Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân

ANH ĐÔNG 07/03/2023 06:42

Cung cấp dịch vụ chuyển đổi số, tích hợp hệ thống dịch vụ công, đồng bộ dữ liệu lên IOC Quảng Nam… là những nội dung quan trọng được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai nhằm thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân.

Chuyển đổi số phục vụ cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: V.A
Chuyển đổi số phục vụ cuộc sống người dân ngày càng tốt hơn. Ảnh: V.A

Doanh nghiệp tích cực tham gia

Tại Quảng Nam, các doanh nghiệp công ích đang tích cực chuyển đổi số (CĐS) nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và phục vụ khách hàng.

Theo báo cáo của Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam), năm 2022, tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt đạt hơn 83%. Thời gian mất điện trung bình trên khách hàng là 248 phút, giảm 57 phút so với 2021.

Doanh nghiệp đã triển khai ký số hợp đồng điện tử và chuyển đổi từ hợp đồng giấy sang hợp đồng điện tử; tất cả khách hàng sử dụng điện được thay thế công tơ cơ bằng công tơ điện tử và đọc chỉ số từ xa; giao dịch của 12 dịch vụ điện được thực hiện theo phương thức điện tử…

Thông qua ứng dụng Smart Quang Nam, khách hàng của PC Quảng Nam dễ dàng nắm bắt thông tin về lịch tạm ngưng cung cấp điện, hướng dẫn sử dụng điện an toàn và tiết kiệm, thanh toán tiền điện trực tuyến...

Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc PC Quảng Nam cho biết, doanh nghiệp đã triển khai nhiều giải pháp CĐS nhằm nâng cao dịch vụ, chất lượng cung cấp điện. Ngoài ra, công ty triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI để tự động kiểm tra, phát hiện các bất thường thông qua hình ảnh giám sát thi công công trình đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao chất lượng công trình.

Nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số được triển khai trong thời gian qua. Trong ảnh: Các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.A
Nhiều hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số được triển khai trong thời gian qua. Trong ảnh: Các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia tại TP.Tam Kỳ. Ảnh: V.A

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, tính đến cuối năm 2022, Quảng Nam có hơn 340.950 người đăng ký, cài đặt và sử dụng ứng dụng BHXH số - VSSID; có 246/299 cơ sở khám chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân.

Ngoài ra, BHXH Quảng Nam đã triển khai 25 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công BHXH Việt Nam và 16 dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (trong đó có 3 dịch vụ công thanh toán trực tuyến)…

Đại diện BHXH tỉnh cho biết, hiện thủ tục hành chính của ngành BHXH đều được thực hiện trên không gian số. Điều này tạo sự thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí cho các cá nhân, tổ chức khi tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT.

Tại Công ty Cấp thoát nước Quảng Nam đến nay có khoảng 60% khách hàng thanh toán tiền sử dụng nước điện tử. Ngoài ra, doanh nghiệp đang áp dụng thiết bị theo dõi chất lượng nước điện tử. Đến nay, có 9/11 nhà máy thực hiện truyền dữ liệu giám sát chất lượng nước về một số chỉ tiêu như đo độ đục, clo dư... nhằm quản lý tốt chất lượng nước đầu ra.

Khắc phục khó khăn

Một số nhiệm vụ CĐS như triển khai ứng dụng số Smart Quang Nam, tích hợp dữ liệu lên Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Quảng Nam, xây dựng hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính… dù được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo nhưng kết quả đến nay vẫn còn khiêm tốn.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, từ tháng 9/2022, Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông (Sở TT-TT) đã phối hợp với VNPT thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử (Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC).

Các nội dung đã thực hiện 5 tháng qua như lựa chọn 93 TTHC cấp tỉnh, 81 TTHC cấp huyện có mức độ sử dụng nhiều để đưa vào hệ thống; hoàn thiện thực hiện chuyển danh mục dùng chung từ hệ thống cũ sang mới; xây dựng lại bộ quy trình cho các TTHC đã chọn, bộ biểu mẫu eform, bộ mẫu giấy tờ in, thành phần hồ sơ…

Ông Trương Thanh Bình - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin và truyền thông cho biết, quá trình triển khai nhiệm vụ này đang gặp những khó khăn, vướng mắc do phần mềm của VNPT còn khá nhiều lỗi, tốc độ khắc phục lỗi còn rất chậm; nhiều tính năng chưa đáp ứng như hệ thống hiện có của Quảng Nam.

Ngoài ra, VNPT Quảng Nam cũng chưa có kinh nghiệm triển khai Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa nên ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Tập đoàn VNPT cần cử người trực tiếp vào Quảng Nam hỗ trợ, sớm đưa hệ thống vào hoạt động chính thức trên địa bàn tỉnh.

Việc triển khai tích hợp dữ liệu lên IOC Quảng Nam cũng gặp không ít khó khăn. UBND tỉnh vừa tổ chức cuộc họp nhằm chỉ đạo các nhiệm vụ liên quan đến IOC Quảng Nam.

Theo VNPT Quảng Nam, đơn vị đã phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xây dựng lại bộ chỉ tiêu dữ liệu điều hành IOC. Trong đó, làm mới các hợp phần kinh tế - xã hội, môi trường, an ninh quốc phòng, phản ánh kiến nghị, xử lý văn bản Q-Office, giám sát hành chính công…

Đồng thời thực hiện đồng bộ tự động đối với các hợp phần có dữ liệu kết xuất trực tuyến qua API từ các hệ thống công nghệ thông tin khác; đồng bộ dữ liệu tự động đối với các hợp phần có dữ liệu kết xuất từ Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh - LRIS. VNPT Quảng Nam đã triển khai ứng dụng IOC cho mobile, thực hiện đồng bộ dữ liệu giữa phiên bản trên web và phiên bản mobile.

Bà Phạm Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam cho biết, đối với các chỉ tiêu dữ liệu tổng hợp từ nguồn hệ thống báo cáo LRIS phụ thuộc việc cập nhật số liệu từ các sở, ban, ngành về thời điểm, thời gian nên việc đồng bộ và tính chính xác của dữ liệu chưa được đảm bảo và chuẩn hóa trên IOC…

“Các sở, ban, ngành cần tiếp tục xây dựng, chuẩn hóa và chọn lọc các chỉ tiêu số liệu cần thiết nhất để đưa lên IOC. Các chỉ tiêu số liệu phục vụ cho IOC tỉnh cần tinh gọn, mang tính chất điều hành chung, cốt lõi, quan trọng của từng lĩnh vực” - bà Thảo kiến nghị.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các sở, ban, ngành và đơn vị khi đưa dữ liệu lên IOC phải chịu trách nhiệm về số liệu báo cáo và số liệu phải được đồng bộ. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố phải tập trung cung cấp dữ liệu của địa phương mình lên IOC tỉnh.

Để cung cấp, khai thác dữ liệu trên IOC đúng quy định, Văn phòng UBND chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ, đưa ra lộ trình, cách khai thác và sử dụng IOC trình UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất và có sự cảnh báo khi số liệu chưa chuẩn xác.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy chuyển đổi số phục vụ người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO