Tác phẩm, tác giả

Họa sĩ Hà Hùng Dũng: Nghệ thuật tự nhiên như đời sống

LÊ NGỌC 12/01/2025 10:37

Những họa tiết của thổ cẩm, hoa văn điêu khắc từ các gươl, nhà rông, cứ tự nhiên đi vào tranh của Hà Hùng Dũng. Cách anh làm nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào đời sống, cũng tự nhiên như không vậy...

lht_6452.jpg
Những bức tranh của Hà Hùng Dũng tại các cuộc triển lãm.

Lối sống giản dị

Cách đây hơn một năm, tôi có dịp ghé thăm không gian sáng tác nghệ thuật của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Căn nhà phố nằm trong hẻm, với cầu thang hẹp và tối. Ở đó, chất đầy những khung tranh lớn gồm các tác phẩm của Dũng và những tác phẩm của nhiều họa sĩ khác anh yêu thích, sưu tầm.

Căn phòng mở ra, bên trong phủ kín các tác phẩm nghệ thuật từ sàn nhà lên đến trần nhà. Ngoài tranh, có vô số tác phẩm thủ công khác như lọ hoa, bát, đĩa bằng gốm, đèn và đồ trang trí do Hà Hùng Dũng tự tay làm nên hoặc lên mẫu thiết kế và đặt hàng các nghệ nhân thực hiện. Ở gần cửa ra vào có chiếc bàn lớn là góc trưng bày tác phẩm, cũng là nơi anh thường tổ chức các lớp dạy vẽ.

lht_6059.jpg
Họa sĩ Hà Hùng Dũng.

Hà Hùng Dũng vẫn giữ chất giọng người miền Trung, dù lớn lên ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Anh làm việc không ngơi tay, trong khi vẫn hầu chuyện khách. Dũng nói, các sinh hoạt thường ngày từ ăn uống đến các thói quen giải trí không có gì đặc biệt. Tất cả thời gian và năng lượng đều được dồn cho công việc sáng tác nghệ thuật. Kể cả những lúc anh vào viện điều trị vì căn bệnh lâu năm, anh vẫn phải mang theo ít nhất vài dụng cụ, chất liệu để sáng tác tranh.

Mấy năm qua kinh tế khó khăn, lượng tranh bán ít hơn hẳn so với giai đoạn trước nên cuộc sống có phần chật vật hơn. Chính những lúc áp lực cơm áo gạo tiền đè nặng, trái tim người nghệ sĩ lại càng say mê. Dường như, chỉ có nghệ thuật mới có thể gội rửa bụi bặm của cuộc sống hàng ngày khỏi tâm hồn con người mà thôi.

Nghệ thuật lấy cảm hứng từ vùng cao

Nguồn cảm hứng chính tạo nên nét đặc sắc và sức sống trong tranh của Hà Hùng Dũng, là những họa tiết của người dân tộc ở vùng núi phía Bắc.

Màu sắc trong tranh của anh vừa rực rỡ vừa trầm ấm, gây ấn tượng ngay từ cái nhìn đầu tiên. Nó cũng là điều níu chân người thưởng lãm nán lại ngắm nhìn thật lâu sau đó. Nghe anh kể chuyện làm nghề và những câu chuyện đằng sau từng tác phẩm càng hiểu và trân trọng hơn công việc của những người làm sáng tạo.

Hà Hùng Dũng nói, nguồn cảm hứng lớn nhất của mình đến từ các chuyến đi thăm vùng núi cao phía Bắc. Mỗi năm anh đều dành vài tháng lang thang ở Sa Pa, vừa sáng tác, vừa tổ chức lớp dạy vẽ cho trẻ em vùng cao.

Hình ảnh những cô gái xuất hiện trên tranh của Hà Hùng Dũng không mang đường nét hay vẻ hoang dại thuần khiết của người phụ nữ dân tộc. Họ có điểm chung là gương mặt thon dài, đôi mắt mơ màng như đang từ trên cao nhìn xuống những đám mây bồng bềnh tràn qua ôm lấy ngọn núi. Những người phụ nữ ấy chính là sự phản chiếu của tâm hồn họa sĩ: mềm mại, rực rỡ, đôi khi rối rắm và luôn tràn đầy mơ ước.

lht_5965.jpg
Những bức tranh của Hà Hùng Dũng tại các cuộc triển lãm.

Dũng còn say mê khám phá các chất liệu. Tranh của anh đa dạng chất liệu từ tranh vẽ bằng màu acrylic, sơn dầu trên canvas, đến tranh lụa, tranh sơn mài, tranh màu nước, tranh vải ghép, tranh khắc gỗ... Với mỗi loại chất liệu, cảm xúc trong quá trình sáng tác cũng thay đổi.

Bức tường ở phòng khách nhà tôi có treo bức tranh sơn mài đầu tay của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Trong tranh, một cô gái đang vòng hai cánh tay qua trước ngực, ôm lấy những đóa hoa rực rỡ. Một chú chim đậu trên lòng bàn tay. Một chú chim nữa đậu trên vai. Trên mái tóc của cô là một vườn hoa nở rộ.

Một hình ảnh vừa thực vừa mơ mà mỗi buổi chiều, tia nắng xiên qua bức tranh, lại khiến cho nét xuân trong tranh thêm phần lóng lánh. Xuân ở đây không chỉ là không khí của mùa xuân và còn là thanh xuân của chính người con gái. Anh cũng thường đặt tên các tác phẩm của mình gợi cảm thức về những vẻ đẹp nên thơ trong cuộc sống như “Sắc xuân”, “Tuổi mộng mơ”, “Mộng dưới hoa”, “Xuân thì”, “Sóng tình”, “Mùa xuân”, “Mùa hạ”, “Mùa thu”, “Mùa đông”, “Mơ”...

Không ngừng học hỏi

Hùng Dũng còn say mê sáng tác các sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tính ứng dụng cao, như đèn trang trí, bao lì xì, những chiếc quạt mo... Sản phẩm Dũng có bản sắc riêng, được nhận ra ngay bởi chúng luôn có họa tiết của những bức tranh vốn đã in đậm dấu ấn của anh.

lht_6127.jpg
Sắc màu trong gốm của Hà Hùng Dũng.

Người nghệ sĩ không bao giờ hời hợt với đam mê của mình nên cũng không ngại học hỏi từ những người giỏi hơn, miễn làm sao có thể hiểu các nguyên lý để về sau có thể ứng dụng trong việc sáng tạo các tác phẩm theo phong cách riêng.

Nhớ cách đây nhiều năm, ở Sài Gòn xuất hiện căn tiệm nhỏ của hai vợ chồng người Nhật chuyên bán gốm và dạy các kỹ thuật làm gốm của người Nhật. Anh Dũng đã không ngại… cắp đồ nghề đến tận nơi tầm sư học đạo. Không lâu sau đó, anh đã giới thiệu bộ sưu tập gốm đầu tay của mình.

Đến nay, Hà Hùng Dũng đã cho ra đời không biết bao nhiêu bộ sưu tập đồ gốm với đa dạng các mẫu từ tác phẩm trang trí đến vật dụng hằng ngày. Năm 2022, Hà Hùng Dũng tổ chức triển lãm “Color secret - Bí ẩn của sắc màu” cùng nghệ sĩ Vichit Nongnual, đến từ Thái Lan.

Tại triển lãm này, Vichit Nongnual mang đến 20 tác phẩm tranh đương đại, trong khi Hà Hùng Dũng lựa chọn giới thiệu đến công chúng những tác phẩm gốm với hình thù sáng tạo kỳ lạ như hình tròn, hình trụ… - là những hình hài đặc biệt trong nghệ thuật gốm mộc thủ công Việt Nam.

Hà Hùng Dũng bày tỏ: “Tôi muốn tôn vinh giá trị lao động và bảo tồn dòng gốm thủ công của dân tộc mình. Nhìn gốm thấy người, thấy hồn cốt của nghệ thuật đi từ sự lam lũ, cần mẫn của đôi tay. Và tôi muốn quyện vào giá trị ấy bằng những sáng tạo từ tác phẩm nghệ thuật của mình về văn hóa và con người Việt Nam”.

Vài năm trước, Dũng đến học một bạn họa sĩ trẻ cách làm tranh từ napkin (loại khăn giấy dày có in hoa văn). Sau đó, anh đã biến những điều học được thành vốn của mình để sáng tạo dòng tranh napkin của riêng mình. Tôi ấn tượng với bức tranh tone màu hồng tím của anh.

lht_6180.jpg
Nghệ thuật ứng dụng trong đời sống.

Vẫn là cô gái với đôi mắt mơ màng, vẫn là các họa tiết đặc trưng trong tranh Hà Hùng Dũng, nhưng bức tranh ấy đặc biệt có thêm điểm nhấn là một rừng hoa kết từ hoa văn trên napkin. Các nếp giấy dán bằng keo lên nền tranh có độ gồ ghề nhẹ, tạo ra hiệu ứng 3D cho bức tranh, trông vô cùng sống động.

Trong suốt 25 năm theo đuổi nghệ thuật, không hiếm những lần anh lang thang tìm đến các nghệ nhân chuyên làm sản phẩm thủ công để thực hiện ý tưởng đang ấp ủ. Đôi khi một bức tranh vải ghép phải có đến 4-5 người cùng tham gia thực hiện mới thành hình. Người họa sĩ tự nhận mình “dư năng lượng” nên không lúc nào ngừng tìm tòi và sáng tác.

Cách anh theo đuổi nghệ thuật và đưa nghệ thuật vào đời sống thật đáng ngạc nhiên. Tôi tự hỏi: Phải say mê đến mức nào người ta mới có thể ăn, ngủ, sống cùng với các chất liệu, cảm hứng, và tác phẩm nghệ thuật từng phút, từng giây, trong từng hơi thở đến thế?!

Có lẽ, không chỉ là một họa sĩ tài năng, Dũng trở thành một người truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những ai yêu nghệ thuật. Nghệ thuật không chỉ là một nghề, với Dũng, đó là một lẽ sống. Qua từng nét vẽ, từng màu sắc, Hà Hùng Dũng đã kể những câu chuyện đầy sức sống và tình yêu. Anh đã chứng minh rằng, khi ta sống hết mình với đam mê, ta có thể tạo ra những điều kỳ diệu và lan tỏa niềm vui, sự hứng khởi đến mọi người xung quanh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Họa sĩ Hà Hùng Dũng: Nghệ thuật tự nhiên như đời sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO