Tác phẩm, tác giả

Bùi Tiến Tuấn - một cá tính sớm và rất biết biến hóa

ĐỨC HÒA 23/02/2025 10:07

Tôi bắt đầu đoạn đời giảng viên mỹ thuật của mình đúng lúc Tuấn vào lớp Đại học Mỹ thuật năm thứ nhất. Đó là một lớp mà tôi mãi mãi không quên bởi nhiều cá nhân giàu tiềm năng, không chỉ về mỹ thuật, có cả văn, thơ, tạo mẫu thời trang…

img_1532.jpg
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn.

1. Lớp khá đông và quá trình học của các em hầu hết suôn sẻ với sức tranh đua khá đồng đều. Sau nhiều bài hình họa bắt buộc cả lớp vẽ chung một mẫu, đến bài tĩnh vật tự do - khi treo bài lên, dường như cả một vườn bừng nở nhiều loài hoa đua sắc.

Lúc ấy Tuấn đã khá nhưng chưa nổi bật. Chỉ đến kỳ đi thực tập, em mới khiến tôi quan tâm. Tất cả trường mỹ thuật bao giờ cũng quy định cho sinh viên hàng năm phải có 2-3 tháng đi vẽ thực tế. Năm ấy tôi cùng nhóm ưu tú trong lớp Tuấn đi vẽ Hội An - cũng là quê của Tuấn.

Phố cổ bên sông êm đềm thơ mộng như bị lãng quên hàng thế kỷ là nguồn cảm hứng kỳ diệu cho các họa sĩ tương lai. Tuy nhiên, thời ấy có một điểm khác biệt: nếu các chương trình đi vẽ thực tế thường định hướng cho sinh viên vẽ công, nông lao động sản xuất nhằm tiến tới xây dựng bố cục tranh nhân vật thì Hội An lại là điểm du lịch hấp dẫn nhất quốc gia với cảnh đẹp tĩnh lặng và rất hiếm công việc lao động sản xuất tập trung đông người.

Thầy trò say sưa vẽ phố cổ, ngõ hẹp rêu phong, bờ sông và thuyền bè… Tất nhiên đa số cố vẽ cho giống hình hài phố cổ - nhìn thấy thế nào thì tả thế ấy. Có em vẽ ngõ hẹp trầm mặc vào lúc trời nắng to, bên nắng thì sáng rực còn bên bóng râm thì đen sì khiến bức vẽ rất mất cân đối và phản cảm.

Riêng Tuấn có cái nhìn và cách vẽ khác. Không ra trực họa như mắt thấy, trong tâm tưởng của Tuấn nghĩ và cảm phố cổ theo cách của riêng mình.

Dường như Tuấn không tả khối nổi theo sáng tối mà mô tả các mảng nhà có chút xiêu vẹo theo cảm xúc, nghiêng nghiêng chứ không vững vàng trên mặt đất phẳng.

Thêm nữa, trong khi các trò khác vẽ bài trên mấy loại giấy dễ tẩy xóa thì Tuấn mạnh bạo dùng giấy dó. Loại giấy cổ truyền này vẽ dễ đẹp nếu ta đã thành thạo sử dụng màu nước và mực tàu nhưng khởi đầu bao giờ cũng vất vả bởi sự loang - hoen - lem - nhòe bất trị vô giới hạn.

Tôi đoán Tuấn đã từng vẽ giấy này khá lâu rồi. Cũng tốt, không sao, dù sẽ rất khác biệt so với các bạn khi treo để chấm bài. Mà vẽ giấy dó cũng chính là một trong vài sở trường của tôi nên tôi thấy vui…

2. Một bữa tôi cùng các em vẽ Chùa Cầu - điểm nổi tiếng của Hội An. Tôi nhắc các em sau khi vẽ kiến trúc chùa thì nên bắt dáng thêm các nhân vật đi tới hay đi qua cầu. Sự nhắc nhở này là nhằm mục đích tiến tới xây dựng bố cục tranh nhóm người đang lao động sản xuất - một định hướng mà tôi đã quen khi học mỹ thuật vào thời điểm ấy.

img_1526.jpg
Chân dung Bùi Tiến Tuấn.

Quan điểm chủ đạo khi ấy đòi hỏi phải vẽ người lao động là trọng tâm trong tranh, và cảnh chỉ để làm nền… Bữa ấy tôi trổ tài rình vẽ tất cả những người đang đi tới Chùa Cầu với nhiều dáng vẻ phong phú: bước nhanh, bước chậm, gánh, đội thúng, đi xe đạp, người lớn, con nít… Kết quả ra một cảnh Chùa Cầu rất náo nhiệt vì quá đông nhân vật - một kiểu cảnh vật bị cường điệu.

Vẽ xong, tôi ngoảnh lại xem thấy các trò đang đánh vật với các dáng người - quả thật không dễ bởi các em đều mới học vẽ chưa lâu. Riêng Tuấn làm tôi chưng hửng vì em chỉ thêm thắt vài dáng người cho hợp cảnh - người làm tôn thêm vẻ đẹp của phố cổ chứ người không phải là chủ thể trong bản vẽ.

Tôi không còn nhớ lúc đó hai thầy trò đã tranh luận thế nào nhưng vẫn nhớ là kết cục thì tôi ngưng, không bắt buộc em theo ý thầy nữa bởi nhận ra Tuấn có cá tính và vẽ rất ra Hội An - dù không theo đuổi “cái thật theo mắt nhìn” mà là “cái thật trong tâm tưởng” như nhà nghiên cứu mỹ thuật kiệt xuất Thái Bá Vân đã từng chỉ ra trước đó.

Ngoài ra, tôi còn nhận thấy Tuấn có thêm một tiềm năng khác: tạo đường hướng cho các mảng miếng trong tranh mà sau này đã trở nên sáng tạo đặc sắc của Tuấn. Bài thực tế năm đó Tuấn được điểm khá cao bởi Hội đồng chấm bài thực tế của trường cũng không quá khắt khe theo định hướng vẽ người lao động.

Những năm 1990-2000 cũng là thời mà trong mỹ thuật, người ta dần dần làm lơ, không bắt buộc phải vẽ tranh lấy người lao động hăng say làm trọng tâm nữa. Kể từ đó, các văn bản chính thức và báo chí cũng không bao giờ lặp lại “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là con đường duy nhất đúng dành cho các nghệ sĩ”. Dù thời trước đó, thầy dạy lý luận mỹ thuật luôn đọc cho sinh viên chúng tôi chép vào vở câu này.

3. Khoảng 15 năm sau, đến kỳ Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2010, tôi được chọn làm thành viên Hội đồng Nghệ thuật (tức Ban Giám khảo) của triển lãm. Trong số rất ít tranh được Hội đồng lưu tâm lựa vào chung kết thì có tranh của Tuấn.

Hội chợ phù hoa
Hội chợ phù hoa - tranh của Bùi Tiến Tuấn.

Đó là một bức lụa khổ lớn, vẽ nhân vật. Nhưng thay vì diễn tả hình người theo sự thật, Tuấn lại gây hấp dẫn đến độ “choáng” bởi cách tạo đường hướng trong tranh.

Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật năm ấy, thầy Lê Anh Vân - đương kim Hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội) rất ấn tượng với cách tạo hướng chéo độc đáo trong tranh của Tuấn. Tôi nhớ khi đó đa số thành viên Hội đồng đã ồ lên vì cách tạo hình rất biến hóa này. Kết quả tranh của Tuấn được giải nhì Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc 2010 rồi sau đó được vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Và từ đó đến nay, Bùi Tiến Tuấn trở thành một trong những tên tuổi sáng giá của nghệ thuật tranh lụa Việt Nam đương đại. Khác biệt và độc đáo ở chỗ nếu đa số họa sĩ chuyên lụa vẽ nhân vật nữ đứng yên hay nằm yên, lặng lẽ và kiều diễm thì Tuấn vẽ nhân vật rất chịu biến hóa. Nhân vật ngả nghiêng và bay lượn thỏa thuê theo các đường hướng táo bạo đầy lãng mạn, tạo hình nhân vật theo chủ kiến của tác giả, có cả “bóp hình” và “buông”, cả “co” và “duỗi”, cả “phình to” và ép gọn thành một nét sắc lẹm hay một điểm nhấn, không chịu bó buộc của sự thật theo mắt nhìn…

Với tôi, đó là NGHỆ THUẬT!

Một lời mời từ Tuấn

Ngày 22/2, Bùi Tiến Tuấn tổ chức triển lãm cá nhân Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình. Anh nói: “Kể từ triển lãm cá nhân gần nhất vào năm 2021, sau khi thế giới đi qua trận đại dịch COVID-19, từ góc độ cá nhân, với tư cách là một nghệ sĩ tôi thấy mình như sống chậm lại hơn với những chiêm nghiệm về đời sống, đặc biệt là cuộc sống thị thành sôi động đương thời. Trong sự chiêm nghiệm ấy, trong tôi luôn có hồi tưởng về ký ức với những sáng tác suốt thập niên 1990 và những năm đầu thiên niên kỷ. Những hình ảnh hồi tưởng ấy không ngừng đan xen với những thước phim về đô thị phồn hoa không ngừng lột xác đang diễn ra trong tâm tưởng tôi. Tôi dùng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu lộ cái thế giới đang căng đầy trong tâm hồn mình. Chính vì vậy, sau 4 năm tôi mới quyết định trình làng solo lần thứ 12 với tên gọi “Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình”. Hy vọng các nhà sưu tập, giới chuyên môn, các khán giả yêu nghệ thuật sẽ được thấy thêm nhiều khía cạnh khác của tôi: ngoài Tuấn của “tân mỹ nhân” trên lụa, mọi người sẽ thấy Tuấn của thời kỳ hậu sinh viên với sự trăn trở về hiện thực thị thành cùng những “hình nhân đường phố”, Tuấn nhuộm thắm và lật trở suy tư trên chất liệu giấy dó, Tuấn vừa trắc ẩn vừa phiêu bồng nơi “hội chợ phù hoa” với những bức tranh acrylic khổ lớn… Nghĩa là công chúng sẽ được nhìn thấy một bức tranh rộng lớn hơn, nhiều mảng ghép hơn, toàn cảnh hơn về hành trình sáng tạo của Tuấn”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bùi Tiến Tuấn - một cá tính sớm và rất biết biến hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO