Quyết liệt chuyển đổi số

VINH ANH 25/04/2022 12:56

Cuối tuần qua, chủ trì cuộc họp về chuyển đổi số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đốc thúc các sở, ban, ngành thực hiện quyết liệt nhiệm vụ liên quan đã giao năm 2022, đặc biệt là triển khai các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến. Đến nay, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cung cấp tổng cộng 1.470 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: V.A
Dịch vụ công trực tuyến có nhiều chuyển biến. Đến nay, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cung cấp tổng cộng 1.470 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Ảnh: V.A

Tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu

Ông Trương Thái Sơn - Trưởng phòng Công nghệ thông tin (Sở TT-TT) cho biết, hiện nay các cơ quan, đơn vị đang triển khai vận hành 141 cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành, gồm 49 CSDL do trung ương triển khai và 92 CSDL do tỉnh triển khai…

Sở TT-TT cho biết, đến nay, có 16/18 huyện, thị xã, thành phố và 7/20 sở, ngành thành lập Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và CĐS. Toàn tỉnh có 355 thôn, khối phố đã thành lập tổ công nghệ cộng đồng cấp thôn, khối phố. Sóng thông tin di động và đường truyền cáp quang đã đến 100% trung tâm xã; có 205 xã đã triển khai hội nghị truyền hình trực tuyến. Các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh cung cấp tổng cộng 1.470 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; đã kiểm thử, tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.403 dịch vụ công trực tuyến. Từ ngày 1.2.2022 đến 31.3.2022, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 23,08%.

Hiện nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu của tỉnh (LGSP) đã kết nối với 11/14 CSDL do trung ương chia sẻ qua Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP).

Hiện nay LGSP đang kết nối thử nghiệm với CSDL quốc gia về dân cư, theo kế hoạch trong tháng 4.2022 kết nối chính thức, phục vụ khai thác dữ liệu dân cư.

Thực hiện Kế hoạch số 1491 ngày 15.3.2022 của UBND tỉnh về thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đột phá về chuyển đổi số (CĐS) trong năm 2022, các sở, ngành đã vào cuộc tích cực để triển khai các phần việc, đặc biệt là xây dựng CSDL chuyên ngành.

Đối với Sở Tư pháp, trong năm 2021, 2022 được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện 3 phần mềm CSDL. Đối với phần mềm CSDL về chứng thực, đơn vị tư vấn đã tập huấn cho 18 phòng tư pháp và 241 xã để chuẩn bị vận hành.

Sở chủ động mời đơn vị tư vấn xúc tiến xây dựng phần mềm hệ thống thông tin đấu giá trực tuyến và CSDL về xử lý vi phạm hành chính, dự kiến triển khai trong quý 3 và quý 4 năm 2022.

Liên quan đến xây dựng CSDL chuyên ngành, ông Bùi Xuân Hiếu - Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho rằng, hiện có quá nhiều phần mềm CSDL chuyên ngành nên sẽ rất khó cho cán bộ công chức nhớ hết tài khoản, mật khẩu của từng phần mềm.

Ngoài ra, phần mềm CSDL chuyên ngành giao tỉnh tự triển khai xây dựng liệu có tích hợp được với phần mềm CSDL của bộ xây dựng, sử dụng chung cho toàn quốc. Nếu không tích hợp được thì sẽ gây ra sự lãng phí.

“Trước đây, Sở Tư pháp có làm phần mềm hộ tịch do Công ty MISA thực hiện, sau đó Bộ Tư pháp xây dựng CSDL về hộ tịch toàn quốc bằng một phần mềm khác nên phần mềm của tỉnh không tích hợp được, phải đành bỏ” - ông Hiếu nói.

Đồng bộ thực hiện

Trong thực hiện các nhiệm vụ CĐS năm 2022, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiến nghị: “Thực hiện chủ trương CĐS, hiện nay mỗi sở, ngành vừa tự giác vừa tự phát, tự trách nhiệm để triển khai các nhiệm vụ.

Tuy nhiên, để đồng bộ, tránh phải xin chủ trương cho từng nhiệm vụ riêng, đề nghị tỉnh thống nhất cho mỗi ngành xây dựng một đề án CĐS với những nhiệm vụ cụ thể cho giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030 trên cơ sở bám sát 3 trụ cột chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Việc này sẽ giúp các sở, ngành xác định được các nhiệm vụ và nguồn vốn để thực hiện; đồng thời giúp tỉnh theo dõi, giám sát dễ dàng hơn. Đặc biệt khi xây dựng được đề án của từng ngành sẽ lồng ghép được với đề án của từng bộ ngành để triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp chuyển đổi số vào cuối tuần qua. Ảnh: V.A
Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại cuộc họp chuyển đổi số vào cuối tuần qua. Ảnh: V.A

Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính đề nghị Sở TT-TT cần có đánh giá rõ về thực trạng hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, đặc biệt hạ tầng phục vụ lưu trữ dữ liệu và các thiết bị an toàn, bảo mật. Qua đó tham mưu, đề xuất đầu tư phù hợp, đáp ứng yêu cầu CĐS.

Đối với CSDL chuyên ngành, ngoài các nhiệm vụ đã được phê duyệt, ông Phong đề nghị UBND tỉnh bổ sung nhiệm vụ để sở ngành thực hiện trong khả năng, điều kiện cho phép. Chẳng hạn, Sở Tài chính đang cần một phần mềm về hệ sinh thái tài chính thông minh.

Về nguồn lực CĐS, ông Phong nói: “Các sở, ngành cố gắng tập trung CĐS. Sở Tài chính sẽ chỉ rõ nguồn lực phục vụ CĐS để sở, ngành thực hiện. Ngoài ra, sắp tới khi phân bổ kinh phí vượt thu ngân sách, sở sẽ tham mưu tỉnh trích lại một phần phục vụ CĐS”.

Đánh giá cao các sở, ngành, địa phương đã tích cực triển khai công tác CĐS, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các sở ngành, địa phương chưa thành lập ban chỉ đạo (hiện còn 2 địa phương và 13 sở, ngành chưa thành lập - PV) khẩn trương thành lập Ban chỉ đạo Cải cách hành chính và CĐS trước ngày 10.5.2022.

Các sở ngành cần liên hệ Bộ, ngành Trung ương về hỗ trợ kết nối, chia sẻ dữ liệu với tỉnh. Rà soát, đánh giá hiện trạng về hạ tầng công nghệ thông tin, tổng hợp nhu cầu về đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng gửi Sở TT-TT tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Đối với các nhiệm vụ xây dựng CSDL chuyên ngành, triển khai CĐS phát sinh ngoài kế hoạch và đề án tổng thể của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đề nghị các ngành đề xuất bổ sung để triển khai thực hiện.

Sở TT-TT khẩn trương xây dựng kho lưu trữ điện tử dùng chung, hướng dẫn các ngành, địa phương về chuẩn dữ liệu, yêu cầu kỹ thuật trong số hóa hồ sơ và cách thức cập nhật, lưu trữ trên phần mềm. Bổ sung tiêu chí trên bản đồ thực thi thể chế của tỉnh về nội dung đánh giá tình hình thực hiện xây dựng CSDL, số hóa hồ sơ tài liệu của các cơ quan, đơn vị...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quyết liệt chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO