Đời sống

Bước chạy giữa phố trong làng

MINH ĐỨC 08/02/2025 09:30

Bức tranh đa sắc của mùa xuân mới ở Tam Kỳ và những ý niệm về tầm nhìn một đô thị xanh, được mở ra ở mỗi bước chạy đầu xuân.

Tran Hung Dao
Đường Trần Hưng Đạo - trung tâm TP. Tam Kỳ. Ảnh: MINH ĐỨC

Đã đi qua nhiều đô thị lớn nhỏ ở Việt Nam và thế giới, tôi vẫn thấy ngỡ ngàng trước tầm nhìn quy hoạch của Tam Kỳ - một thành phố tỉnh lỵ tưởng chừng khiêm tốn nhưng lại mang triết lý phát triển sâu sắc: “phố trong làng, làng trong phố”.

Không gian đô thị: thoáng đạt và duy mỹ

Điều đặc biệt mà bất cứ ai yêu thích đi bộ, chạy bộ cũng phải trầm trồ khi đặt chân đến Tam Kỳ chính là… vỉa hè. Ở những thành phố lớn, vỉa hè là nơi con người phải giành giật với xe cộ, hàng rong, bãi giữ xe. Những thị dân ở đó, cứ cuối tuần lại rủ nhau đi “trốn” phố, “đi đến nơi có biển bạc đồng xanh”.

Nhưng ở Tam Kỳ, rừng xanh dường như nằm giữa phố, với vỉa hè rộng, thoáng, được quy hoạch bài bản dưới những hàng cây xanh rợp bóng. Cảm giác được chạy giữa phố mà như đang thả bước dưới những tán rừng thưa, vừa an toàn, vừa thư thái, vừa tiện nghi, vừa trong lành. Đây là đặc quyền mà rất ít đô thị nào ở Việt Nam có được.

Đâu chỉ là vỉa hè, cảnh sắc của Tam Kỳ cũng có một nét rất riêng khi sở hữu tổ hợp không gian xanh trải dài: những cánh “rừng giữa phố”, những hồ nước yên bình, những công viên dọc theo các đường lớn, đan xen trong lòng đô thị, len vào tận từng khu dân cư.

Tôi về, bồi hồi đi ngang trường cũ - THCS Nguyễn Du, thầm biết ơn ai đó đã chọn quy hoạch vùng phụ cận thành một hồ nước mênh mang. Điều này vừa giải áp lực thoát nước cho đô thị trong mùa mưa, vừa tạo cảnh quan cho đô thị, vừa giữ được không gian học tập yên tĩnh và lý tưởng. Ở những thành phố lớn, có khi, trường học phải trang bị tường cách âm để lớp học không bị xao nhãng bởi tạp âm từ những nhà hàng xập xình hay những khu chợ huyên náo gần đó.

Đi thêm chút nữa, băng qua phía bên kia đường, tôi bất ngờ gặp một đoạn kênh trải dài dọc theo khu đô thị mới ADB. Tôi chạy đi chạy lại bao lần cũng không ngưng được sự trầm trồ. Chúng điềm nhiên nằm giữa phố thị như một lời khẳng định dung dị cho mối giao hòa giữa con người và thiên nhiên.

Phố cũ mà mới, từ góc nhìn của một người con xa quê

Tôi nhớ lại những năm 2000, khi còn là một đứa trẻ lén nghe người lớn bàn chuyện quy hoạch Tam Kỳ, khi thị xã đạt chuẩn đô thị loại 3, rồi được nâng cấp lên thành phố trực thuộc tỉnh.

Khi ấy, nhiều người cho rằng triết lý “phố trong làng, làng trong phố” là một giấc mơ có phần xa vời và đi ngược trào lưu. Có những tiếng cười đùa rằng Tam Kỳ là “thành phố trực thuộc nông thôn”.

Nhưng giờ đây, khi nhìn lại, mới thấy đó là tầm nhìn chiến lược, tạo nét duyên thầm mà hiếm nơi nào có được. Những đô thị khác ở miền Trung đang phủ bê tông, đem quán bar đặt sát bờ biển, làm nên những phố biển na ná nhau.

Nơi đó, con người tưởng rằng mình có thể kiểm soát thiên nhiên nhưng lại vô tình tự đẩy mình vào mâu thuẫn không hồi kết, họ bị cuốn vào sự bành trướng và vòng quay không nghỉ của quá trình đô thị hóa ào ạt do chính mình tạo nên. Tam Kỳ chọn một hướng đi khác: phát triển hòa hợp với thiên nhiên, gìn giữ bản sắc và không gian sống bền vững cho thế hệ sau.

Tam Kỳ không vội vã san lấp đất đai để chạy theo những cơn sốt. Thay vào đó, thành phố ưu tiên dành đất để trồng cây, giữ lại những vị trí đắc địa nhất cho những “khoảng nghỉ” để người dân có thể thư thái hít thở, tận hưởng cuộc sống. Đó là quyết định không chỉ thể hiện tầm nhìn quy hoạch mà còn là sự cân nhắc đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng lên trên những lợi ích trước mắt.

Tam Kỳ của ngày mai: thành phố chữa lành

Nhìn những con đường và cây cầu mới, dễ thấy rằng Tam Kỳ đang hướng mạnh về phía Đông, nơi có biển Tam Thanh xinh đẹp, dòng Trường Giang hiền hòa chảy ra vịnh Kỳ Hà. Nhưng phát triển không thể chỉ đơn thuần là mở rộng diện tích hay xây dựng những công trình hoành tráng.

z6288938336425_55e87c57aeb2651a34d387563d114d5b.jpg
Một góc không gian đô thị Tam Kỳ vào buổi sáng sớm. Ảnh: XUÂN HIỀN

Quy hoạch đến năm 2050, Tam Kỳ sẽ trở thành đô thị loại I, kết nối với Khu kinh tế mở Chu Lai và các vùng phụ cận, phát triển theo mô hình đô thị xanh, bảo tồn di tích lịch sử song hành với phát triển kinh tế.

Điều đó có nghĩa thành phố vẫn sẽ giữ vững triết lý “phố trong làng, làng trong phố”, phát huy lợi thế của những “lá phổi” tự nhiên từ sông, hồ, đầm, núi để tạo nên một không gian sống đáng mơ ước, cho người Tam Kỳ, hay bất cứ ai từ nơi xa có duyên tìm đến.

Nếu có dịp, tôi mời bạn dạo một vòng Tam Kỳ vào sớm mai. Hãy thong dong đi bộ dưới những hàng cây trên đường Trần Hưng Đạo, rẽ qua Nguyễn Chí Thanh, hoặc dừng lại bên một góc phố nhỏ dưới hàng sưa mới trồng trên đường Bạch Đằng, hít hà không khí trong lành, phòng tầm mắt qua những khúc sông, nhìn ra những cánh đồng thẳng cánh cò bay.

Không phải băng xe qua, mà là thả từng bước chân tĩnh tại, hẳn sẽ lắng nghe những nhịp điệu rất riêng của đô thị Tam Kỳ, một nhịp sống chậm rãi nhưng kỳ thực rất văn minh, một thành phố đang phát triển nhưng không vội vã đánh đổi thiên nhiên để đổi lấy sự hào nhoáng nhất thời.

Tam Kỳ đã, đang và sẽ là một đô thị chữa lành, một nơi mà người ta không cần phải “trốn” khỏi phố xá để tìm kiếm sự bình yên. Ngay trong lòng đô thị này, bình yên đã luôn hiện hữu. Con người không phải đắn đo lựa chọn giữa bản sắc và phát triển, bởi nơi đây, “làng” và “phố” song hành và bổ trợ nhau.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chạy giữa phố trong làng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO