột ngột” - anh Đông nói.

3(1).jpg
Một số máy móc ở gara sửa chữa xe ô tô của anh Đông thường xuyên phải sửa chữa vì hư hỏng. Ảnh: HỒ QUÂN

Không riêng gì các cơ sở sửa chữa ô tô, nhiều hộ kinh doanh dịch vụ khác ở Tây Giang cũng lao đao vì tình trạng này. Tại xã A Tiêng, anh Nguyễn Đức Thọ - chủ tiệm in ấn cho biết, thời gian qua, không ít lần anh phải chịu lỗ chi phí giấy, mực cho khách hàng vì in dang dở rồi mất điện đột ngột.

Xã A Tiêng hiện có hơn 10 cơ sở in ấn, photocopy phục vụ cho nhu cầu hành chính, giáo dục trên địa bàn huyện. Tình trạng cúp điện liên tục ngoài ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh còn khiến nhiều trường học, cơ quan, đơn vị trên địa bàn gặp khó khăn khi cần in ấn tài liệu, phục vụ công việc chuyên môn.

Máy móc in ấn rất kỵ mất điện, dễ bị chập cháy IC, bo mạch. Có hôm đang in hồ sơ cho các xã vùng cao, khách chờ cả buổi mà không có điện trở lại, đành bỏ về tay không. Chúng tôi lỗ vốn vì đâu thể tính tiền khi chưa in xong.

Anh Nguyễn Đức Thọ

Còn người dân các xã vùng cao như Ch’Ơm, Tr’Hy, Gari… cũng phiền muộn vì tình trạng mất điện diễn ra, nhất là vào những tháng cao điểm mưa giông từ tháng 3 đến tháng 7 hằng năm. Việc học tập của học sinh vào buổi tối bị gián đoạn, nhiều gia đình phải thắp đèn dầu, đèn pin thay thế, gây bất tiện trong sinh hoạt. Người dân vùng cao Tây Giang mong mỏi có nguồn điện ổn định để cải thiện chất lượng cuộc sống, phục vụ sản xuất và học tập của con em mình.

[VIDEO] - Chủ gara sửa chữa xe ô tô nói về tình trạng mất điện thường xuyên ở Tây Giang:

Nỗ lực tìm giải pháp

Lý giải về thực trạng này, ông Lê Minh Lâm - Giám đốc Điện lực Đông Giang, đơn vị phụ trách quản lý lưới điện cho cả hai huyện Đông Giang và Tây Giang cho biết, địa phương hiện đang sử dụng nguồn điện từ trạm 220kV Thạnh Mỹ (Nam Giang) truyền tải qua Đông Giang, Đại Lộc và kéo dài hơn 200km mới đến được một số xã vùng xa Tây Giang. Đây chính là nguyên nhân khiến khu vực này trở thành điểm cuối tuyến, dễ bị ảnh hưởng khi sự cố xảy ra ở bất cứ đoạn nào trên toàn tuyến.

“Chỉ cần giông sét, gió lốc ở một vị trí bất kỳ trên tuyến đường dây là Tây Giang bị mất điện ngay. Do địa hình miền núi hiểm trở, việc tiếp cận điểm sự cố để xử lý cũng mất nhiều thời gian, chưa kể yếu tố thời tiết không thuận lợi. Trung bình mỗi mùa mưa giông, công nhân phải di chuyển hàng chục lần lên tuyến để khắc phục sự cố, nhưng cũng chỉ là giải pháp tạm thời” - ông Lâm cho biết.

1(1).jpg
Hành lang tuyến điện qua địa bàn các huyện miền núi thường không đảm bảo do cây cối xâm lấn. Ảnh: HỒ QUÂN

Bên cạnh yếu tố thời tiết, tình trạng người dân trồng keo xâm phạm hành lang tuyến điện vẫn còn tồn tại. Dù ngành điện đã nhiều lần ra quân phát quang, tuyên truyền, nhưng mỗi khi cây keo ngã đổ vào đường dây là nguy cơ mất điện lại hiện hữu. Ngoài ra, các thiết bị chống sét trên tuyến cũng đang xuống cấp do phải hoạt động liên tục trong điều kiện khắc nghiệt.

Ngành điện đã có phương án đầu tư trạm biến áp 110kV tại Đông Giang nhằm rút ngắn bán kính cấp điện, giảm thiểu rủi ro mất điện cho Tây Giang. Đồng thời, đã đầu tư hệ thống đấu nối nguồn điện từ Nhà máy thủy điện Tr’Hy để tạo thêm nguồn cấp tại chỗ, giảm phụ thuộc vào tuyến đường dây dài hàng trăm ki-lô-mét như hiện nay, nhưng nhà máy này đến nay vẫn chưa hoạt động.

5.jpg
Việc mất điện thường xuyên ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân huyện Tây Giang. Ảnh: PHAN VINH

Ngành điện đang nghiên cứu lắp đặt thiết bị phân đoạn đường dây, thiết bị thoát sét nhằm hạn chế tối đa ảnh hưởng khi có sự cố. Chúng tôi xác định đây là bài toán hạ tầng cần được giải quyết căn cơ, không thể xử lý trong ngày một ngày hai. Ngành điện đang phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan để sớm triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao chất lượng cung cấp điện cho người dân Tây Giang.

Ông Lê Minh Lâm - Giám đốc Điện lực Đông Giang

[VIDEO] - Ông Lê Minh Lâm - Giám đốc Điện lực Đông Giang nêu các giải pháp của ngành điện nhằm hạn chế tình trạng mất điện hiện nay ở Tây Giang:

Với điều kiện hạ tầng còn nhiều bất cập, người dân và doanh nghiệp ở Tây Giang vẫn chưa thể yên tâm mỗi khi mùa mưa giông đến. Mong muốn về một nguồn điện ổn định, lâu dài vẫn là nhu câ chính đáng của đồng bào vùng cao, để không ai bị bỏ lại phía sau trong hành trình phát triển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nguồn điện "chập chờn" trên vùng cao Tây Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO