Bức thiết bảo vệ rừng

VIỆT NGUYỄN 26/06/2023 12:35

(QNO) - Sáng nay 26/6, Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam phối hợp UBND huyện Thăng Bình tổ chức lễ phát động toàn dân tham gia phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và diễn tập chữa cháy rừng năm 2023.

Buổi diễn tập chữa cháy rừng thu hút đồng đảo các ngành chức năng, chính quyền huyện, xã, người dân Bình Sa tham gia. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Các lực lượng và người dân tham gia diễn tập chữa cháy rừng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, El Nino, La Nina xuất hiện thường xuyên, PCCCR đặt ra bức thiết để bảo vệ môi trường, điều hòa khí hậu, ngăn chặn gió bão, chống xói mòn đất, bảo vệ cuộc sống của con người.

5 năm xảy ra 136 vụ cháy rừng

Cháy rừng đã trở thành vấn nạn lớn. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm, 5 năm qua Quảng Nam có 136 vụ cháy rừng gây thiệt hại hơn 618ha rừng trồng các loại. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh xảy ra 12 vụ cháy rừng với diện tích hơn 42ha, trong đó huyện Thăng Bình xảy ra 5 vụ với diện tích thiệt hại 40,94ha (chiếm 97% toàn tỉnh).

Đáng chú ý, gần đây nhất là vụ cháy rừng xảy ra ngày 29/4 tại khu vực thôn Lạc Câu (xã Bình Dương, Thăng Bình) đã thiêu rụi hơn 24ha rừng trồng keo lưỡi liềm với chức năng phòng hộ chống cát bay từ dự án PACSA. Vụ cháy này các ngành chức năng của tỉnh đã phải huy động nhiều lực lượng phối hợp gồm lực lượng tại chỗ, quân sự, biên phòng, công an, kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng cơ sở... tham gia chữa cháy, kiểm soát, dập tắt đám cháy để giảm thiệt hại đến mức thấp nhất.

Quang cảnh lễ phát động toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy rừng và diễn tập chữa cháy rừng năm 2023. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Quang cảnh lễ phát động toàn dân tham gia PCCCR và diễn tập chữa cháy rừng năm 2023. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Ông Từ Văn Khánh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm nói, nguyên nhân gây cháy rừng ở Quảng Nam chủ yếu do người dân sử dụng lửa để xử lý thực bì sau khai thác để lửa cháy lan. Nhiều người dân sử dụng lửa bất cẩn khi đốt ong, đốt cỏ khô, rơm rạ, đốt vàng mã, hút thuốc lá gần rừng gây cháy rừng.

Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, thời gian qua UBND huyện chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, các ngành chức năng của huyện và UBND các xã có rừng thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chấp hành pháp luật PCCCR.

Tuy nhiên theo ông Húy, đã xuất hiện không ít hạn chế như phong trào toàn dân PCCCR chưa đi vào chiều sâu. UBND các xã có rừng và các chủ rừng chưa thật sự quan tâm đến công tác tự kiểm tra an toàn PCCCR. Lực lượng PCCCR tại chỗ còn yếu nên khi có cháy xảy ra khó huy động đủ về lực lượng và phương tiện.

Cháy rừng gây nhiều hiểm họa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Cháy rừng gây nhiều hiểm họa. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Chung tay bảo vệ rừng

Từ năm 2019 đến nay trên địa bàn xã Bình Sa (Thăng Bình) xảy ra 4 vụ cháy thiệt hại hơn 12,5ha rừng. Cháy rừng đã làm giảm diện tích rừng phòng hộ, tác động bất lợi đến đời sống, sản xuất, môi trường cũng như phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Châu Quang Anh - Chủ tịch UBND xã Bình Sa cho rằng, lễ phát động toàn dân tham gia PCCCR và diễn tập chữa cháy rừng năm 2023 là rất kịp thời. Chính quyền xã Bình Sa cam kết tăng trách nhiệm PCCCR; chú trọng kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện bảo vệ rừng theo phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng, phương tiện, chỉ huy và hậu cần tại chỗ) và “5 sẵn sàng” (lực lượng, phương tiện, hậu cần, chỉ huy và thông tin).

“Xã sẽ tích cực hơn nữa trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về bảo vệ rừng. Chúng tôi kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là hướng dẫn việc xử lý đốt thực bì trong quá trình trồng và khai thác rừng cho người dân” - ông Anh nói.

Đám cháy rừng được dập tắt. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Diễn tập dập tắt đám cháy rừng. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Cùng với biểu dương sự vào cuộc mạnh mẽ của UBND xã Bình Sa, ông Nguyễn Văn Húy kêu gọi nâng cao vai trò trách nhiệm của UBND cấp xã và các chủ rừng để bảo vệ rừng hiệu quả hơn. Trước tình hình khô hạn, nắng nóng, các xã triển khai ngay các biện pháp cấp bách PCCCR như tổ chức họp dân ở các thôn ven rừng để tuyên truyền; kiểm tra an toàn PCCCR; niêm yết nội quy, cắm biển báo, biển cấm lửa, phát tờ rơi cảnh báo về cháy rừng; sẵn sàng lực lượng, phương tiện PCCCR.

“Huyện coi trọng phổ biến pháp luật, kiến thức PCCCR bằng nhiều biện pháp như phát sóng trên đài truyền thanh - truyền hình của huyện; tuyên truyền bằng xe lưu động; dùng loa ở các đài truyền thanh thôn, xã hằng ngày; đồng thời tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ PCCCR cho lực lượng tại chỗ và người dân sát với thực tế” - ông Húy nói.

[VIDEO] - Diễn tập chữa cháy rừng tại xã Bình Sa:

Ông Từ Văn Khánh cho rằng với sự đồng tâm, hợp lực toàn xã hội, mọi cấp, mọi ngành, mọi nhà với phương châm phòng ngừa lửa ở rừng là chính thì công tác PCCCR sẽ đạt hiệu quả. Nếu cả cộng đồng phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng thì bảo vệ rừng sẽ có bước chuyển biến mạnh trong thời gian đến, từ đó nhân rộng, thực sự lan tỏa sâu rộng trên toàn tỉnh.

Diễn tập chữa cháy rừng của các lực lượng chức năng diễn ra khẩn trương, nhiệt tình và hiệu quả. Tình huống là qua theo dõi Hệ thống quản lý, giám sát tài nguyên rừng tỉnh Quảng Nam, Chi cục Kiểm lâm phát hiện điểm phát lửa ở lô 30, khoảnh 1 khu vực rừng thôn Bình Trúc (Bình Sa). Ngay lập tức, thông tin điểm cảnh báo cháy được nhanh chóng chuyển lên nhóm Zalo Cảnh báo PCCCR để UBND huyện Thăng Bình, Hạt Kiểm lâm Trung Quảng Nam và UBND xã Bình Sa kiểm tra, xác minh.

Các thành viên tiếp cận đám cháy, sử dụng dụng cụ như rựa, xẻng dập lửa theo phương pháp chữa cháy trực tiếp. Sau đó với sự vào cuộc của Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh, đám cháy đã được dập tắt, hạn chế thấp nhất tác hại.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bức thiết bảo vệ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO