Tác phẩm, tác giả

Họa sĩ của phong cách ngây thơ

LÝ ĐỢI 17/11/2024 10:49

Gần 35 năm dạy học và sáng tác miệt mài, nay ở tuổi hưu, Ngô Đăng Hiệp nói anh đã có thể dành trọn thời gian cho các triển lãm cá nhân sắp tới.

459055354_443397315405111_2512132535668742422_n.jpg
Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp.

Họa sĩ Ngô Đăng Hiệp sinh năm 1962 tại Đà Nẵng. Từ những năm 1990, anh đã vào Khánh Hòa sinh sống, dạy học ở Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang.

Câu chuyện quê xứ

Ngô Đăng Hiệp chia sẻ, mẹ anh ở Hà Tây, vợ là người Hải Phòng. Cả 2 đều là người Bắc di cư vào Quảng. “Tôi sinh ra và lớn lên trong một xóm nhỏ, nghèo (cư xá chính phủ, đường Hoàng Diệu, Đà Nẵng). Nhưng chỉ cần đi xa xa một chút là đã thấy xanh ngát tre pheo, hồ ao sen, muống, chập chờn chuồn chuồn, châu chấu…” - Ngô Đăng Hiệp nói.

Xóm nghèo mùa đông năm nào cũng dập dờn nước lụt. Mùa khô thì ầm ì tiếng đạn pháo đêm đêm. Tuổi thơ lớn lên cùng cỏ cây hoa dại, với núi rộng, sông dài, với những huyền thoại của các tượng Chăm xa lạ và bí mật.

Ngô Đăng Hiệp chia sẻ: “Tôi sống giữa những xóm giềng Điện Bàn, Đại Lộc, Tiên Phước, Quế Sơn… hay cãi nhưng trung thực, mộc mạc, chân tình. Chính khí thiêng sông núi, khí chất của con người đất Quảng có lẽ đã gieo mầm, nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật trong tôi”.

Tác phẩm
Tác phẩm "Lên nương".

Hàng năm, cứ mỗi khi đất trời trắng bạc màu trở lạnh, Ngô Đăng Hiệp lại tìm về thành phố tuổi thơ. Anh nói, bố anh là người phát hiện năng khiếu, tìm thầy dạy vẽ và định hướng con đường để anh đi suốt cuộc đời và chưa bao giờ hối tiếc.

“Tôi bắt đầu theo học các họa sĩ từ năm 10 tuổi tại Đà Nẵng. Sau đó là Nha Trang, học miệt mài cho đến khi chính thức vào học trung cấp trường mỹ thuật Huế năm 1982. Tôi học cùng với họa sĩ Nguyễn Trọng Dũng (Đà Nẵng), Trần Văn Binh (Điện Bàn)…” - anh kể.

Năm 1985, Ngô Đăng Hiệp thi Đại học mỹ thuật Huế và đỗ thủ khoa.

Cuối tháng 9, họa sĩ Ngô Đăng Hiệp cùng 4 học trò tổ chức triển lãm “Gặp gỡ mùa thu” tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh. Triển lãm trưng bày hơn 100 tác phẩm với các phong cách hội họa khác nhau, không chỉ về sắc màu, thời gian đến không gian, cảm xúc... Điểm chung gắn kết họ là tình thầy trò, bạn bè kéo dài suốt 2 thập kỷ. Một phần doanh thu từ việc bán tranh được dùng để chia sẻ với người dân vùng bão lụt.

Họa sĩ của phong cách ngây thơ

Tranh của Ngô Đăng Hiệp mang không khí của hậu ấn tượng (post-impressionism), gợi nhớ về danh họa Henri Rousseau (1844-1910), điển hình cho phong cách ngây thơ (naïve art) và nguyên thủy (primitive art) trong nghệ thuật.

Gia đình họa sĩ Ngô Đăng Hiệp
Gia đình họa sĩ Ngô Đăng Hiệp tại Triển Lãm Gặp gỡ mùa thu.

Ngoài Henri Rousseau, Ngô Đăng Hiệp cho biết anh còn rất thích Paul Gauguin, Vincent van Gogh và cả Fernando Botero nữa. Ngoài cá tính riêng, các danh họa này có điểm chung là cái nhìn trong sáng, ngây thơ, ngay cả khi họ vẽ các chủ đề buồn rầu, bạo liệt.

Có thể nói Ngô Đăng Hiệp là một trong số ít nghệ sĩ Việt Nam theo đuổi thành công phong cách ngây thơ, với sự hòa trộn nhuần nhuyễn các ngôn ngữ và bút pháp còn lại.

Một trong những lý do chọn phong cách này, Ngô Đăng Hiệp từng chia sẻ: “Ngày bé, tôi rất khổ, vì mẹ mất năm tôi lên 6 tuổi. Vì thiếu tình thương của mẹ nên tôi hay đi lang thang khắp miền quê, tìm niềm vui trong cây cỏ và sở thích vẽ phong cảnh cũng dần hình thành. Đến năm 10 tuổi, ba cho tôi đi học ở nhà một họa sĩ.

Tại vòng sơ tuyển trước khi vào lớp, nếu các bạn khác vẽ trái bầu, trái bí, cành mai, con chim thì tôi vẽ một người đàn ông chèo thuyền ở giữa biển nước mênh mông. Mọi người ồ lên và nói với nhau rằng đứa trẻ này không vẽ giống bạn bè đồng trang lứa”.

Cuộc sống cứ thế trôi đến khi ra trường, tôi lập gia đình với vợ cũng là giáo viên. Các con tôi chào đời rồi lớn, học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Nghề dạy học giúp tôi không phải va chạm cuộc sống nhiều, được học trò quý trọng nên tranh vì thế cũng thật bình yên. Tôi mong được lan tỏa sự mơ mộng, yên bình này đến người xem”.

Sự rực rỡ của sắc màu

Về tranh Ngô Đăng Hiệp, họa sĩ Hà Phước Duy nhận xét: “Hồi còn là sinh viên mỹ thuật tại Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang, tôi đã thích tranh của thầy Ngô Đăng Hiệp.

Tác phẩm “Ngày Thu xưa”
Tác phẩm “Ngày Thu xưa”

Hai mươi năm sau, lúc trở thành họa sĩ, nhưng tranh thầy với tôi luôn là sự thu hút đầy thú vị và cảm xúc đó vẫn còn nguyên vẹn như ngày nào. Đó không phải là thế giới thật như những gì chúng ta thường nhìn thấy, mà là một xứ sở thần tiên của các câu chuyện cổ tích về biết bao hồi ức tươi đẹp từ đáy lòng thầy”.

“Khi xem tranh của thầy, trong ta nảy sinh một niềm vui thích khó tả, cảm giác hân hoan như một đứa trẻ, muốn bước chân vào không gian ấy để được hòa mình với vô vàn cây cối, cỏ hoa, muốn được dầm chân vào dòng nước mát, muốn được ngả mình trên thảm cỏ non, muốn ngắm mây bay trăng trắng ngang đầu… Thế giới ấy vừa gần gũi thân quen nhưng lại vừa là lạ, hay hay như một cõi mơ nào đó, lung linh sắc màu tươi mới, căng tràn” - Hà Phước Duy nói tiếp.

Phong cách ngây thơ được Ngô Đăng Hiệp chọn lựa từ sớm, kinh qua nhiều vật liệu và chủ đề. Khoảng năm 2010, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Khánh Hòa, anh đã bày hơn 40 tranh phong cảnh màu nước vẽ trên giấy, với khung cảnh miền Trung buồn vương, hư ảo và ngây thơ.

Tác phẩm “Chiều trung du”
Tác phẩm “Chiều trung du”

“Ngôn ngữ hội họa của Ngô Đăng Hiệp là sự rực rỡ của sắc màu. Ngắm tranh của Hiệp, điều đầu tiên đập vào mắt của chúng ta là ngàn tia lóng lánh mà nơi đó màu nóng lên ngôi” - nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định.

Về mặt cảm xúc, tranh Ngô Đăng Hiệp rất tinh tế khi đi chính giữa sự thật thà và sự sến súa, mà nghiêng bên nào cũng sẽ vụng về, rẻ tiền. Bảng màu cũng vậy, đó là sự phối hợp tài tình giữa bung xõa và tiết chế.

Họa sĩ Hà Phước Duy thì cho rằng: “Dấu ấn cá nhân của thầy trong tranh rất rõ. Với phong cách tạo hình thật riêng, các gam màu tươi vui mà sang quý và kỹ thuật xử lý bề mặt tranh dày dặn, nhuần nhuyễn cùng hòa quyện, tạo nên những khúc hoan ca trong sáng, thấm đẫm sắc màu.

Binh Ba
Tác phẩm "Bình Ba"

Với tôi, thầy vừa là ân sư, vừa là tấm gương sáng về một người thầy cần mẫn, tận tụy, nghiêm túc với nghề. Ở góc độ họa sĩ, tôi rất thích tranh thầy và luôn trân trọng sự tâm huyết, say mê, bền bỉ làm việc của thầy”.

Hỏi Ngô Đăng Hiệp sao ít vẽ phong cảnh xứ Quảng? Anh trả lời: “Khánh Hòa tuy là quê hương mới, nhưng tôi gắn bó từ lúc trưởng thành, khi vừa học mỹ thuật Huế ra trường, nên có dịp vẽ nhiều hơn. Sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng, thời nhỏ đi học và đi chơi loanh quanh gần nhà, không thật sự nắm bắt được nhiều điều, nên chưa thật tự tin để vẽ nhiều bức.

Tôi có ước mơ thế này, chừng tuổi 70, nếu còn đủ khỏe, tôi sẽ lang thang khắp xứ Quảng và cả tìm về quê cha đất tổ để vẽ những phong cảnh mắt thấy tai nghe, thay vì chỉ vẽ theo ký ức. Tôi là phật tử, không nhậu nhẹt, sống điều độ, nên hy vọng sẽ có đủ thời gian và sức khỏe cho những dự định của mình. Còn trước mắt, tôi dành vài năm cho triển lãm cá nhân tiếp theo”.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Họa sĩ của phong cách ngây thơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO