Ở trang trại ngoại ô cách Hà Nội 30km, có một nữ họa sĩ 83 tuổi. Bà đã vẽ hơn nghìn bức tranh trong ngôi nhà ấm áp của mình. Những nghiêm túc trong sáng tạo của người phụ nữ tuổi 83 đã truyền cảm hứng tích cực cho lớp trẻ.
Trong khu vườn nhà của nữ họa sĩ 83 tuổi Trịnh Thị An có nhiều loại cây cổ xưa. Nhà bà vừa giống vườn bách thảo, vừa giống một điền viên có vườn cây ao cá...
Trong khung cảnh êm đềm ấy, ngày ngày trôi qua, họa sĩ Trịnh Thị An miệt mài sáng tác. Số tác phẩm của bà đã lên tới hàng nghìn bức, bà cũng đã có 8 cuộc triển lãm trong và ngoài nước.
Khởi từ âm nhạc
Sinh ra trong một gia đình đại tri thức của Hà Nội những năm đầu thế kỷ 20, bà Trịnh Thị An có cha mẹ cùng là những họa sĩ của Trường Mỹ thuật Đông Dương.
Cha bà là họa sĩ thiền họa Trịnh Hữu Ngọc, mẹ là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Khang với những bức tranh được trưng bày ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Cha mẹ bà là những người tài giỏi và có nhiều cống hiến về nghệ thuật, công sức, nhà cửa cho chính quyền trong những năm 50, 60 của thế kỷ trước.
Trải qua nhiều biến cố xã hội, tình yêu nghệ thuật của cha mẹ giống như một gen di truyền chảy trong huyết quản của con cái. Gia đình bà, ai cũng có duyên với nghệ thuật.
Trước khi là họa sĩ, bà Trịnh Thị An là một pianist - nghệ sĩ piano chính hiệu. Hồi ấy căn nhà số 180 Quan Thánh Hà Nội của bà cùng người em của mình là bà Trịnh Thị Nhàn (chính là nàng thơ của thi sĩ Phan Vũ, người đã viết lên trường ca bất hủ “Em ơi Hà Nội phố”) luôn vang lên những tiếng đàn sang trọng, đài các - như một nét sinh hoạt salon nghệ thuật của thủ đô. Bà Trịnh Thị An là người học trò cưng của Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Thái Thị Liên, mẹ của NSND Đặng Thái Sơn.
Bà chia sẻ: “Thời đó người học đàn piano không có nhiều. Cuộc đời tôi mải mê gắn bó với Trường Nhạc được một thời gian sau đó là Dàn nhạc Đài Tiếng Nói Việt Nam mãi 25 năm cho đến lúc về hưu.
Trong cuốn “Trịnh Hữu Ngọc, di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” do dịch giả Trịnh Lữ (em trai tôi) biên soạn, có viết lại lời bố tôi căn dặn: “Các con lớn cả rồi, biết phải sống với nhau như thế nào rồi. Mà bố cũng chẳng có gì để lại cho các con, ngoài ý thức sống tự lập và khả năng biết vẽ biết đàn, biết học biết làm tử tế mọi việc cần làm”.
Bà An nói, những anh chị em của bà đã học được sự tự lập, tự chủ, và cả tĩnh tâm ung dung tự tại từ người cha của mình. “Chúng tôi đều hiểu rằng, cho dù cuộc đời có bão dông thế nào nhưng âm nhạc và hội họa sẽ xoa dịu tâm hồn, tình thân yêu từ gia đình, sẽ đem lại sự bình yên cho nhau” - bà Trịnh Thị An chia sẻ.
Sau 25 năm cống hiến, chìm đắm trong tiếng đàn piano, bà Trịnh Thị An đã quay về với niềm đam mê từ thuở nhỏ, đó là hội họa. Bà vẽ say mê, kỳ lạ thay, các tác phẩm như một luồng gió mát nhẹ nhàng trên cánh đồng quê, đem lại sự bình yên cho những người được thưởng tranh của bà.
Những tác phẩm thường xoay quanh chủ đề tĩnh vật, với những bông hoa, chiếc lá rơi, giỏ hoa quả, con gà tre, những chú chó nhỏ, những con mèo tinh nghịch và những người cháu yêu quý của bà. Tới nay, bà đã vẽ được hơn 1.000 bức tranh với nhiều chất liệu. Bà cũng là mẹ của kiến trúc sư Phó Đức Tùng, và pianist Phó An My nổi tiếng về cá tính lẫn sự sáng tạo có tiếng trong giới nghệ thuật.
Mang thiên nhiên vào hội họa
Hình ảnh người mẹ thường hay ngồi vẽ và bố thường ở xưởng vẽ và làm nội thất luôn trong tâm trí bà An. Nhà bà có thư viện gia đình với nhiều bộ bách khoa toàn thư, nhiều tạp chí Âu Mỹ về nghệ thuật, kiến trúc, khoa học phổ thông, nội thất… Sách báo nước ngoài xếp hàng chồng như tờ The Wasington Post hay tờ Paris Match của Pháp…
Bà An và các anh chị em của mình được đọc và tiếp cận với văn minh phương Tây từ sớm. Cha bà thường căn dặn các con: “Con hãy quan sát thiên nhiên, hãy đi tìm chiếc lá bàng, con xem màu chủ đạo của chiếc lá mùa đông là gì, mùa thu là gì, mùa xuân, mùa hè là gì, từ đó để con vẽ được chuẩn xác nhất màu của những chiếc lá đó. Đó là những sắc màu trong thiên nhiên mà khi quan sát được, qua góc nhìn của con và thực tế chiếc lá, sẽ ra được một chiếc lá bàng có những vẻ đẹp của màu sắc”.
Bà kể lại: “Từ những năm 80-90, mẹ tôi bảo: Con phải học vẽ lụa đi, mẹ bắt đầu mệt rồi… Và đó là những ngày tháng mẹ dạy tôi vẽ lụa một cách tập trung nhất, chứ trước kia, tôi còn mải bận bịu với nhạc. Mẹ chính là người thầy vĩ đại của tôi. Hiện giờ trong nhà vẫn còn bức tranh mẹ vẽ “Cô gái ngồi tết tóc” mà mỗi lần ngắm tác phẩm, tôi thấy mẹ vẫn luôn hiện hữu dõi theo bước đường của tôi”.
Ngôi nhà bà An ở cũng là nơi mà kiến trúc sư Phó Đức Tùng - con trai bà thiết kế với những nét kiến trú châu Âu cổ điển. Trong đó có cả khu nhà sàn mang dấu ấn văn hóa của người Mường.
Không chỉ vẽ hàng nghìn bức tranh, nữ họa sĩ Trịnh Thị An còn rất khéo tay thêu thùa đan lát. Các khăn trải bàn hoặc rèm, bà đều thêu tay các họa tiết xinh xắn.
Bà còn dạy cho các cháu cách thêu thùa đan lát và coi đó là những thứ mà con gái cần phải học để biết và lưu giữ truyền thống. Bước vào nhà bà, có thể cảm nhận được bàn tay của một phụ nữ khéo léo, tài hoa, và có cá tính đặc biệt.
Và 83 tuổi nhưng ngày ngày bà vẫn lên xuống, ra vào trên những bậc cầu thang, qua xưởng vẽ đầy ánh nắng ấm của những ngày đầu đông và cặm cụi ngồi sáng tác.
“Giờ đây tôi không còn vẽ “bay” được như xưa nữa, xem lại các tác phẩm mới thấy không hiểu sao hồi xưa mình vẽ được như thế. Giờ đây tôi vẽ chậm hơn, nhưng tôi vẫn luôn yêu thích cuộc sống của mình hiện tại.
Đời sống vậy thôi, yên bình và tôi cảm nhận cái đẹp quanh mình, từ thiên nhiên, cây cỏ, tới con thú và cả những đồ vật nhỏ bé. Thanh âm của tiếng nhạc hay tiếng rì rào của cỏ cây hoa lá cũng làm tôi thấy xúc động và muốn truyền tải vào trong tranh của mình những vẻ đẹp dễ thương đó” - bà nói.
Sự nghiêm túc trong sáng tạo của nữ họa sĩ 83 tuổi đã truyền được cảm hứng tích cực cho lớp trẻ. Mọi người luôn yêu mến và rất thích được tới trang trại của bà để ngắm các tác phẩm, dạo chơi trong vườn và nếm các món ăn dân dã với bà. Ngẫu hứng, có thể bà sẽ đàn cho bạn nghe, kể những câu chuyện giản dị dễ thương, và ngoài kia, thời gian như trôi rất chậm…