Nông Sơn thúc đẩy chuyển đổi số

VINH ANH - MAI NHI 29/10/2021 08:04

Huyện Nông Sơn đặt mục tiêu chuyển đổi số (CĐS) đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn huyện đến năm 2030. Với điều kiện nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật… còn nhiều khó khăn như hiện nay, để thực hiện mục tiêu về CĐS, huyện đang triển khai nhiều giải pháp.

Cán bộ phụ trách Bộ phận một cửa huyện Nông Sơn đang xử lý văn bản và thủ tục hành chính trên máy tính. Ảnh: S.A
Cán bộ phụ trách Bộ phận một cửa huyện Nông Sơn đang xử lý văn bản và thủ tục hành chính trên máy tính. Ảnh: S.A

Đầu tư hạ tầng

Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Qoffice mới được huyện Nông Sơn đưa vào sử dụng đồng bộ từ tháng 11.2020. Qua đó tiếp tục thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn huyện.

Theo Kế hoạch số 28 ngày 27.7.2021 của Huyện ủy Nông Sơn, mục tiêu đến năm 2025, huyện phát triển hệ thống nền tảng chính quyền điện tử, chính quyền số, hoàn thiện tích hợp chia sẻ dữ liệu; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến liên quan tới người dân; 90% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 100% báo cáo định kỳ của cơ quan hành chính nhà nước được cập nhật, chia sẻ trên hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; đưa vào hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của huyện; hoàn thành xây dựng xã Quế Trung thành xã thông minh…

Trực tiếp phụ trách mảng tiếp nhận, chuyển văn bản đến và đi ở Văn phòng UBND huyện, bà Đoàn Thị Lĩnh (cán bộ Bộ phận một cửa huyện Nông Sơn) là người cảm nhận rõ nhất lợi ích mà hệ thống Qoffice mang lại.

“Trung bình mỗi ngày chúng tôi tiếp nhận khoảng 30 - 40 văn bản đến và phát hành 10 - 15 văn bản đi. Vào thời điểm đặc biệt như dịch bệnh, mưa lũ, lượng văn bản đi và đến tăng đột biến. Nếu như trước tôi phải thực hiện qua nhiều thao tác, nhiều khâu, đi lại nhiều lần thì nay tất cả đều được xử lý trên máy tính. Việc ứng dụng chữ ký số, trao đổi văn bản điện tử… không chỉ góp phần rút ngắn tối đa thời gian nhận văn bản mà còn tránh bị thất lạc, thiếu sót trong quá trình trao đổi văn bản như trước” - bà Lĩnh nói.

Theo Văn phòng UBND huyện Nông Sơn, thực hiện chủ trương CĐS, xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, huyện đang triển khai đầu tư một số hạng mục về hạ tầng kỹ thuật nhằm góp phần phục vụ đắc lực công tác chỉ đạo điều hành, nâng cao hiệu quả quản lý của các cơ quan nhà nước.

Dự kiến trong tháng 11.2021, huyện đưa vào sử dụng hệ thống hội nghị truyền hình liên thông đến 6/6 xã và đầu tư thêm một điểm cầu ở trung tâm huyện, với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện đầu tư gần 2 tỷ đồng để lắp đặt hệ thống camera an ninh với 46 điểm trên 5/6 xã (xã Quế Trung đầu tư riêng theo mô hình xã thông minh). Đồng thời, huyện phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông thử nghiệm Trung tâm điều hành thông minh của huyện (IOC Nông Sơn); triển khai chứng thực điện tử phục vụ tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến…

Từ tháng 10.2021, Nông Sơn có văn bản đề nghị Bộ phận một cửa cấp huyện, xã không nhận hồ sơ giấy đối với nhóm thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Đến nay, huyện đã cung cấp 66 dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4. Nhằm đẩy mạnh tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tại các bộ phận một cửa cấp huyện, xã đã được đầu tư máy tính để hướng dẫn người dân nộp hồ sơ…

Khắc phục khó khăn

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, thực hiện Nghị quyết 04 ngày 21.4.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS, Huyện ủy Nông Sơn đã ban hành Kế hoạch số 28 ngày 27.7.2021 thực hiện CĐS trên địa bàn huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu chung của Kế hoạch là đến năm 2030, CĐS đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn huyện; hình thành và phát triển môi trường số an toàn, phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng của người dân… Cùng với đó, huyện đặt ra các mục tiêu cụ thể trong lộ trình CĐS của huyện theo từng giai đoạn.

Đến nay, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai CĐS như Công văn 476 về triển khai kế hoạch CĐS cấp xã, Quyết định 1260 về thành lập Ban chỉ đạo, Tổ giúp việc CĐS huyện cùng các kế hoạch, công văn liên quan. Tuy nhiên, theo bà Thủy, việc thực hiện CĐS trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn, thách thức về hạ tầng, nhân lực, nhận thức về CĐS...

“CĐS cần thích ứng nhanh mới theo kịp công nghệ. Nhưng hiện nay huyện chỉ có một cán bộ công chức phụ trách công nghệ thông tin trực thuộc Văn phòng UBND huyện. Trong khi, Phòng Văn hóa thông tin - cơ quan tham mưu trực tiếp cho huyện về CĐS lại chưa có cán bộ chuyên môn về lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, nguồn ngân sách huyện còn khó khăn nên chưa đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị phục vụ CĐS. Thời gian đến, bên cạnh việc đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp để thúc đẩy CĐS toàn diện, chúng tôi cần giải được bài toán căn cơ về nhân lực, cán bộ chuyên môn công nghệ thông tin. Ngoài ra, huyện cần tỉnh thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo nâng cao năng lực về CĐS; tăng cường đội ngũ chuyên gia CĐS hỗ trợ địa phương...” - bà Thủy chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nông Sơn thúc đẩy chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO