Cải cách hành chính và chuyển đổi số: Tập trung khắc phục khâu yếu nhất

NGUYÊN ĐOAN 17/08/2022 08:20

Sáng 16.8, tại phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số (CCHC&CĐS) tỉnh, nhiều ý kiến thảo luận của thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc nhìn nhận, văn bản chỉ đạo được ban hành rất đầy đủ, kịp thời, song việc triển khai thực hiện còn chậm, đang là khâu yếu, cần được nhận diện nghiêm túc và tập trung khắc phục từ mỗi sở, ngành, địa phương.

Quang cảnh phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số diễn ra sáng 16.8 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo. Ảnh: N.Đ
Quang cảnh phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số diễn ra sáng 16.8 dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo. Ảnh: N.Đ

“Tiếng nói” của doanh nghiệp

Phân tích làm rõ hơn về kết quả Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư, PCI năm 2021 của Quảng Nam đạt 66,24 điểm, xếp vị thứ 19/63 tỉnh, thành trong cả nước; đứng thứ 4/12 địa phương vùng duyên hải miền Trung và thuộc nhóm có chỉ số khá. So với năm 2020 thì PCI năm 2021 của Quảng Nam có sự cải thiện về điểm số (tăng 0,52 điểm) nhưng bị giảm hạng (giảm 6 bậc).

Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC&CĐS cho rằng, qua phân tích các báo cáo cho thấy, chuyển động về CCHC&CĐS của Quảng Nam đang chậm hơn so với nhiều địa phương khác. Vì vậy, nếu cả hệ thống chính trị không quyết tâm chính trị cao, quyết liệt trong hành động thì sẽ ngày càng kéo dài khoảng cách về CCHC&CĐS với các địa phương.

Về nguyên nhân giảm thứ hạng PCI năm 2021 của Quảng Nam, ông Thử cho hay, chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền đạt 6,55 điểm, xếp thứ 47/63 tỉnh, thành; giảm 0,81 điểm và giảm 42 bậc.

Có 69% doanh nghiệp đánh giá chính quyền cấp huyện, thị xã không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh, thành phố. Có 55% doanh nghiệp đánh giá sở, ngành không thực hiện đúng chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh.

Trong khi đó, 93% doanh nghiệp cho rằng UBND tỉnh linh hoạt trong khuôn khổ pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi; 89% doanh nghiệp cho rằng UBND tỉnh năng động và sáng tạo trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh; 83% doanh nghiệp nhận định các khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc doanh nghiệp tại tỉnh. Có 84% doanh nghiệp tin tưởng rằng lãnh đạo địa phương đã hành động để thực hiện các cam kết cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình.

Với số liệu phân tích nêu trên, ông Thử đưa ra nhận định và nhận được sự đồng tình cao của các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo dự phiên họp, đó là: Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của lãnh đạo tỉnh ở các sở ban ngành còn chậm, chưa hiệu quả. Đây cũng là khâu yếu nhất làm ảnh hưởng đến công tác CCHC của tỉnh.

Đưa ra 8 giải pháp cải thiện Chỉ số CPI của Quảng Nam trong thời gian đến, với quyết tâm nằm trong top 15 của cả nước, ông Nguyễn Quang Thử nói, tỉnh tiếp tục rà soát chuẩn hóa, đề xuất đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), cắt giảm thời gian giải quyết và tập trung vào những lĩnh vực còn hạn chế, hồ sơ tồn đọng nhiều, thời gian giải quyết chậm như đất đai, xây dựng, lao động, chính sách xã hội và kinh doanh có điều kiện…

Đặc biệt, ông Thử đề xuất sớm nghiên cứu đưa nội dung “Kết quả Chỉ số DDCI của các sở, ban, ngành và địa phương” vào làm tiêu chí đánh giá, xếp loại đảng viên đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương hằng năm.

“Cần luân chuyển, thay thế cán bộ thiếu tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, giải quyết công việc chậm trễ, gây khó khăn, sách nhiễu hoặc các trường hợp có phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp về tinh thần phục vụ chưa tốt” - ông Thử đề xuất.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Có thể thấy, với ba bộ chỉ số - phản ánh từ cộng đồng doanh nghiệp (PCI), người dân (PAPI) và cơ quan nhà nước phụ trách CCHC (PARINDEX) không có sự chênh lệch lớn, điều này phản ánh sát thực tế về bức tranh CCHC của tỉnh.

Cùng với đánh giá của doanh nghiệp như phân tích ở trên, sự phản ánh rõ hơn, khi điểm điều tra xã hội học đối với nhóm đối tượng công chức lãnh đạo, quản lý đứng thứ 55; điểm chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước đứng thứ 57.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh - Phó Trưởng ban Chỉ đạo CCHC&CĐS cho rằng, qua các báo cáo, ý kiến thảo luận tại phiên họp cho thấy, hệ thống các văn bản chỉ đạo triển khai rất đầy đủ, kịp thời ở mỗi thời điểm, tham khảo kinh nghiệm từ thực tiễn của các địa phương khác.

Nhưng việc tổ chức thực hiện của các sở ngành, địa phương vẫn là khâu yếu nhất. Theo đó, trong quá trình triển khai nhiệm vụ CCHC chúng ta phải tập trung cùng giải quyết khâu yếu nhất này bằng các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Đến nay, nhiệm vụ chuyển đổi số được tỉnh thực hiện đạt kết quả tích cực, nhưng cũng cần xem lại đâu là khâu nào đang yếu nhất, nổi lên nhiều để tập trung giải quyết, hỗ trợ cho việc nâng các chỉ số thành phần CCHC của tỉnh thời gian tới.

Đó là xây dựng cơ sở dữ liệu của các ngành, hệ thống đầu tư trang thiết bị, cơ sở phục vụ cho quá trình chuyển đổi số và ưu tiên ở những bộ phận giao dịch trực tiếp với người dân, với doanh nghiệp; những bộ phận rất quan trọng như đất đai, xây dựng… Cùng với đó, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các sở ngành, địa phương.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường - Trưởng ban Chỉ đạo CCHC&CĐS nhấn mạnh, để tập trung thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CCHC&CĐS, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng chính quyền, nền kinh tế số và xã hội số, công dân số; nâng cao chất lượng phần mềm hệ thống quản lý, xử lý văn bản; nền tảng tích hợp, chia sẻ. Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả mô hình cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Công khai, minh bạch tiến độ giải quyết TTHC, kết quả số hóa hồ sơ, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp; công khai cơ quan, đơn vị, địa phương chậm thực hiện nhiệm vụ được giao.

Quyết tâm rút ngắn khoảng cách giữa việc ban hành các văn bản đến triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của tỉnh. Đồng thời, thống nhất phân cấp, phân quyền mạnh trong giải quyết TTHC, không để nhiều tầng nấc kéo dài, gây nhũng nhiễu phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết TTHC gắn với kiểm tra, thanh tra, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cải cách hành chính và chuyển đổi số: Tập trung khắc phục khâu yếu nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO