Theo gương Bác

Cách viết của Bác, càng học càng thấm

BÌNH MINH 12/06/2024 08:15

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tự học tập, nghiên cứu và có được học vấn uyên bác, hiểu biết toàn diện, sâu rộng. Người để lại di sản phong phú và vĩ đại; trong đó có nhiều bài học quý về cách viết với những kinh nghiệm, chỉ dạy sâu sắc.

bac-lam-viec-tai-chien-khu.jpg
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại chiến khu Việt Bắc trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh: Tư liệu.

Trong bộ Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011), kinh nghiệm về cách viết, Bác dạy cô đọng, yêu cầu chỉ đặt ra và trả lời được sáu câu hỏi cốt lõi. Thứ nhất là viết cho ai? Câu trả lời ở đây, theo Bác là viết cho đại đa số công, nông, binh. Thứ hai, viết để làm gì? Bác trả lời là để giáo dục, giải thích, cổ động, phê bình; để phục vụ quần chúng.

Thứ nữa là viết cái gì? Câu hỏi này, Bác rất linh hoạt, tùy nội dung vấn đề yêu cầu để trả lời, nhưng phải có lập trường vững. Xác định ta, bạn, thù thì viết mới đúng. Đối với ta và bạn thì nêu cái hay, cái tốt, nhưng phải có chừng mực, chớ phóng đại. Phê bình cái xấu một cách thật thà, chân thành, đúng đắn. Còn đối với địch thì nêu cái hung ác, xấu xa.

bc-doc-bao.png
Đọc báo là nhu cầu hằng ngày của Bác, đồng thời cũng là cách Bác tự rèn luyện nghiền ngẫm về cách viết. Ảnh: Tư liệu.

Thứ tư, lấy tài liệu đâu mà viết? Bác chỉ dạy, muốn có tài liệu phải xem, đọc và ghi chép. Trong đó, phải nghe, ở đây là nghe cán bộ, nghe các chiến sĩ, nghe đồng bào để có tài liệu viết. Phải hỏi tức là hỏi những người đi xa về, hỏi nhân dân, hỏi bộ đội, hỏi công việc, hỏi tình hình ở các nơi. Và phải thấy, đương nhiên phải đi đến nơi, nhìn tận mắt để thấy.

Kế đến là viết thế nào? Bác định hướng, viết thì phải thiết thực, cụ thể, chớ lộ bí mật. Viết ngắn chừng nào hay chừng ấy, nhưng phải đủ ý. Tránh lối viết dài dòng, “dây cà ra dây muống”. Và cuối cùng khi viết rồi thì phải thế nào? Sinh thời, Bác rất cầu thị, cẩn trọng và khi viết rồi nhất thiết phải đọc đi đọc lại, sửa đi sửa lại, phải nhờ người đọc và cho nhận xét.

Bác đặc biệt căn dặn người viết bao giờ cũng phải tự hỏi: Ta viết cho ai xem? Chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ thì chớ viết. Không biết rõ, hiểu rõ thì chớ viết. Khi không có gì cần viết, chớ viết càn…

Trong lần nói chuyện với cán bộ đoàn các cơ quan Trung ương ở Hà Nội sau khi Bác vừa mới mất vào ngày 11/12/1969, cố nhà thơ Việt Phương, một người gần gũi, thấm nhuần tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác có truyền đạt, Bác luôn nhắc mỗi khi viết, cốt yếu là phải viết sao cho người ta hiểu được, nhớ được, làm được. Quan hệ giữa ý và lời, thì ý nhiều hơn lời. Dùng chữ nhỏ để nói việc lớn và sâu, chớ dùng chữ to để nói việc nhỏ mà cạn. Viết, diễn đạt được sự giản dị đối với cái tưởng chừng như phức tạp…

bac-tiep-bc.png
Bác Hồ trong một lần tiếp xúc với các phóng viên báo chí. Ảnh: Tư liệu.

Cuộc đời con người, từ khi ngồi ghế nhà trường đến ra đời với cuộc sống, công việc thường nhật mưu sinh, viết là nhu cầu, việc làm tất yếu không thể tránh đối với mỗi con người. Viết nhiều hay viết ít tùy thuộc vào công việc gắn với vận mệnh của mỗi trường hợp cụ thể. Cách viết, những lời căn dặn khi viết của Bác, không đặt ra những yêu cầu quá khó, quá cao siêu nhưng thật sự không hề dễ đạt được nếu mỗi người chưa có sự phân tích suy ngẫm chín muồi để lĩnh hội, làm theo.

Đối với những người hay viết như làm báo, làm công tác văn phòng, hành chính, tổng hợp…, phong cách viết, những lời dạy, căn dặn của Bác về cách viết càng học, càng nghiền ngẫm thật sự chúng ta càng “thấm”, càng nhận thấy được sự uyên thâm, tinh tế và có tính giáo dục, thời sự rất sâu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cách viết của Bác, càng học càng thấm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO