Hiệp Đức quyết tâm chuyển đổi số

VINH ANH - MAI NHI 30/08/2022 05:37

Thực hiện chủ trương chuyển đổi số, đến nay, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Hiệp Đức đã ban hành đầy đủ các văn bản chỉ đạo, triển khai, với quyết tâm thực hiện đồng bộ, toàn diện.

Hiệp Đức đang cố gắng phối hợp để vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh huyện, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện. Ảnh: A.N
Hiệp Đức đang cố gắng phối hợp để vận hành hiệu quả Trung tâm Điều hành thông minh huyện, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo huyện. Ảnh: A.N

Quyết tâm chuyển đổi số

Sau khi Huyện ủy Hiệp Đức ban hành Chương trình số 08 (ngày 9.7.2021) thực hiện Nghị quyết số 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số (CĐS), tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, HĐND huyện Hiệp Đức khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 49 (ngày 15.7.2022) thông qua Đề án CĐS và bảo đảm an toàn thông tin mạng giai đoạn 2022 - 2026. Hiệp Đức là một trong số ít các địa phương đã ban hành nghị quyết của HĐND về CĐS.

Một số mục tiêu CĐS đến năm 2026 của huyện Hiệp Đức: hoàn thành việc tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, của tỉnh; 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, huyện, xã được xác thực điện tử; 100% thủ tục hành chính (TTHC) đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; ít nhất 50% TTHC được tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 80% hồ sơ công việc tại huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng theo đúng quy trình...

UBND huyện Hiệp Đức đã ban hành Quyết định số 495 (ngày 25.7.2022) về giải pháp thực hiện Nghị quyết số 49 của HĐND huyện.

Ông Nguyễn Phước Niên - Trưởng phòng VH-TT huyện Hiệp Đức cho biết, việc tham mưu, xây dựng đề án căn cứ từ Nghị quyết 04 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các hướng dẫn của Bộ TT-TT, Sở TT-TT và từ thực tế địa phương về điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, khả năng đáp ứng CĐS…

Gắn với mục tiêu cụ thể, đề án xác định 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chính để đầu tư, thực hiện, với tổng kinh phí dự kiến hơn 20,6 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ 286 triệu đồng, huyện bố trí hơn 12,8 tỷ đồng và xã, thị trấn hơn 7,4 tỷ đồng.

Theo ông Niên, CĐS là xu thế bắt buộc, không làm nhanh sẽ tụt hậu, do đó lãnh đạo huyện rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt nhiệm vụ này. “Các nhiệm vụ đặt ra với CĐS đều hướng đến phục vụ người dân. Huyện sẽ bố trí nguồn lực để hỗ trợ tổ công nghệ cộng đồng ở cơ sở, vì đây là cầu nối trực tiếp nhằm thúc đẩy CĐS đến người dân” - ông Niên nói.

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nhìn nhận, việc xây dựng đề án CĐS, đảm bảo an toàn thông tin mạng trên địa bàn huyện là yêu cầu cấp thiết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian đến.

Với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, Hiệp Đức quyết tâm thực hiện CĐS đồng bộ, toàn diện, phấn đấu trở thành địa phương thuộc nhóm các huyện, thị xã, thành phố CĐS tốt của tỉnh.

Khắc phục điểm yếu

Theo đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), CĐS, đảm bảo an toàn thông tin mạng ở huyện Hiệp Đức còn nhiều hạn chế.

Trong đó, phần lớn thiết bị CNTT của các cơ quan, đơn vị, địa phương đầu tư chưa đồng bộ; cổng thông tin điện tử của huyện, các đơn vị, địa phương hoạt động chưa hiệu quả; tỷ lệ xử lý văn bản điện tử và thực hiện ký số theo đúng quy trình trên hệ thống phần mềm chưa đạt được kế hoạch đề ra...

Huyện Hiệp Đức phối hợp với VNPT Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Ảnh: A.N
Huyện Hiệp Đức phối hợp với VNPT Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Ảnh: A.N

Đặc biệt, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phát sinh hồ sơ thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có 21 hồ sơ phát sinh/4.918 hồ sơ tiếp nhận (tỷ lệ 0,42%), đa số người dân vẫn quen với hình thức nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại Bộ phận tiếp nhận trả kết quả các cấp, chưa có thói quen, kỹ năng giao dịch trực tuyến, nộp hồ sơ qua mạng. Nguồn nhân lực đảm nhận triển khai và tổ chức quản lý vận hành hệ thống CNTT, tham gia quá trình CĐS, đảm bảo an toàn thông tin mạng còn thiếu và còn yếu.

Ông Nguyễn Văn Nam cho rằng: “Vấn đề của CĐS, lo nhất không phải là hạ tầng, tiền nong mà là con người. Nếu không hiểu CĐS là gì thì sao làm? Do đó, CĐS quan trọng nhất vẫn là nhận thức, điều này đòi hỏi khâu đào tạo, bồi dưỡng cần ưu tiên hàng đầu. Anh em mình bây giờ ai cũng đủ chuẩn, đủ chứng nhận nhưng việc ứng dụng CNTT vào thực tế còn nhiều hạn chế”.

Ông Nam cho biết, Hiệp Đức xác định cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội, động lực để huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng chính quyền số, đảm bảo các mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững theo hướng chuyển đổi sang nền kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hiệp Đức quyết tâm chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO