Xây dựng xã thông minh: Cách làm của Đại Thạnh

HOÀNG LIÊN 22/08/2022 07:01

Xã Đại Thạnh được huyện Đại Lộc chọn làm điểm trong chuyển đổi số và tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã thông minh. Khó khăn, áp lực chất chồng song với tinh thần và quyết tâm cao, địa phương đã biến khó khăn thành động lực.

Xã Đại Thạnh triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và hướng dẫn người dân cách gửi hồ sơ trực tuyến. Ảnh: T.N
Xã Đại Thạnh triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và hướng dẫn người dân cách gửi hồ sơ trực tuyến. Ảnh: T.N

Lấy khó khăn làm động lực

Bà Nguyễn Thị Minh Nam - Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết, xã được huyện chọn làm điểm thực hiện chuyển đổi số (CĐS) và được tỉnh chọn làm điểm xây dựng xã thông minh với 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Bước đầu, địa phương gặp không ít khó khăn do xuất phát điểm thấp, đại bộ phận nhân dân làm nông, lớn tuổi, khả năng tiếp cận công nghệ, mua sắm máy tính, điện thoại khó khăn, lại không rành sử dụng internet.

Hạ tầng, thiết bị công nghệ phục vụ CĐS và xây dựng xã thông minh còn yếu và thiếu đồng bộ... Song, theo bà Nam, địa phương nhận thấy, lộ trình CĐS có thể khai mở những tiềm năng để địa phương có bước phát triển mới mạnh mẽ hơn.

Xã Đại Thạnh đã triển khai điểm ứng dụng không dùng tiền mặt tại chợ Bến Dầu - điểm chợ này đã phủ sóng wi-fi. Người dân và du khách khi mua sắm có thể quét mã QR-code để thanh toán. Ứng dụng này càng tiện lợi hơn cho tiểu thương trong giao dịch với các đối tác cung ứng hàng hóa.

Đại Thạnh đã vận động nguồn lực xã hội hóa để mua sắm máy tính lắp đặt ở hội trường 5 thôn trên địa bàn, phủ sóng wi-fi hỗ trợ người dân tra cứu, truy cập thông tin và tiến hành các bước gửi hồ sơ, thủ tục trực tuyến.

Bộ phận 1 cửa xã được bố trí 3 máy tính để hướng dẫn bà con nhập hồ sơ trực tuyến, vừa giải quyết trực tiếp thủ tục, hồ sơ tại chỗ.

Phòng VH-TT huyện cử cán bộ tập huấn rất nhiều lần cho đội ngũ cán bộ, công chức xã Đại Thạnh và các Tổ công nghệ cộng đồng ở 5 thôn.

Điển hình, Tổ công nghệ cộng đồng thôn Hanh Đông đã phát huy vai trò, nhiệm vụ cầu nối giữa chính quyền và người dân trong việc trực tiếp hỗ trợ, hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, thực hiện CĐS trong từng lĩnh vực đời sống.

Xã Đại Thạnh triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và hướng dẫn người dân cách gửi hồ sơ trực tuyến. Ảnh: T.N
Xã Đại Thạnh triển khai giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và hướng dẫn người dân cách gửi hồ sơ trực tuyến. Ảnh: T.N

Ông Trương Văn Long - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban dân chính thôn, Tổ trưởng Tổ công nghệ cộng đồng thôn Hanh Đông cho biết, tháng cao điểm, mỗi đêm, thành viên của tổ gồm ban dân chính thôn, đoàn viên và cán bộ xã tập huấn, hỗ trợ bà con tiếp cận dịch vụ tiện lợi tại Nhà văn hóa thôn. Sau đợt cao điểm, tối thứ Bảy hằng tuần, tổ vẫn duy trì tập huấn cho bà con.

“Để quá trình CĐS thuận lợi, cần bố trí thêm một cán bộ am hiểu về công nghệ thông tin để giúp xử lý các tình huống khó khăn. Hiện thôn chỉ mới có 1 máy tính, 1 máy in, 1 máy scan, cần bố trí thêm 1 máy tính để bà con không phải chờ đợi, nhằm triển khai các dịch vụ tiện lợi hơn” - ông Long kiến nghị.

Chờ “quả ngọt”

Theo bà Nguyễn Thị Minh Nam, công tác CĐS và xây dựng xã thông minh ở Đại Thạnh vẫn còn những khó khăn nhất định. Như hạ tầng công nghệ thông tin, gói cước, máy móc, thiết bị còn thiếu và yếu, nhưng Đại Thạnh là xã khó khăn, khả năng tài chính hạn hẹp, nên khó thể nâng cấp.

Đội ngũ cán bộ xã khi tuyển dụng, bố trí không ưu tiên cho mảng công nghệ thông tin nên khi có sự cố về mạng phải chờ đợi rất lâu. Dù là xã khó khăn, nhưng với sự quyết tâm cao độ và sự nỗ lực lớn của toàn đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Đại Thạnh vẫn quyết tâm thực hiện các mục tiêu CĐS và xã thông minh.

Đại Thạnh đã trang bị mạng LAN tại UBND xã, đáp ứng yêu cầu triển khai các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc của UBND xã. Tất cả cán bộ, công chức của xã được trang bị máy tính kết nối internet và cài đặt phần mềm diệt virus.

Địa phương đã lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh và đèn năng lượng thông minh tại 9 điểm trọng yếu về an ninh trật tự, an toàn giao thông. Mọi văn bản đi - đến được luân chuyển, xử lý, ban hành qua hệ thống Q-Office.

Tỷ lệ thủ tục hành chính công được cung cấp mức độ 3 và 4 trong 6 tháng qua là 539/935 hồ sơ. Trong tháng cao điểm giải quyết thủ tục hành chính mức độ 3 và 4, Công an xã đã tiếp nhận trực tiếp 18 hồ sơ, trực tuyến 46 hồ sơ...

Đại Thạnh đặt mục tiêu đến cuối 8.2022 tất cả cán bộ, công chức của xã sử dụng chữ ký số. Người dân khi đến liên hệ thủ tục hành chính hay đăng nhập trực tuyến, chỉ cần quét mã QR-code để được hướng dẫn hồ sơ, thủ tục tiện lợi. Hệ thống camera an ninh ở các điểm xung yếu của địa phương đã được lắp đặt từ nguồn xã hội hóa.

“Trong CĐS, cán bộ phải tiên phong, cán bộ làm được thì mới có thể giúp dân, mới tập huấn cho dân được. Phải nói rằng, ban đầu chính cán bộ cũng hơi chùn bước, nhưng CĐS là xu hướng tất yếu rồi, không thể khác được và nếu cán bộ nào không theo kịp thì chỉ có cách tự xin nghỉ.

Cán bộ làm đã khó, xuống dân càng khó hơn. Ban đêm, xã cử cán bộ đứng cánh xuống tập huấn cho dân tại các điểm thôn, sát cánh cùng Tổ công nghệ cộng đồng. Giữa muôn vàn khó khăn, địa phương xác định đây là quá trình chứ không chỉ 1 - 2 ngày là có thể làm được” - bà Nam nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Xây dựng xã thông minh: Cách làm của Đại Thạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO