Liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu: Bất cập, thiếu tính đồng bộ

VINH ANH 18/02/2022 11:34

Kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu là nội dung trọng tâm trong việc phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà vấn đề này chậm triển khai, gây cản trở không nhỏ đối với mục tiêu chuyển đổi số của từng ngành, địa phương.

UBND huyện Nông Sơn giới thiệu về Trung tâm điều hành thông minh của huyện vừa khai trương. Ảnh: VINH ANH
UBND huyện Nông Sơn giới thiệu về Trung tâm điều hành thông minh của huyện vừa khai trương. Ảnh: VINH ANH

Báo cáo về kết quả đăng ký kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) của các bộ, ngành trung ương, ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT&TT) cho biết, Quảng Nam đã xây dựng Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh, kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia do Bộ TT&TT quản lý, sẵn sàng khai thác các CSDL quốc gia, hệ thống thông tin có quy mô phạm vi từ trung ương đến địa phương.

Đến nay, Sở TT&TT đã kết nối, đưa vào khai thác các dịch vụ dữ liệu trên Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, bao gồm: hệ thống cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến; hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch; CSDL quốc gia về văn bản quy phạm pháp luật; CSDL quốc gia về đăng ký doanh nghiệp; hệ thống của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam; hệ thống cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách; hệ thống thông tin quản lý danh mục điện tử dùng chung của các cơ quan nhà nước phục vụ phát triển chính phủ điện tử; liên thông tài nguyên môi trường - thuế; hệ thống thanh toán trực tuyến; CSDL quốc gia về bảo hiểm và CSDL cấp, đổi giấy phép lái xe.

Mô hình minh họa việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL của bộ, ngành trung ương. Ảnh: V.A
Mô hình minh họa việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL của bộ, ngành trung ương. Ảnh: V.A

Theo Sở TT&TT, các hệ thống thông tin, CSDL quốc gia, CSDL chuyên ngành do các bộ, ngành triển khai trên địa bàn tỉnh gồm 6 CSDL quốc gia (CSDL quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, dân số, tài chính và bảo hiểm) và 80 CSDL do các bộ, ngành triển khai từ trung ương đến địa phương. Trong 80 CSDL của các bộ, ngành, có 23 CSDL đã triển khai đến cấp huyện, 13 CSDL triển khai đến cấp xã (chủ yếu các lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, y tế, tài chính - kho bạc, lao động thương binh xã hội), 14 CSDL đã kết nối chia sẻ dữ liệu qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia, hầu hết các CSDL còn lại chưa có dịch vụ chia sẻ dữ liệu mặc định. Một số CSDL có chia sẻ dữ liệu nhưng không qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia như CSDL giấy phép lái xe, giáo dục…

Tuy nhiên, theo ông Sơn, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL của bộ, ngành trung ương còn gặp nhiều vướng mắc. Đó là nhiều hệ thống thông tin, CSDL các bộ, ngành triển khai chưa sẵn sàng chia sẻ dữ liệu; số lượng CSDL của trung ương chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia còn rất ít (chỉ có 14/80 CSDL), còn lại chưa có chia sẻ dữ liệu hoặc chia sẻ trực tiếp, dẫn đến khó khăn cho các địa phương trong việc kết nối dữ liệu.

Bên cạnh đó, các CSDL do trung ương triển khai hầu hết đều rời rạc, từng hệ thống riêng biệt, không liên thông dữ liệu với hệ thống chính quyền điện tử của tỉnh. Hiện nay chưa có quy định về danh mục và cơ quan chịu trách nhiệm cập nhật dữ liệu dùng chung sử dụng thống nhất trong các hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước dẫn đến cấp tỉnh khó khăn trong việc đồng bộ, cập nhật dữ liệu danh mục dùng chung…

Chủ trì cuộc họp liên quan đến nội dung nêu trên được tổ chức gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu một lần nữa đề nghị các sở, ban ngành thực hiện đúng Công văn số 428 ngày 18.1.2022 của UBND tỉnh.

Theo đó, các sở, ngành phải khẩn trương đăng ký kết nối, chia sẻ dữ liệu với CSDL của các bộ, ngành trung ương. Việc này phải được thực hiện sớm để UBND tỉnh ký, gửi bộ, ngành trung ương.

Theo Sở TT&TT, bên cạnh việc rà soát, tham mưu UBND tỉnh đề xuất các bộ, ngành hỗ trợ chia sẻ dữ liệu theo nhu cầu của đơn vị, các sở, ngành cần khẩn trương xây dựng các CSDL chuyên ngành của từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo 100% các lĩnh vực đều có CSDL chuyên ngành để quản lý dữ liệu (như đất đai, tài chính, đầu tư, xây dựng, nông nghiệp…).

Đồng thời ứng dụng khai thác dữ liệu trong công tác giải quyết thủ tục hành chính và quản lý nhà nước nhằm đơn giản hóa quy trình, giảm giấy tờ; nâng cấp phần mềm CSDL kết nối được trung tâm điều hành thông minh, Smart Quảng Nam, Egov - Quảng Nam, phục vụ công tác quản lý, điều hành của lãnh đạo tỉnh...

Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết, qua 2 năm triển khai dự án thu thấp dữ liệu dân cư, Công an tỉnh đã có CSDL nền tảng thực sự đầy đủ với 1.716.705 nhân khẩu trên tổng số 452.131 hộ trên địa bàn toàn tỉnh.

Với yêu cầu bảo mật, an toàn cao nên đến nay CSDL này mới được chia sẻ trong nội bộ ngành (chủ yếu là lực lượng cảnh sát giao thông) để phục vụ giải quyết thủ tục hành chính cho công dân. Về chia sẻ ngoại ngành, đến nay mới tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp tài khoản cho Bảo hiểm Xã hội tỉnh và 5 địa phương (Đại Lộc, Nam Giang, Nam Trà My, Quế Sơn và Thăng Bình). Ngành đã và đang kiểm tra, đề nghị khắc phục vấn đề an ninh, an toàn trước khi chia sẻ dữ liệu cho Sở TT&TT và một số ngành…

Ông Nguyễn Tấn Văn - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư cho rằng, xây dựng, đưa dữ liệu ngành lên môi trường số là yêu cầu tất yếu thúc đẩy chuyển đổi số. Tuy nhiên, để thực hiện thì giữa cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý về công nghệ thông tin và cả đơn vị tư vấn phải “gặp nhau”. Khi 3 bên thống nhất thì mới lập được dự án mang tính hiệu quả, đồng bộ cao. Và khi đó thì nguồn tiền đầu tư cho lĩnh vực công nghệ thông tin mới giải ngân được.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Liên thông, chia sẻ cơ sở dữ liệu: Bất cập, thiếu tính đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO