Công cụ đánh giá chuyển đổi số

VINH ANH - PHƯƠNG THUẬN 07/10/2022 07:43

Cùng với Bản đồ thực thi thể chế, Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2425 ngày 16.9.2022 là những công cụ cần thiết để giám sát, đánh gan chuyển đổi số của các ngành, địa phương.

TP.Tam Kỳ tổ chức diễu hành, cổ động trực quan hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2022. Ảnh: VINH ANH
TP.Tam Kỳ tổ chức diễu hành, cổ động trực quan hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm 2022. Ảnh: VINH ANH

Một cách làm mới

Ngày 7.4.2022, UBND tỉnh ban hành Công văn 2078 đưa vào sử dụng Bản đồ thực thi thể chế tỉnh Quảng Nam (gọi tắt là Bản đồ) tại địa chỉ “bandotheche.quangnam.gov.vn” nhằm phục vụ giám sát, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC), chuyển đổi số (CĐS). Sử dụng Bản đồ này là một trong những cách làm mới nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp về hành chính công.

Trên Bản đồ, địa phương có tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) đúng hạn, trước hạn từ 90% trở lên thể hiện màu xanh, từ 80% trở lên thể hiện màu vàng, từ 70% trở lên thể hiện màu cam và dưới 70% thể hiện màu đỏ; số lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt từ 50% trở lên thể hiện màu xanh, dưới 50% thể hiện màu đỏ; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt từ 25% trở lên thể hiện màu xanh, dưới 25% thể hiện màu đỏ.

Tam Kỳ tổ chức Ngày hội chuyển đổi số

Hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia (10.10), trong 2 ngày 7 & 8.10, tại Quảng trường 24.3, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức Ngày hội CĐS năm 2022 với chủ đề “CĐS giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”.

Ngày hội nhằm nâng cao nhận thức trong nhân dân về tầm quan trọng của CĐS. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong các cấp chính quyền và nhân dân để triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả các lĩnh vực CĐS trên địa bàn. Các hoạt động chính của ngày hội gồm: chương trình khai mạc và khai trương IOC thành phố; diễu hành tuyên truyền, cổ động trực quan; phát động cuộc thi tìm hiểu về CĐS trên mạng internet; ra mắt các tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt; tổ chức các gian hàng giới thiệu, trưng bày, mua bán sản phẩm CĐS, mua bán hàng hóa thanh toán không dùng tiền mặt; chương trình giao lưu “Âm nhạc đường phố”; triển khai quầy giao dịch lưu động giải quyết thủ tục hành chính cho nhân dân...(VINH ANH)

Từ khi đưa vào vận hành Bản đồ, số liệu được hệ thống tự động cập nhật hằng ngày nên giúp lãnh đạo tỉnh, sở ngành và lãnh đạo cấp huyện, xã theo dõi, đôn đốc cán bộ, công chức tập trung thực hiện nhiệm vụ được giao.

Thông qua đây cũng giúp cho việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác cải cách hành chính được công khai, minh bạch hơn.

Hiện nay, Bản đồ được mở rộng để cập nhật dữ liệu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, tổ công nghệ cộng đồng, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hài lòng, thanh toán trực tuyến, giúp lãnh đạo, cơ quan chức năng dễ dàng giám sát, đôn đốc những tồn đọng trong công tác quản lý điều hành, thực hiện nhiệm vụ.

Theo ông Thái Hồng Nhất - Chủ tịch UBND phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ, chỉ cần truy cập Bản đồ sẽ biết tiến độ giải quyết TTHC của phường được triển khai đến đâu, tồn đọng mức nào.

Thông qua đây, giúp lãnh đạo phường kịp thời chỉ đạo các bộ phận chuyên môn thực hiện đảm bảo việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trên phần mềm một cửa điện tử; thực hiện trả hồ sơ đúng hẹn, trước hẹn; góp phần giúp người dân ưu tiên thực hiện giải quyết hồ sơ qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 - 4.

“Cùng với việc giám sát nhiệm vụ từ Bản đồ, chúng tôi cũng thường xuyên chỉ đạo Tổ xung kích mô hình “Công dân không viết” tăng cường hướng dẫn người dân đăng ký thực hiện dịch vụ công trực tuyến để giảm bớt phiền hà” - ông Nhất cho biết thêm.

Ông Avô Tô Phương - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang nói, trước đây địa phương có tỷ lệ hồ sơ trễ hạn rất cao. Sau khi tỉnh đưa Bản đồ vào giám sát, huyện cũng đã vào cuộc tích cực, cập nhập hằng ngày để nắm được tỷ lệ giải quyết hồ sơ và các cấp độ của từng xã, thị trấn; đồng thời tạo điều kiện tốt hơn để UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban nhanh chóng giải quyết hồ sơ kịp thời, đảm bảo.

“Từ khi ứng dụng chuyển đổi số, mà cụ thể là thực hiện Bản đồ của tỉnh, Đông Giang nâng cao tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính đúng thời gian quy định, luôn ở vùng xanh trên bản đồ. Trong thời gian tới, tôi hy vọng tỉnh tiếp tục nâng cấp Bản đồ, phân tích sâu hơn, kỹ hơn, chính xác hơn” - ông Avô Tô Phương chia sẻ.

Cán bộ sở, ban ngành, địa phương tham gia tập huấn đảm bảo an toàn thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số. Ảnh: V.A
Cán bộ sở, ban ngành, địa phương tham gia tập huấn đảm bảo an toàn thông tin phục vụ công tác chuyển đổi số. Ảnh: V.A

Trong nhiều cuộc họp đánh giá công tác CĐS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thường xuyên đề nghị Sở Thông tin - truyền thông (TT-TT) đưa thêm nhóm chỉ tiêu vào Bản đồ thực thi thể chế.

Nhờ số liệu được hệ thống cập nhật hàng ngày, Bản đồ thực thi thể chế là công cụ giúp lãnh đạo các cấp, ngành theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện, đồng thời giúp việc đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ trong công tác CCHC, CĐS công khai, minh bạch hơn.

Tới đây, Bản đồ sẽ mở rộng giám sát tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo các địa phương; công khai tỷ lệ thu ngân sách... Từ đó phát huy được ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, thực hiện cải cách hành chính và điều hành kinh tế - xã hội.

Đánh giá chuyển đổi số

Nếu Bản đồ nói trên nhằm theo dõi một số nhóm chỉ tiêu cơ bản thì Bộ chỉ số đánh giá CĐS (DTI) được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2425 là công cụ đánh giá công tác CĐS ở cả 3 cấp. Bộ chỉ số được phân thành nhóm chỉ số nền tảng chung và nhóm chỉ số về hoạt động với các chỉ số cụ thể về: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, hoạt động chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Bộ chỉ số mỗi cấp sẽ có từng thang điểm đánh giá tương ứng.

Bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, việc xây dựng Bộ chỉ số đánh giá CĐS của tỉnh dựa theo Quyết định số 1726 ngày 12.10.2020 và Quyết định số 922 ngày 20.5.2022 của Bộ TT-TT về việc phê duyệt đề án “Xác định Bộ chỉ số đánh giá CĐS của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”.

Bộ chỉ số của tỉnh cơ bản dựa theo đề án của bộ, tuy nhiên trong quá trình xây dựng dự thảo, Sở TT-TT đã có sự điều chỉnh phù hợp với tình hình và nhu cầu thực tế của địa phương, sau đó tổ chức lấy ý kiến các đơn vị trước khi trình UBND tỉnh ban hành.

Theo Quyết định 2425, trên cơ sở chấm điểm, đánh giá và báo cáo của các cơ quan, đơn vị trên phần mềm quản lý chấm điểm “dti.quangnam.gov.vn”, Sở TT-TT thực hiện việc thẩm định, xác minh số liệu mức độ CĐS trong các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện và trình UBND tỉnh công bố; UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện thẩm định, đánh giá, xếp loại và công bố kết quả CĐS cấp xã.

Kết quả xếp hạng CĐS được chia thành 4 nhóm tốt, khá, trung bình, yếu tương ứng với các mức từ 90% trở lên; từ 70% đến dưới 90%; từ 50% đến dưới 70%; dưới 50%. Nếu cơ quan, đơn vị không tự đánh giá trên phần mềm chấm điểm của tỉnh thì xếp hạng yếu.

Trao đổi với phóng viên về vai trò của Sở TT-TT trong đánh giá chỉ số CĐS của sở, ngành, huyện, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, đây là nhiệm vụ UBND tỉnh giao phù hợp với chức năng nhiệm vụ của Sở TT-TT là cơ quan tham mưu, giúp UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực TT-TT.

Tuy nhiên bộ chỉ số CĐS đa dạng trên tất cả lĩnh vực kinh tế - xã hội, nhiều tiêu chí cần phải điều tra xã hội học, nên việc đánh giá sẽ mất nhiều thời gian. Sở TT-TT đang đề xuất xây dựng phần mềm quản lý, đánh giá bộ chỉ số CĐS, trong đó phục vụ cho quản lý dữ liệu và điều tra xã hội học.

Theo bà Quyên, hằng năm, Sở TT-TT phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh đưa kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS vào nội dung xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của người đứng đầu và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm của các cơ quan, đơn vị.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức việc đánh giá và công bố mức độ CĐS cấp xã định kỳ hằng năm theo quy định, đưa kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS cấp xã vào nội dung xác định trách nhiệm trong thực thi công vụ của người đứng đầu và đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét danh hiệu thi đua, khen thưởng hằng năm của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công cụ đánh giá chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO