Đồng hành và sẻ chia

THÀNH CÔNG 28/08/2020 09:12

(QNO) - Hồ sơ được giải quyết nhanh gọn, trả tại nhà; tư vấn, hỗ trợ đăng ký khai sinh lưu động; đổi mới cách thức tuyên truyền theo hướng gần gũi, dễ tiếp nhận, tạo được sức hút với người nghe là nỗ lực đáng ghi nhận của Phòng Tư pháp huyện Đại Lộc suốt nhiều năm qua. Trong đại dịch Covid-19 này, đơn vị còn đồng hành, sẻ chia với cộng đồng nhằm đẩy lùi dịch bệnh.

Tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19, tặng quà cho các gia đình khó khăn trong đại dịch. Ảnh: C.T
Phòng Tư pháp Đại Lộc tổ chức tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 và tặng quà người dân khó khăn. Ảnh: C.T

Góp một bàn tay

Những ngày đầu khi xuất hiện ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, Đại Lộc căng mình với công tác phòng chống dịch. Không đứng ngoài cuộc, Phòng Tư pháp huyện kịp thời tham mưu UBND huyện ban hành văn bản tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm và các chế tài xử phạt 13 hành vi vi phạm phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Phòng Tư pháp đã biên soạn đề cương tuyên truyền, in ấn hơn 10 nghìn tờ rơi phát cho các khu cách ly tập trung, công ty, xí nghiệp đóng trên địa bàn và người dân địa phương. Phối hợp UBND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền tại chợ, khu dân cư và các tụ điểm người dân thường qua lại. Mọi kênh thông tin đều được huy động cho công cuộc tuyên truyền, như trên loa truyền thanh xã, thôn, loa di động, xe lưu động, tuyên truyền trên mạng xã hội Facebook, Zalo.

Phòng Tư pháp Đại Lộc cùng UBND xã Đại Cường tổ chức tuyên truyền, lập phiên chợ 0 đồng giúp đỡ bà con địa phương. Ảnh: C.T
Phối hợp tổ chức “phiên chợ 0 đồng” tặng quà người dân xã Đại Cường. Ảnh: C.T

Theo ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Lộc, trong đợt Covid-19 đầu tiên, đơn vị tổ chức tuyên truyền trực tiếp tại 18 chợ, kết hợp phát tờ rơi, tặng khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí và tiếp tục đi đến 113 thôn, khu dân cư. Đợt Covid-19 thứ hai, tiếp tục biên soạn đề cương tuyên truyền và đã phối hợp với Trung tâm VH-TT&TT-TH huyện thu âm bài tuyên truyền về phòng chống bệnh truyền nhiễm, các chế tài xử lý có liên quan, chủ động cung cấp cho các cơ quan, ban ngành, địa phương để “phủ sóng” rộng rãi hơn. Hiệu quả mang lại đúng như mong đợi. Từ từng ngõ, từng làng, tiếng loa vang lên với lời giới thiệu “Mời bà con và các bạn nghe chương trình tuyên truyền Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm do Phòng Tư pháp huyện Đại Lộc thực hiện”… như một cuốn cẩm nang lưu động, nhắc nhở người dân chung tay thực hiện các quy định để ngăn ngừa dịch bệnh.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, Phòng Tư pháp cũng vận động nhà hảo tâm ủng hộ tiền, hàng hóa với tổng giá trị hơn 79 triệu đồng để tặng quà người nghèo, khó khăn, tàn tật và các khu cách ly, chốt kiểm soát. Cán bộ, công chức ngành tư pháp, hộ tịch toàn huyện cũng đã ủng hộ và vận động đóng góp hơn 200 triệu đồng, góp một bàn tay chia sẻ với những khó khăn do đại dịch gây ra.

“Có được kết quả trên là nhờ sự quyết tâm rất lớn cán bộ, công chức ngành tư pháp, cùng vượt qua nguy hiểm của dịch bệnh ngày đêm tập trung thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, san sẻ cùng với xã hội. Qua đó góp phần nhỏ cùng với cả hệ thống chính trị huyện chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, đem lại sự bình an cho mọi nhà” - ông Võ Ngọc Tốt nói.

Đến từng nhà trả thủ tục

Nhiều năm qua, Phòng Tư pháp Đại Lộc duy trì việc tư vấn, giải quyết hộ tịch lưu động cho một số đối tượng già cả, neo đơn, không có điều kiện đến cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục. Tư pháp cơ sở sẽ tổng hợp danh sách, Phòng Tư pháp thành lập tổ đến tận nơi, tiếp nhận hồ sơ, trả hồ sơ tại nhà.

Để tạo thuận lợi hơn cho người dân, Phòng Tư pháp Đại Lộc đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, cắt giảm 30 - 70% thời gian giải quyết, trả hồ sơ tại nhà. Thực hiện tốt quy chế liên thông “khai sinh, nhập khẩu, bảo hiểm y tế cho trẻ em và khai tử, xóa khẩu đổi với người mất”.

Những buổi tuyên truyền lưu động như thế này giúp cho người dân nắm rõ hơn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng chống dịch Covid-19.
Tuyên truyền lưu động giúp người dân nắm thông tin, kỹ năng cần thiết để phòng chống dịch Covid-19. Ảnh: C.T

Để đến gần hơn với người dân, tạo điều kiện cho những người chưa có điều kiện đến đăng ký khai sinh, cán bộ Phòng Tư pháp phối hợp UBND các xã, thị trấn tổ chức tư vấn, đăng ký khai sinh lưu động cho hàng chục trường hợp. Tại các buổi làm việc này, cán bộ đơn vị cũng đã tiếp nhận nhiều hồ sơ giải quyết theo thẩm quyền.

Việc trao trả thủ tục tận nhà là bước đi nối dài thêm sự tận tâm của ngành tư pháp địa phương, bắt đầu được thực hiện từ năm 2017 đến nay. Khi đến làm thủ tục, cán bộ tiếp nhận sẽ giải thích cho người dân thuộc nhóm đối tượng này về việc hồ sơ của họ sẽ được trao trả tại nhà. Sau khi đã giải quyết xong thủ tục, đoàn làm việc của UBND xã sẽ mang hồ sơ đến trả tận tay, tận nhà cho dân. Ngoài khoản phí theo quy định Nhà nước, cán bộ không thu bất cứ khoản phí nào của người dân. Từ khi đề án được đưa vào triển khai, đã có gần 800 hồ sơ được đưa đến tận nhà cho dân.

“Khối lượng công việc có thể nói là rất lớn, nhưng chúng tôi đều động viên nhau nỗ lực, cố gắng nhiều hơn từng ngày. Có khi việc này vừa xong kế hoạch, dự định khác đã đến và phải làm ngay, nhưng anh em đều không nề hà. Chia việc, sắp xếp khoa học, cùng nhau gánh vác, và trên hết là cái tình, là trách nhiệm với người dân địa phương, với những người gặp khó trong đại dịch. Năm nay, dịch bệnh ảnh hưởng đến rất nhiều mặt công tác, song chính nhờ những buổi tuyên truyền, nhờ từng hộp khẩu trang, nước sát khuẩn hay “phiên chợ 0 đồng” mà bà con nhớ mặt, nhớ tên mình. Phần nữa, là nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp đã không ngại khó khăn, nguy hiểm của dịch bệnh đã tiền phong, gương mẫu đi đầu trong thực hiện nhiệm vụ” - ông Võ Ngọc Tốt - Trưởng phòng Tư pháp huyện Đại Lộc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đồng hành và sẻ chia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO